Mùa hanh khô thường là vào khoảng thời gian mùa khô lạnh tại miền Nam và mùa đông tại miền Bắc. Khi đó độ ẩm trong không khí giảm, các phần tử trong môi trường dễ bị khuếch tán do đó sẽ xuất hiện một số vấn đề nổi bật của da – niêm vào mùa này.
Các bệnh da có tỷ lệ tăng cao
DO NẮNG
… Thời tiết mát hoặc lạnh gây chủ quan trong bảo vệ da chống nắng, cùng với tăng thời lượng đi ra ngoài khiến da dễ bị tổn thương do ánh nắng hơn như sạm nám, đỏ da…
DO KHÔ
1. Khô da: da niêm bao bọc khắp cơ thể và có nhiều chức năng. Trong đó chức năng không kém phần quan trọng là một lớp giáp che chở cơ thể nhưng lớp giáp này vô cùng đẹp, mịn màng và mềm mại. Để thực hiện dược điều này là do cấu tạo chính của da là nước
2. Nứt da
3. Chàm thể tạng
4. Viêm da kích ứng
5. Viêm da dị ứng
6. Vẩy phấn hồng
7. Viêm da tiết bã
DO LẠNH
Vào mùa đông hay mùa lạnh nói chung, độ ẩm trong không khí giảm xuống rất nhiều. Do đó da tay, chân, mặt (những vùng tiếp xúc nhiều với môi trường bên ngoài) sẽ dễ dàng bị khô và có thể bong tróc ra. Hiện tượng này là do thành phần nước giữa các tế bào sừng bị giảm (< 10%).
Các tế bào sừng (lớp ngoài cùng của da), đặc biệt ở những người có cơ địa chàm dị ứng, sẽ bị khô và dễ bong ra. Tình trạng da khô càng nặng hơn nếu chúng ta tắm nhiều lần trong ngày bằng xà bông tẩy rửa mạnh với nước nóng hoặc lạnh, ở trong phòng máy lạnh, ngâm mình trong nước chlor hóa như nước hồ bơi hoặc trong các spa, …
Để phòng ngừa, chúng ta nên:
- Tắm bằng nước ấm 1 – 2 lần mỗi ngày, không nên tắm quá nhiều lần trong ngày
- Dùng xà bông da liễu giúp làm êm dịu da
- Không nên chà xát da nhiều, chỉ dùng khăn mịn thấm nhẹ nước
- Tắm lại ngay bằng nước sạch sau khi ngâm mình trong hồ bơi hoặc spa
- Để thêm chậu nước trong phòng máy lạnh
- Thường xuyên dùng các sản phẩm giữ ẩm cho da như chất khoáng (paraffin), chất béo động vật (lanolin), dầu thực vật (dầu olive, dầu mè)…
Để điều trị khi tình trạng da khô và bong tróc nhiều, chúng ta nên:
- Bôi các sản phẩm có chứa glycerine, sorbitol, urea, lactic acid, salicylic acid …
- Trường hợp nặng hơn có thể bôi Corticoid nhẹ trong một thời gian ngắn
Chăm sóc để có đôi tay mềm mại
Bên cạnh đó những tác động vì nắng, vì gió lạnh, đôi bàn tay, một món quà vô giá mà tạo hóa đã ban tặng cho con người, vẫn thường bị bỏ lơ trong quá trình chăm sóc. Đôi khi do vô tình, chúng ta đã làm cho bàn tay mình luôn phải đối mặt với những nguy cơ bị tổn thương. Vì cuộc sống quá bận rộn, có biết bao điều cần phải lo toan hơn nên ta thường không để ý đến điều này.
Cách chăm sóc da tay
Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến làn da tay từ môi trường sống và từ cách chăm sóc da
- Bảo vệ đôi tay và bàn chân trước môi trường sống: Khí hậu khô hanh, độ ẩm giảm môi trường sống giảm (thường xuyên sinh hoạt trong phòng máy lạnh) làm cho da đôi bàn tay trở nên khô sần.
Chúng ta nên đặt trong phòng một máy phun hơi nước hoặc một thau nước để nước tự bốc hơi bổ sung độ ẩm trong không khí. Dùng các dụng cụ để bảo vệ đôi tay thích hợp trong từng hoàn cảnh.
- Cách chăm sóc:
- Rửa tay: Nên sử dụng xà phòng rửa tay có độ pH tương đương pH da, không có chất kiềm, vì độ kiềm làm cho lớp sừng dễ bị bong ra.
- Giữ ẩm cho da: Có rất nhiều chị em phụ nữ không xem trọng đúng mức việc dưỡng ẩm cho da tay, hậu quả là da bàn tay ngày càng… khô, dễ bị nhăn hơn khi tiếp xúc nhiều với ánh nắng. Vì thế, để sở hữu một đôi tay mềm mại, việc giữ ẩm da tay phải được chú trọng hàng đầu.
Mỗi ngày, bàn tay bạn phải tiếp xúc với nước rất nhiều, từ rửa tay, tắm giặt đến những công việc khác. Khi nước bay hơi sẽ làm cho da bàn tay khô hơn vì vậy bạn nên bổ sung độ ẩm cho da bằng những sản phẩm dưỡng ẩm nhẹ dịu sau khi lau khô tay. Bôi kem giữ ẩm cho tay vào buổi tối, chọn các loại kem giữ ẩm có chứa vaseline, urea, glycerin, các vitamin…
- Thói quen sinh hoạt: Ví dụ khi đi bơi, nước chlor hóa làm ảnh hướng đến làn da nên sau khi đi bơi phải xả ngay thật kỹ với nước ngọt…
Cách phòng tránh các bệnh thường gặp:
– Bệnh ở tay và chân phổ biến nhất là chàm tiếp xúc hoặc nhiễm trùng: Vì chức năng của đôi bàn tay là giúp cầm nắm và vận hành các thao tác, nên đôi bàn tay của chúng ta phải thường xuyên tiếp xúc với nhiều tác nhân trong môi trường sống như hóa chất (có thể gây bệnh chàm tiếp xúc), vi trùng (có thể gây nhiễm trùng da), vi nấm (có thể gây nấm da tay hoặc nấm móng).
– Bị khô da, nứt da: Nên sử dụng kem dưỡng ẩm, đeo bao tay khi tiếp xúc nhiều với nước và hóa chất, uống nước nhiều và thực đơn có đủ các yếu tố vi lượng. Hạn chế sử dụng hóa chất làm đẹp cho móng vì tác động của nước rửa móng, hóa chất,… làm cho móng tay rất dễ bị vàng và da tay bị khô, bong tróc.
– Bị nhiễm trùng: Không nên bưng bít thường xuyên. Trong việc làm đẹp móng, nên có riêng một bộ dụng cụ làm móng của riêng mình kể cả thau dùng để đựng nước ngâm móng hoặc khăn dùng để chùi khô móng…
– Đối với phần da quanh móng, không nên cắt quá sâu vì có thể gây phạm vô phao móng hoặc phần thịt của móng. Từ đó làm cho móng mất định hướng gây cong vẹo hoặc quặp khi mọc dài thêm, hoặc có thể gây nhiễm trùng tại chỗ, thậm chí lây truyền các tác nhân gây bệnh theo đường máu toàn thân như nhiễm HIV, viêm gan siêu vi…
TS.BS Lê Thái Vân Thanh