Viêm da mủ ở trẻ sơ sinh thường nghiêm trọng và nguy hiểm hơn các trường hợp khác vì làn da trẻ vô cùng mỏng manh, chỉ bằng ⅓ của người trưởng thành. Nếu không trị bệnh đúng cách và kịp thời, viêm da mủ ở trẻ sơ sinh sẽ dễ để lại nhiều hậu quả kể cả về mặt sức khỏe và thẩm mỹ ở trẻ sau này.
Viêm da mủ ở trẻ sơ sinh nguy hiểm, dễ lây
Bệnh viêm da mủ ở trẻ sơ sinh thường khiến trẻ cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu và hay gãi. Gãi chính là con đường dễ khiến mụn mủ trên da vỡ và lây truyền vi khuẩn khiến bệnh ngày càng nặng hơn, dễ tái phát và nguy hiểm.
Lý do hàng đầu khiến bệnh viêm da mủ ở trẻ sơ sinh nguy hiểm là do sức đề kháng của trẻ còn yếu, da trẻ còn non nớt và mỏng manh. Trẻ từ 2 – 12 tháng là đối tượng dễ gặp phải các vấn đề về da.
Hoặc do cơ địa, da trẻ tiết nhiều bã nhờn gây bít tắc và sản sinh vi khuẩn/nấm men ở lỗ chân lông. Ngoài ra cách chăm sóc, vệ sinh cho trẻ của ba mẹ có thể chưa thật sự đúng nên khiến da của bé càng dễ bị tấn công bởi các vi trùng/ vi khuẩn gây ra các bệnh viêm da nói chung.
Theo hướng dẫn ICD-10 L08: Impetigo của Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), bệnh viêm da mụn mủ truyền nhiễm (bệnh chốc) thuộc nhóm C trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm. Bệnh chốc có nhiều thể lâm sàng khác nhau. Thể hay gặp nhất là chốc bọng nước. Ngoài ra còn có các thể chốc hạt kê; chốc không có bọng nước mà chỉ có vảy tiết; chốc loét; chốc lây lan truyền nhiễm ở trẻ sơ sinh.
Dấu hiệu nhận biết trẻ sơ sinh bị viêm da mủ
Đặc điểm dịch tễ học, bệnh viêm da mủ thường xảy ra quanh năm, nhưng phổ biến nhất vào mùa hè, và thường gặp ở trẻ nhỏ < 10 tuổi. Những địa phương có trình độ dân trí thấp, điều kiện vệ sinh kém tỷ lệ viêm da mủ (chốc) cao.
Ba mẹ có thể bắt đầu nghi ngờ trẻ nhà mình có nguy cơ bị viêm da mủ ở trẻ sơ sinh nếu trẻ có một trong số những hiện tượng như da nổi rôm sẩy, ngứa đỏ, nổi mụn mủ,… đôi khi đi kèm cả sốt cao. Có nhiều dạng bệnh phổ biến dưới đây:
- Mụn mủ (hay gặp ở chốc lây): Thường xuất hiện ở vùng đầu của trẻ, có dạng từng mảng bám màu vàng gây bết tóc. Đây là một dạng viêm da mủ ở trẻ sơ sinh do tụ cầu khuẩn và liên cầu khuẩn gây nên.
- Chốc mép: Lúc này quanh mép của trẻ có tình trạng mụn chảy mủ hoặc đóng vảy khiến trẻ gặp khó khăn khi bú. Việc này cần điều trị dứt điểm để tránh ảnh hưởng sức khỏe của trẻ sau này.
- Hăm: Thường xảy ra ở khu vực có nhiều nếp gấp trên da như cổ, hai bẹn hay ở kẽ mông. Đó là do các khu vực này không được vệ sinh kỹ càng hoặc thường xuyên bị ẩm ướt. Lúc đó các vùng da này thường bị ửng đỏ, đau rát, có dịch hoặc đóng vảy.
- Mụn nhọt: Đây là tình trạng khá nặng của viêm da mụn mủ ở trẻ sơ sinh. Da trẻ nổi các mụn có mủ bên trong; sau dần vỡ ra và mọc lây lan sang khu vực xung quanh. Mụn nhọt khiến trẻ bị đau và dễ giảm sức đề kháng. Nếu không xử lý đúng cách sẽ dẫn đến nguy cơ cao trẻ gặp nguy hiểm đến tính mạng vì căn bệnh ngoài da viêm da mủ nếu trẻ bị nhiễm khuẩn huyết và nguy hiểm đến tính mạng.
Cách chăm sóc khi trẻ sơ sinh bị viêm da mụn mủ
Bệnh viêm da mủ ở trẻ sơ sinh thường khiến trẻ cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu và hay gãi. Tuy nhiên gãi là con đường dễ khiến mụn mủ vỡ và lây truyền vi khuẩn khiến bệnh ngày càng nặng hơn. Do có khi trẻ bị viêm da mủ ở trẻ sơ sinh, ba mẹ cần chú ý một số điểm:
- Tắm rửa sạch sẽ cho bé: Tắm rửa, gội đầu cho bé mỗi ngày. Không nên dùng nước quá ấm vì nhiệt độ cao dễ làm khô da bé. Nên dùng sản phẩm tắm dịu nhẹ, không mùi phù hợp cho làn da nhạy cảm của trẻ sơ sinh.
- Loại bỏ vảy: Nhẹ nhàng loại bỏ những mảng vảy bám trên da đầu bé bằng khăn mềm/ bàn chải mềm. Để dễ dàng hơn, có thể thoa một ít dầu khoáng để làm mềm vảy trước khi tác động đến.
- Mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát cho trẻ.
- Thay tã thường xuyên, không nên để tã quá ướt.
- Không sử dụng kem steroid hoặc thuốc chống nấm không kê đơn hoặc dầu gội chống viêm da mủ ở trẻ sơ sinh mà không có chỉ định từ bác sĩ.
- Mẹ hạn chế tiêu thụ một số loại thực phẩm cơ nguy cơ cao gây dị ứng cho trẻ như đậu phộng, sữa bò hay trứng,…
- Không đắp lá hoặc các phương pháp trị bệnh thiếu cơ sở khoa học để tránh tác động tiêu cực đến da trẻ như khiến trẻ dễ bị nhiễm trùng. Điều này sẽ khiến việc điều trị viêm da mủ ở trẻ sơ sinh sau đó càng gặp nhiều khó khăn.
Cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt nếu tình trạng viêm da mủ ở trẻ sơ sinh không có chuyển biến tốt hơn sau thời gian chăm sóc hoặc tệ đi như mụn mủ/ vảy bám trên da chuyển thành màu nâu/ nâu vàng, cơ quan sinh dục nổi mụn và có vết lở, chảy dịch.
Nguồn: Khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da, BV ĐH Y Dược