Viêm da tiếp xúc thường xảy ra ở các vùng của cơ thể khi tiếp xúc trực tiếp với các tác nhân gây kích ứng. Trong đó, tay và mặt là hai khu vực hàng đầu dễ bị ảnh hưởng của viêm da tiếp xúc. Viêm da tiếp xúc dị ứng ở mặt nếu không xử lý tốt có thể ảnh hưởng đến da mặt, mắt và thẩm mỹ nặng nề.
Dấu hiệu viêm da tiếp xúc dị ứng ở mặt
Dấu hiệu của bệnh có thể xuất hiện trong vòng vài phút đến vài giờ sau tiếp xúc với tác nhân gây bệnh. Triệu chứng của viêm da tiếp xúc bao gồm : mảng hổng ban, ngứa nhiều, khô, nứt nẻ, bong vảy.
Một vài trường hợp có thể có mụn nước hay bóng nước, có thể rỉ dịch và đóng mày. Một vài bệnh nhân khác còn có tình trạng phù nề, cảm giác nóng rát và tăng nhạy cảm do viêm da tiếp xúc.
Nguyên nhân gây viêm da tiếp xúc dị ứng ở mặt
Một khi đã biết điều gì gây ra tình trạng viêm da tiếp xúc ở mặt, việc phòng tránh sau này sẽ hiệu quả hơn nhiều.
Bạn có thể tìm ra nguyên nhân bằng cách trả lời các câu hỏi sau:
- Gần đây có thử dùng mỹ phẩm mới, kem mắt hay nước hoa hay không?
- Có sử dụng dụng cụ uốn mi hay nhíp? Những sản phẩm này thường chứa niken, nguyên nhân phổ biến của viêm da tiếp xúc dị ứng ở mặt
- Có hay dụi mắt? Tiếp xúc gián tiếp với chất gây dị ứng có thể gây phát ban trên mặt
- Có dùng sơn móng tay hay móng tay nhân tạo? Những sản phẩm này có thể gây phản ứng khi bạn chạm vào mặt
- Tiếp xúc với một vật dụng nào đó có mùi thơm như khăn tay, vỏ gối lên da mặt?
- Có áp sát điện thoại vào mặt? Phát ban xuất hiện ở một bên mặt có thể do bạn bị dị ứng với niken hoặc crom. Một số điện thoại di động có chứa một trong những kim loại này.
- Thay đổi dầu gội hoặc dầu xả? Bạn có thể bị dị ứng với 1 trong các thành phần khi sản phẩm tiếp xúc da mặt trong lúc tắm.
- Da mặt có “đụng chạm” với các sản phẩm nhuộm – dưỡng tóc?
Dấu hiệu cảnh báo bạn nên đi gặp bác sĩ da liễu để được thăm khám:
Viêm da tiếp xúc ở mặt có thể trở nên nguy hiểm – không chỉ gây ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ như để lại sẹo mà nguy hiểm hơn là nguy cơ nhiễm trùng nếu bạn chần chừ, không đến gặp bác sĩ da liễu khi thấy mình có các triệu chứng dưới đây:
- Vấn đề phát ban ở mặt gây nhiều khó chịu ảnh hưởng tới ăn uống, ngủ nghỉ và tính thẩm mỹ ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày của bạn
- Vùng da phát ban lan rộng và gây đau đớn
- Tình trạng bệnh không tiến triển tốt lên trong vòng 3 tuần
- Nốt ban/ mụn quanh miệng, mí mắt, mũi sưng đau và gây viêm
- Có dấu hiệu nhiễm trùng như sốt, có mủ chảy ra từ mụn nước ở vùng da bị tổn thương
Cách chăm sóc viêm da tiếp xúc ở mặt
Thời gian mắc bệnh cũng như hướng điều trị viêm da tiếp xúc ở mặt nói riêng và viêm da tiếp xúc nói chung cần dựa vào mức độ bệnh và biểu hiện của triệu chứng, nguyên nhân gây ra kích ứng dị ứng cũng như sức khỏe/cơ địa người bệnh.
Vùng da mặt là nơi da khá nhạy cảm, do đó việc điều trị và chăm sóc cũng cần chú ý nhiều hơn so với việc bị viêm da tiếp xúc ở khu vực khác. Bạn có thể bắt đầu bằng việc dùng kem dưỡng ẩm giúp hồi phục lại lớp ngoài cùng của da và giúp da mềm mại hơn – tuy nhiên nên tham khảo qua ý kiến bác sĩ da liễu – thẩm mỹ da trước khi áp dụng bất cứ sản phẩm nào lên vị trí viêm da tiếp xúc dị ứng ở mặt.
Tiếp đó bạn có thể cần sử dụng thêm một số loại thuốc chống viêm, giảm sưng, giảm sưng – phát ban như thuốc kháng Histamin, kháng sinh hay thuốc mỡ chứa Corticosteroid.
Người bệnh không nên tự ý dùng thuốc không có hướng dẫn của bác sĩ da liễu trong thời gian dài vì như thế có thể không mang lại hiệu quả chữa trị cao mà còn có nguy cơ gây ra một số tác dụng phụ như teo mỏng da, rạn da, ảnh hưởng hoạt động của thận,…
BS. CKI Lê Vi Anh, Khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da