Viêm quầng là một bệnh nhiễm trùng da thường gặp, biểu hiện bằng các vết đỏ sưng, đau và nóng. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể lan rộng và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về bệnh viêm quầng, nguyên nhân, triệu chứng bệnh và những điều cần lưu ý để điều trị hiệu quả.
Bệnh viêm quầng là gì?
Viêm quầng hay Erysipelas là một bệnh nhiễm khuẩn da và các mô liên kết bên dưới. Bệnh này biểu hiện bằng tình trạng viêm nhiễm lan rộng, thường bắt đầu tại vị trí da bị tổn thương như vết cắt, vết trầy xước, vết loét (bao gồm cả loét mãn tính và ung thư da) hoặc do vật nhọn đâm vào,… Bên cạnh đó, những người có thể trạng yếu như suy dinh dưỡng, lạm dụng rượu, mắc bệnh tiểu đường hoặc hệ miễn dịch suy giảm cũng dễ bị vi khuẩn tấn công ngay cả khi da không có vết thương hở.
Viêm quầng ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, nhưng trẻ em dễ mắc bệnh hơn người lớn và có nguy cơ gặp biến chứng nghiêm trọng hơn. Trong quá khứ, đây là một bệnh lý khá thường gặp và có thể gây tử vong ngay cả khi được điều trị tại bệnh viện. Tuy nhiên, nhờ sự phát triển của kháng sinh, tỷ lệ tử vong do viêm quầng đã giảm đáng kể.
Triệu chứng viêm quầng
Sau khi vi khuẩn xâm nhập vào da, bệnh tiến triển qua các giai đoạn sau:
Giai đoạn ủ bệnh: Kéo dài khoảng 2 – 7 ngày, thường không có triệu chứng đáng chú ý.
Giai đoạn khởi phát: Các dấu hiệu mơ hồ và không đặc trưng như cảm giác mệt mỏi, sốt nhẹ, đau nhức cơ thể.
Giai đoạn toàn phát: Giai đoạn này được nhận biết bởi các dấu hiệu sau:
- Sốt: Bệnh nhân đột ngột trải qua cơn sốt cao (từ 39 đến 40 độ C), kèm theo ớn lạnh, đau đầu, buồn nôn và nôn. Người có sức đề kháng yếu (trẻ em, người cao tuổi, người bệnh mãn tính, người suy giảm miễn dịch) có thể gặp triệu chứng toàn thân nặng hơn như sốt cao liên tục, hôn mê,…
- Nổi hạch: Hạch gần vùng da bị nhiễm trùng sưng đau, có thể sưng to và đau dữ dội trong trường hợp nặng.
- Tổn thương da: Vùng da bệnh nổi gồ lên, tách biệt rõ với vùng da lành. Da tổn thương có màu đỏ tươi, bề mặt sần sùi như vỏ quýt, đôi khi xuất hiện bọng nước hoặc loét. Vết đỏ ban đầu nhỏ, sau đó lan rộng thành mảng cứng, đau khi chạm vào.
- Vị trí xuất hiện: Thường xuất hiện ở bụng trẻ sơ sinh; mặt, tai và da đầu ở trẻ lớn và chân tay người lớn.
- Kết quả xét nghiệm bất thường: Số lượng bạch cầu, đặc biệt là bạch cầu trung tính, thường tăng cao (tuy nhiên có thể bình thường ở thể nhẹ). Các chỉ số viêm như CRP, CRP-hs và procalcitonin cũng tăng, đặc biệt cao khi nhiễm trùng nặng, lan rộng hoặc gây biến chứng. Các xét nghiệm khác có thể thay đổi tùy thuộc vào cơ quan bị ảnh hưởng.
Giai đoạn lui bệnh: Nếu không được điều trị, các triệu chứng trên da và toàn thân có thể kéo dài từ 1 đến 3 tuần rồi giảm dần. Tuy nhiên, bệnh có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như viêm nội tâm mạc, viêm khớp, viêm màng não, áp xe dưới da và nhiễm trùng huyết, thậm chí tử vong. Bệnh cũng có thể tái phát nếu hệ miễn dịch suy yếu hoặc tác nhân gây bệnh vẫn tồn tại.
Nguyên nhân gây bệnh viêm quầng
Nguyên nhân chủ yếu gây ra viêm quầng là do vi khuẩn Streptococcus nhóm A (liên cầu nhóm A). Đôi khi, nhiễm trùng này cũng có thể xảy ra do vi khuẩn tụ cầu, thường gặp ở những người đã có các vết loét da mãn tính.
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ viêm quầng bao gồm:
- Da bị tổn thương: Bất kỳ tổn thương nào trên bề mặt da, chẳng hạn như vết cắt, vết cắn của côn trùng, vết loét hoặc các bệnh lý da liễu như vảy nến và eczema, đều có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây viêm quầng.
- Rối loạn tuần hoàn: Các vấn đề về lưu thông máu qua tĩnh mạch và bạch huyết có thể làm tăng nguy cơ.
