Hói đầu diễn tiến chậm, từ từ trong thời gian dài, với các sợi tóc mỏng dần và rụng từ trán – thái dương đến vùng đỉnh hoặc chỉ tại vùng đỉnh.
Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Ngô Anh Tuấn, Khoa Da liễu – Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM.
Nguyên nhân
– Chứng hói đầu có nguyên nhân di truyền, liên quan đến nồng độ hoặc mức độ hoạt động của nội tiết tố sinh dục nam androgen.
– Phụ nữ bị hói đầu, nếu kèm rậm lông, rối loạn kinh nguyệt, vô sinh, mụn trứng cá nặng, nguyên nhân:
- Đa số do rối loạn nội tiết tố trong hội chứng cường androgen.
- Có thể liên quan hội chứng buồng trứng đa nang, u hoặc tăng sản tuyến thượng thận, hội chứng Cushing, một số thuốc uống như thuốc chống động kinh, kháng insulin…
Ai có thể bị hói đầu?
– Bởi vì có liên quan đến nhiễm sắc thể sinh dục, cho nên hói đầu kiểu nữ còn có thể gặp ở những trường hợp như:
- Sau khi sinh.
- Sau vài tháng ngưng dùng thuốc tránh thai hoặc liệu pháp thay thế nhiễm sắc thể.
- Trong thời kỳ mãn kinh.
– Như vậy hói đầu ở nam hay nữ đều nặng dần theo thời gian là vì sự thay đổi nhiễm sắc thể và sự giảm dần sức sống của nang tóc theo lứa tuổi. Do đó chúng ta có cảm giác rằng chứng hói đầu là bất thường tự nhiên theo lứa tuổi.
Biểu hiện
– Ở nam, các sợi tóc mỏng và rụng dần từ vùng trán – thái dương đến vùng đỉnh (hói đầu kiểu nam). Ở nữ, rụng tóc chỉ tại vùng đỉnh và chừa vùng trán – thái dương (hói đầu kiểu nữ).
– Các sợi tóc mỏng và rụng dần, thường trên da đầu có dầu, diễn tiến rất chậm, tính theo đơn vị năm. Do đó lúc đầu hiện tượng này xảy ra một cách kín đáo.
– Ở nam, lộ dần da đầu bắt đầu từ vùng trán – thái dương. Ở nữ, bắt đầu nhìn thấy ở vùng da đỉnh đầu khi rẽ ngôi.
– Diễn tiến càng về sau vùng da đầu tại các vị trí bị ảnh hưởng trở nên bóng láng, không còn lỗ chân tóc. Tuy nhiên hói đầu kiểu nữ khác kiểu nam. Phụ nữ thường có tóc thưa thớt chứ không có những mảng hói hoàn toàn.
Nguy cơ sức khỏe
Một nghiên cứu gần đây ở những người đàn ông khoảng 45 tuổi bị chứng hói đầu cho thấy:
– Những người trán hói có nguy cơ mắc bệnh mạch vành cao hơn đôi chút so với người không bị rụng tóc. Chỗ hói càng lớn thì nguy cơ càng cao.
– Những người có đỉnh hói nguy cơ cao tăng lượng cholesterol trong máu hoặc tăng huyết áp.
Điều trị
– Thuốc tại chỗ hoặc toàn thân điều trị trực tiếp cơ chế gây hói đầu. Dùng thuốc uống, thuốc xịt phải theo chỉ định của bác sĩ và tùy đối tượng giới tính.
– Cấy tóc: Không áp dụng cho nữ.
– Hỗ trợ dưỡng chất cần thiết cho tóc thông qua đường uống hoặc đưa trực tiếp vào da đầu.
– Kích thích mọc tóc bằng các loại ánh sáng trị liệu.
Phòng ngừa
Không thể phòng tránh tận gốc chứng hói đầu. Đối với những sợi tóc đang đang đứng trước nguy cơ “kêu cứu”, có thể chú ý những phương pháp giúp hạn chế rụng tóc như sau:
– Gội đầu:
- Dùng dầu gội nhẹ, êm dịu 2-3 lần/tuần, dầu gội trị gàu thích hợp khi có gàu, dầu gội dành cho da nhờn khi có nhiều dầu trên da đầu.
- Tăng số lần gội trong tuần lên cho đến khi tình trạng da bình thường trở lại.
- Không thay đổi nhiều loại dầu gội liên tục trong thời gian ngắn.
– Massage da đầu hằng ngày nhẹ nhàng, bằng lược răng thưa hoặc các đầu ngón tay.
– Không nhuộm, uốn tóc.
– Tránh những kiểu tóc gây căng da đầu và chân tóc trong thời gian dài.
– Chú ý chế độ ăn:
- Chế độ ăn có vai trò 25% trong phục hồi tóc rụng đối với người trẻ.
- Với phụ nữ, 20% bị thiếu sắt do vấn đề kinh nguyệt làm cho tóc dễ rụng hơn. Các chất cần thiết cho tóc phát triển là sắt, biotin, kẽm, đạm. Chúng có thể được cung cấp qua chế độ ăn hoặc thuốc uống.
Nguồn Báo VNExpress
https://vnexpress.net/suc-khoe-cam-nang-cac-benh-chung-hoi-dau-4753671.html