Bỏng nắng dù ở mức độ nhẹ cũng có thể là yếu tố dẫn đến ung thư da. Do đó đừng xem nhẹ nguy cơ da bị bỏng nắng, đặc biệt trong tiết trời mùa hè.
Bỏng nắng là gì?
Bỏng nắng hay còn gọi là cháy nắng, xảy ra khi da phải tiếp xúc thời gian dài dưới ánh nắng mặt trời gay gắt (lượng tia UV cao) mà không có biện pháp bảo vệ đầy đủ. Vào mùa hè, dưới ánh nắng mặt trời gay gắt, cháy nắng càng dễ xảy ra hơn. Nếu thường xuyên bị cháy nắng sẽ làm tổn thương da, có thể dẫn đến một số bệnh về da nhất định.
Những thay đổi của da khi bị cháy nắng
Khi bức xạ UV từ mặt trời tiếp xúc với da nhiều hơn mức chịu đựng của da sẽ làm hỏng các tế bào và có nguy cơ gây đột biến gien di truyền DNA. Lúc này da không đủ khả năng tự “sửa chữa”. Mặc dù sau đó vùng da bị bỏng nắng sẽ dần dần trông bình thường trở lại nhưng một số tế bào da sẽ trở nên bị đột biến không tuân theo quá trình phục hồi.
Những tế bào này chính là mối nguy tiềm ẩn của ung thư da. Ngoài ra còn có nghiên cứu cho thấy các tia UV gây hại cho da cũng có thể làm thay đổi gen ức chế khối u, khiến các tế bào bị tổn thương ít có cơ hội sửa chữa trước khi tiến triển thành ung thư.
Da cháy nắng, tăng nguy cơ mắc ung thư da
Có những vùng da ít được chú ý đến nhưng cũng có thể bị bỏng nắng nếu không được bảo vệ như dái tai, da đầu và môi. Các dấu hiệu khi bị bỏng nắng bao gồm:
- Da ửng hồng hoặc đỏ
- Da có cảm giác nóng rát khi chạm vào
- Nổi vết sưng tấy, cảm thấy đau hoặc ngứa
- Xuất hiện các mụn nước nhỏ trên da, dễ bị vỡ
Cháy nắng không chỉ gây tổn thương ở trên da mà còn có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng khác như chóng mặt, buồn nôn, đau đầu hay sốt. Các dấu hiệu và triệu chứng này thường xuất hiện trong vòng vài giờ sau khi phơi nắng nhưng cũng có thể sau 1 – 2 ngày hoặc lâu hơn tùy mức độ cháy nắng.
Ai cũng gặp nguy cơ cao dễ bỏng nắng
Có một số thông tin về bỏng nắng mà bạn có thể chưa biết – điều này có thể khiến bạn chủ quan trong phòng ngừa, từ đó dễ gây tổn thương da. Bao gồm:
Màu da quyết định đến độ nhạy cảm của da dưới nắng mặt trời và những người có làn da trắng có nguy cơ bị bỏng nắng cao nhất. Tuy nhiên cần nhớ bất cứ ai cũng có thể bị bỏng nắng. Ngay cả bạn có da sậm màu, tác động của nắng mặt trời vẫn có thể gây tổn thương các tế bào da.
Ngay cả khi không bị bỏng, phơi nắng làm tăng nguy cơ ung thư da.
Có thể bị bỏng nắng ngay cả khi thời tiết u ám: Có đến hơn 80% tia UV có thể xuyên qua mây, do đó che chắn hay bôi kem chống nắng cho da mỗi khi ra ngoài luôn là điều cần thiết.
Tổn thương da tích tụ theo thời gian qua những lần bỏng nắng, càng không bảo vệ da, nguy cơ ung thư da càng cao. Bỏng nắng dù nhẹ (vùng da bị bỏng chỉ phớt hồng) vẫn có thể khiến da lão hóa sớm và gây bệnh.
Bị cháy nắng thì phải làm sao?
Mặc dù không có biện pháp để hạn chế nhiều tình trạng tổn thương da khi cháy nắng nhưng có những cách giúp làm mát da và giúp bạn thấy dễ chịu hơn. Vậy bị cháy nắng thì phải làm sao?
Dùng kem dưỡng ẩm hoặc gel làm mát: Các sản phẩm có thành phần như lô hội có khả năng làm dịu da hiệu quả.
Chườm mát: Làm ướt khăn sạch và thường xuyên đắp lên vùng da cháy nắng.
Uống nhiều nước cũng là một cách giúp da phục hồi thêm
Cố gắng không làm vỡ mụn nước (nếu có): Nếu mụn vỡ hãy rửa sạch bằng nước và xà bông; sau đó dùng thêm thuốc mỡ kháng sinh và che chắn bằng gạc sạch. Nếu mụn nước có vẻ không bớt hay tăng thêm thì cần nhanh chóng đến gặp bác sĩ.
Dùng thuốc giảm đau: Một loại thuốc giảm đau không kê đơn như ibuprofen hoặc naproxen natri có thể giúp kiểm soát cơn đau và sưng tấy do cháy nắng, đặc biệt nếu uống ngay sau khi phơi nắng. Một số loại thuốc giảm đau có thể được áp dụng cho da của bạn dưới dạng gel. Lưu ý: Không dùng benzocaine ở trẻ dưới 2 tuổi khi không có ý kiến bác sĩ; còn đối với người lớn, cũng cần cân nhắc liều lượng khi sử dụng, không nên lạm dụng thuốc giảm đau.
BS. CKII Phạm Đình Lâm, Khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đại học Y Dược