Bệnh phong, dân gian gọi là cùi, hủi, không phải bệnh di truyền, không được điều trị kịp thời có thể để lại di chứng trầm trọng, tàn tật.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Thái Thanh Yến, khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM.
Định nghĩa
Bệnh phong còn gọi là bệnh Hansen, bệnh khó lây lan, thường xuất hiện nhiều ở trẻ em hơn người lớn.
Nguyên nhân
Bệnh phong do vi trùng Mycobacterium Leprae gây ra.
Các dạng
– Bệnh phong có nhiều biểu hiện lâm sàng, trong đó có hai dạng thường gặp:
* Dạng Tuberculoid – phong củ.
* Dạng Lepromatous – phong u.
– Từ hai dạng nói trên, bệnh còn được chia ra nhiều thể khác nhau.
– Cả hai dạng trên đều gây tổn thương da cho người bệnh nhưng phong u có ảnh hưởng nghiêm trọng hơn do cấu tạo u ngoài da làm cho bệnh nhân có hình dạng méo mó, dị dạng.
– Bệnh phong thường gây ra các tổn thương ở dây thần kinh ngoại biên, gây mất cảm giác ngoài da và làm liệt các cơ một cách từ từ. Từ đó, bệnh nhân có thể sẽ mất dần các bàn tay, bàn chân đã bị bệnh.
Đường lây
Bệnh phong lây lan qua da hoặc hô hấp khi có sự tiếp xúc trực tiếp, trong một thời gian dài với những chất xuất tiết (nước mũi, nước bọt…) có chứa vi khuẩn gây bệnh từ người bệnh phong, nhất là trong giai đoạn đang phát triển bệnh.
Tuy nhiên, nhiều nữ tu, thầy thuốc hay nhân viên y tế chăm sóc người mắc bệnh phong suốt đời nhưng không bị lây bệnh.
Thời gian ủ bệnh
– Một vài loại vi khuẩn khác có thể sinh sôi trong thời gian ngắn chỉ với vài phút, vi khuẩn Hansen chỉ sinh sản một lần trong vòng hai tuần lễ. Do đó bệnh phong xuất hiện rất chậm sau khi nhiễm vi khuẩn.
– Thời gian ủ bệnh có khi kéo dài tới vài năm hoặc vài chục năm.
– Lúc bệnh biểu hiện ra bên ngoài, cơ thể bệnh nhân đã có đầy rẫy vi khuẩn.
Dấu hiệu
-Bệnh nhân thường xuất hiện các triệu chứng lâm sàng rõ ràng và dễ quan sát.
– Một người bị bệnh có thể xuất hiện một đến nhiều dấu hiệu:
* Tổn thương trên da, mất cảm giác.
* Da xuất hiện các biến đổi màu da.
* Yếu cơ, tê bì ở cánh tay, bàn chân, bàn tay và chân.
– Tổn thương da có thể xuất hiện đơn lẻ hoặc nhiều, đôi khi có màu đỏ hoặc màu hồng.
– Điển hình các tổn thương da do bệnh phong thường nhìn thấy được như đốm (da phẳng, khác màu), bị nổi các hồng ban bóng đỏ hoặc các nốt sần.
Chẩn đoán và điều trị
– Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa bệnh phong năm 2018 do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị phác đồ 3 thuốc tương ứng với rifampicin, dapsone và clofazimine cho tất cả bệnh nhân phong.
– Thời gian điều trị là 6 tháng đối với bệnh phong thể PB và 12 tháng đối với bệnh phong thể MB.
Biến chứng
Bệnh không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như:
– Chân tay bị hủy hoại dần.
– Thần kinh ngoại vi bị tổn thương khiến chân tay không cử động được, cứng lại, co quắp.
– Bàn chân bị thủng loét và nhiễm độc.
– Giác mạc bị tổn thương, mờ đục, áp nhãn tăng cao, mắt khô, dẫn đến khiếm thị, mù lòa.
– Ngọc hành bị teo, tinh trùng không được sản xuất nên gây vô sinh ở nam.
– Rụng lông mày, lông mi.
Phòng ngừa
– Giữ vệ sinh thân thể sạch sẽ, tắm rửa bằng xà phòng.
– Nếu phát hiện bị bệnh, hãy kịp thời điều trị sớm để chóng khỏi, nguồn lây sớm được dập tắt.
– Tự phòng chống lây lan bệnh bằng cách sống văn minh, lành mạnh.