Thông thường, viêm da tiếp xúc ở trẻ em và bà bầu không gây nguy hiểm, có thể tự khỏi nếu được chăm sóc đúng cách. Tuy nhiên, tình trạng này sẽ gây ra nhiều khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.
Chăm sóc viêm da tiếp xúc ở trẻ em đúng cách
Viêm da tiếp xúc là tình trạng phản ứng da xảy ra khi trẻ tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh nhất định. Các tác nhân gây bệnh có thể chia thành 2 nhóm chính:
Các chất gây kích ứng: các chất này trực tiếp gây ra tình trạng viêm và kích ứng da. Đây là nguyên nhân thường gặp nhất của viêm da tiếp xúc.
Các dị ứng nguyên: các chất này gây ra đáp ứng của hệ thống miễn dịch với các dị ứng nguyên. Cơ thể sẽ giải phóng các hóa chất trung gian gây ra các triệu chứng về da. Viêm da tiếp xúc do các dị ứng nguyên thường ít gặp hơn.
Triệu chứng thường gặp của bệnh bao gồm: ngứa, đau, hồng ban rỉ dịch, da khô tróc vảy chảy máu, có thể xuất hiện mụn nước và đóng mài. Bệnh có thể xảy ra ở bất kỳ vùng nào của cơ thể.
Khi phát hiện trẻ bị viêm da tiếp xúc, cha mẹ nên sớm đưa trẻ đi thăm khám bác sĩ. Đặc biệt là khi viêm da làm trẻ mất ngủ, vùng da bệnh bị nhiễm trùng, xuất hiện mủ… cần đưa trẻ đi thăm khám càng sớm càng tốt.
Viêm da tiếp xúc ở trẻ em là một tình trạng rất thường gặp và dễ tái phát, do đó, cha mẹ cần lưu ý phòng bệnh cho trẻ bằng cách:
- Tắm rửa cho trẻ càng sớm càng tốt ngay sau tiếp xúc các chất kích ứng hay dị nguyên, rửa sạch tất cả các vùng từ mặt cổ , tay, ngay cả giữa các kẽ tay.
- Sử dụng gạc ẩm, lạnh đáp lên vùng da bệnh sẽ giúp giảm các triệu chứng và giảm viêm.
- Dùng kem dưỡng ẩm nếu cần thiết
- Dùng các sản phẩm làm sạch và chăm sóc da dành riêng cho trẻ em
- Quần áo, đồ dùng của trẻ phải luôn được giữ sạch sẽ, chất liệu mềm mịn, thông thoáng, thấm hút mồ hôi tốt
- Cho trẻ ngủ đủ giấc
- Tránh để trẻ lo lắng, căng thẳng
- Cho trẻ uống đủ nước và đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý
- Tránh tiếp xúc với các tác nhân có thể gây kích ứng da như phấn hoa, lông động vật, côn trùng…
- Trong những trường hợp nặng nên đưa trẻ đến bác sĩ để được thăm khám. Tùy theo tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ có thể cho bé sử dụng thuốc thoa có chứa corticoid hay uống thuốc kháng histamin để giảm ngứa và các triệu chứng khác giúp lành bệnh nhanh hơn.
Làm gì khi bà bầu bị viêm da tiếp xúc?
Sự thay đổi hormone trong quá trình mang thai khiến làn da của bà bầu có nhiều sự thay đổi dẫn đến dễ bị tình trạng viêm da tiếp xúc. Lúc này, mẹ bầu cần lưu ý chăm sóc làn da cơ thể thật cẩn thận theo các bước sau để làm giảm tình trạng bệnh và không làm bệnh trở nặng hơn.
- Tắm rửa cơ thể với nước ấm vừa phải, tránh tiếp xúc nước quá nóng có thể khô hơn
- Luôn giữ cho làn da đủ ẩm với các loại giữ ẩm phù hợp
- Mặc các loại đồ rộng rãi, thoáng mát để tránh làm kích ứng da, nên chọn các loại vải cotton, chất liệu tự nhiên. Các loại vải như len, sợi lông, vải bố có thể khiến trầm trọng hơn tình trạng viêm da tiếp xúc ở bà bầu
- Vệ sinh da thường xuyên, đặc biệt là những lúc ra mồ hôi, trời nóng bức… Bà bầu cần lưu ý lựa chọn các sản phẩm chăm sóc, làm sạch da dịu nhẹ, có độ pH phù hợp, tránh các loại chứa chất tẩy rửa mạnh. Nếu cần thiết, bà bầu có thể tham khảo ý kiến bác sĩ da liễu
- Giảm ngứa tạm thời bằng cách chườm khăn mát, tuy nhiên không nên quá lạm dụng phương pháp này vì có thể gây bỏng lạnh.
- Tránh cào gãi vì Gãi: Khi gãi, da có thể bị trầy xước, bong tróc, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập, dễ gây nhiễm khuẩn ngoài da
- Trong suốt thai kỳ, mẹ bầu cần đặc biệt cẩn trọng khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào. Chỉ dùng thuốc uống/bôi khi có chỉ định của bác sĩ
- Mẹ bầu cần uống từ 2 – 2,5 lít nước mỗi ngày. Việc uống đủ nước không chỉ giúp quá trình trao đổi chất diễn ra thuận lợi mà còn ngăn ngừa tình trạng khô ngứa, bong tróc da, từ đó giúp ngăn ngừa và giảm khó chịu do viêm da tiếp xúc
- Bổ sung đủ chất dinh dưỡng là một trong những yếu tố quan trọng trong thai kỳ. Việc cung cấp đầy đủ dưỡng chất, đa dạng vitamin, vi chất kim loại,… có ích cho sức khỏe tổng thể, kể cả làn da
BS. CKI Lê Vi Anh, Khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da