- Yếu tố tuổi tác: Trẻ sơ sinh và người lớn tuổi thường dễ bị viêm quầng hơn.
- Hệ miễn dịch suy yếu: Những người có sức đề kháng yếu, bao gồm phụ nữ mang thai, người nghiện rượu, người béo phì,… có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
- Tiền sử viêm quầng: Những người đã từng bị viêm quầng có nguy cơ cao bị tái phát.
Các biến chứng viêm quầng
Bệnh viêm quầng thường có tiên lượng tốt, đặc biệt là các trường hợp nhẹ và trung bình, đa số bệnh nhân có thể điều trị ngoại trú. Tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời hoặc điều trị không đúng cách, bệnh nhân có nguy cơ gặp phải các biến chứng nghiêm trọng sau:
- Áp xe tại vị trí tổn thương da.
- Hình thành huyết khối (cục máu đông).
- Tổn thương mô dẫn đến hoại tử.
- Nhiễm trùng máu (biến chứng này có tỷ lệ tử vong lên tới 50% ở trẻ nhỏ).
- Viêm nội tâm mạc.
- Viêm màng não.
- Nhiễm trùng xâm lấn vào các khớp và xương.
Đường lây truyền viêm quầng
Viêm quầng lây nhiễm chủ yếu thông qua sự xâm nhập của vi khuẩn vào cơ thể qua các vết hở trên da, bao gồm vết cắt, trầy xước và những vùng da bị tổn thương do chấn thương mô mềm, loét da, trầy da hoặc do dị vật đâm qua da. Khoảng 30% ca bệnh viêm quầng bắt nguồn từ liên cầu khuẩn cư trú ở vùng hầu họng. Cho đến nay, chưa có dữ liệu nào chứng minh bệnh có thể lây truyền qua tiếp xúc hàng ngày.
Đối tượng nguy cơ viêm quầng
Viêm quầng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi và giới tính, tuy nhiên trẻ nhỏ và người già là nhóm đối tượng dễ mắc bệnh nhất. Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm quầng bao gồm:
- Tổn thương da như vết thương, vết loét, vết cắt, vết xước, vết cắn của côn trùng,…
- Suy giảm tuần hoàn tĩnh mạch và bạch huyết.
- Suy giảm miễn dịch.
- Các bệnh lý nền như tiểu đường và hội chứng thận hư.
- Nghiện rượu hoặc lạm dụng rượu bia trong thời gian dài.
- Người đã từng bị viêm quầng trước đó.
Chẩn đoán bệnh viêm quầng như thế nào?
Chẩn đoán xác định
Việc xác định viêm quầng dựa trên đánh giá triệu chứng lâm sàng như đã đề cập ở phần trên, kết hợp với một số dấu hiệu cận lâm sàng như:
- Phân tích công thức máu: Số lượng bạch cầu và bạch cầu trung tính tăng cao.
- Đo tốc độ lắng máu: Tốc độ lắng máu tăng.
- Kiểm tra nước tiểu: Có thể phát hiện albumin trong nước tiểu nếu có tổn thương thận.
- Phân tích dịch hoặc mủ từ vùng bị tổn thương: Giúp xác định loại vi khuẩn gây bệnh.
- Xét nghiệm máu: Ít giá trị, ngoại trừ khi nghi ngờ nhiễm trùng máu thì có thể cho kết quả dương tính.
Chẩn đoán phân biệt
Viêm quầng cần được phân biệt với viêm mô tế bào (cellulitis). Viêm mô tế bào thường biểu hiện bằng vùng da đỏ hình vòng cung, sưng cứng, không có ranh giới rõ ràng với da lành, không kèm sưng hạch bạch huyết và tổn thương nằm sâu hơn trong mô. Trong những trường hợp nhẹ hoặc khi các dấu hiệu lâm sàng mơ hồ, các phương pháp xét nghiệm phân biệt sau thường được áp dụng:
- Nhuộm soi: Phân tích mẫu bệnh phẩm từ vết thương hở, dịch mụn nước,… Nếu thấy cầu khuẩn xếp thành chuỗi, bắt màu Gram dương, có thể nghi ngờ liên cầu khuẩn. Tuy nhiên, phương pháp này có thể cho kết quả dương tính giả với các vi khuẩn khác.
- Nuôi cấy và phân lập vi khuẩn: Mẫu bệnh phẩm có thể là dịch từ vết thương, dịch bọng nước, máu,… Kết quả dương tính không chỉ khẳng định tác nhân gây bệnh mà còn cho phép thực hiện kiểm tra độ nhạy cảm với kháng sinh của vi khuẩn liên cầu, hỗ trợ bác sĩ trong việc lựa chọn phác đồ điều trị. Tuy nhiên, khả năng phát hiện vi khuẩn trong máu bằng phương pháp cấy máu ở những ca nhiễm trùng lan rộng là tương đối thấp, nhất là khi bệnh nhân đã sử dụng thuốc kháng sinh trước đó.
- Xét nghiệm miễn dịch ASLO (Anti-Streptolysin O): Nhằm mục đích phát hiện kháng thể Anti-Streptolysin O trong máu. Kháng thể xuất hiện sau 1-2 tuần phơi nhiễm liên cầu và tăng cao trong tháng đầu của bệnh rồi giảm dần. Xét nghiệm có thể được thực hiện định tính hoặc định lượng.
- Giải phẫu bệnh: Ít được sử dụng trong chẩn đoán viêm quầng, nhưng có thể hữu ích để phân biệt với các bệnh lý da khác. Kết quả sinh thiết thường thấy phù nề bạch huyết, giãn mạch máu ở lớp trung bì nông, thâm nhiễm bạch cầu đa nhân và đơn nhân quanh mạch máu, kèm theo phù nề ở lớp thượng bì.
Điều trị bệnh viêm quầng
Viêm quầng thường được điều trị bằng các biện pháp nội khoa, tập trung vào việc chăm sóc vùng bị ảnh hưởng, kiểm soát triệu chứng và điều trị nguyên nhân gây bệnh.
Chăm sóc tại chỗ
- Người bệnh cần nhập viện để theo dõi và điều trị.
- Yêu cầu nghỉ ngơi tuyệt đối trên giường. Nếu viêm quầng xảy ra ở tay hoặc chân, cần cố định chi bị ảnh hưởng để hạn chế sưng đau và viêm nhiễm.
- Chườm ẩm bằng gạc sạch lên vùng da tổn thương, đặc biệt là khi có hiện tượng trầy xước, chảy dịch hoặc loét.
- Đảm bảo chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng và uống đủ nước.
Điều trị triệu chứng
- Hạ nhiệt: Khi người bệnh bị sốt, có thể sử dụng thuốc hạ sốt như Paracetamol với liều lượng 10-15mg/kg cân nặng, lặp lại sau mỗi 4-6 giờ nếu sốt vẫn tiếp diễn. Ibuprofen cũng có thể được sử dụng để hạ sốt và giảm đau.
- Giảm đau: Ngoài các phương pháp vật lý như chườm mát và kê cao chi bị tổn thương, người bệnh có thể sử dụng thuốc giảm đau không steroid (NSAIDs) dạng uống hoặc bôi ngoài da.
Điều trị nguyên nhân
Viêm quầng là bệnh nhiễm khuẩn cần điều trị bằng kháng sinh ngay từ đầu để tránh biến chứng. Lựa chọn kháng sinh như sau:
- Penicillin là lựa chọn ưu tiên hàng đầu.
- Nếu bệnh nhân mẫn cảm với penicillin hoặc nhóm betalactam thì erythromycin hoặc azithromycin (nhóm macrolid) là lựa chọn thay thế.
- Trong trường hợp vi khuẩn kháng penicillin thì các loại kháng sinh thuộc nhóm methicillin như oxacillin, dicloxacillin và nafcillin sẽ được chỉ định.
Hướng dẫn về liều dùng
Penicillin
- Người trưởng thành: Penicillin G được tiêm bắp với liều 0.6-1.2 triệu đơn vị, 2 lần/ngày, kéo dài 10 ngày. Penicillin VK được dùng đường uống, 250-500mg, 4 lần/ngày, trong 10-14 ngày.
- Trẻ em: Liều dùng Penicillin G cho trẻ dưới 30kg là 300.000 đơn vị/ngày, tiêm bắp. Trẻ trên 30kg dùng liều như người lớn. Penicillin VK được chỉ định với liều 25-50mg/kg/ngày, chia 3-4 lần cho trẻ dưới 12 tuổi. Trẻ trên 12 tuổi dùng liều như người lớn.
Erythromycin
- Người trưởng thành: Liều dùng thông thường là 250-500mg, uống 4 lần/ngày, trong 7-14 ngày.
- Trẻ em: Liều dùng erythromycin cho trẻ em được tính theo cân nặng, từ 30-50mg/kg/ngày, chia làm nhiều lần uống. Trẻ dưới 2 tuổi dùng 500mg/ngày, chia 4 lần. Trẻ từ 2-8 tuổi dùng 1g/ngày, chia 4 lần.
Dicloxacillin (Dynapen): Thuốc này được sử dụng khi nhiễm trùng do tụ cầu khuẩn kháng penicillin.
- Người trưởng thành: Liều dùng dicloxacillin là 125-500mg, uống 4 lần/ngày, trong 10 ngày.
- Trẻ em: Trẻ dưới 40kg dùng 12.5mg/kg/ngày, uống mỗi 6 giờ. Trẻ trên 40kg dùng liều như người lớn.
Viêm quầng có thể xảy ra với bất kỳ ai, đặc biệt là những người có sức đề kháng kém. Để phòng ngừa bệnh, bạn nên giữ vệ sinh cá nhân tốt, tăng cường sức đề kháng và đến khám sức khỏe định kỳ. Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, hãy liên hệ với bác sĩ ngay để được tư vấn và điều trị kịp thời.