Nhiều người Việt đang tìm mọi cách để chạy theo một làn da trắng, nhưng làn da trắng có phải là tiêu chuẩn vàng cho một làn da đẹp?
Gene di truyền
Màu sắc da được quyết định bởi đặc điểm của gien di truyền từ đó tạo nên những kiểu hình khác nhau cho từng chủng tộc (da trắng, da vàng, da đen…). Thành phần hắc tố melanin là yếu tố quyết định màu sắc da. Melanin sáng màu hay tối màu sẽ tạo nên sự khác biệt màu da của các nhóm người hay chủng tộc trên thế giới (phổ da từ trắng đến đen).
Nhiều bằng chứng cho thấy có những cuộc di dân của các chủng tộc có màu da đen đến bất kỳ khu vực nào trên thế giới, vẫn còn giữ màu da đặc trưng sau nhiều đời, sau nhiều thế hệ chứ không thể được chuyển sang màu da như dân bản xứ.
Do đó ngay từ khi sinh ra, màu sắc tự nhiên của làn da đã được quyết định thông qua cấu trúc gien, thông qua đặc điểm kiểu hình của chủng tộc. Màu sắc này sẽ gắn bó và tồn tại với cá nhân đó trong suốt cuộc đời. Tuy nhiên màu sắc làn da có thể ít hay nhiều cũng chịu sự tác động bởi những yếu tố trong và ngoài của cơ thể.
Ánh sáng mặt trời
Màu sắc của làn da là một dải phổ màu có biến thiên lớn trải dài từ hai cực trắng và đen với sự phối trộn và sắp xếp của nhiều màu sắc khác nhau từ da đen, nâu, da vàng, da đỏ, da trắng… Dựa trên sự phản ứng của da dưới sự tác động của ánh sảng mặt trời, da được phân loại thành 6 type khác nhau theo thang đo Fitzpatrick, trong đó:
Type I – II thường gặp ở người da trắng (làn da có chứa các hắc tố sáng màu (pheomelanin) các hạt sắc tố là các hạt nhỏ, có đường kính nhỏ dễ bị thoái triển nên người thuộc type da này có màu da sáng. Tuy nhiên người thuộc type da này luôn bị bỏng nắng (khi phơi nắng da bị kích ứng, đỏ, phồng rộp, lột da…) nhưng không bị rám nắng (sau khi hết kích ứng, da vẫn có màu trắng, không bị sạm đen).
Type III – V: đây là nhóm type da phổ biến ở người Việt, mức độ bỏng nắng và rám nắng ở trạng thái trung gian (đôi khi bỏng nắng nhưng không nghiêm trọng như type I – II, đôi khi rám nắng nhưng không mạnh như type IV).
Type V – VI gặp ở những người thuộc chủng tộc da đen, là nhóm người có làn da hầu như rất hiếm bị bỏng nắng nhưng chịu tác động của yếu tố rám nắng mạnh
Ngoài ra, ánh sáng mặt trời (đặc biệt là tia UV) còn ảnh hưởng đến màu sắc làn da thông qua cơ chế phòng vệ của cơ thể. Những người làm việc ở điều kiện ngoài trời nhiều mà không có điều kiện bảo vệ thích hợp, da cũng bị sạm, nám nhiều hơn. Do sự tác động của tia UV làm tăng quá trình sản xuất hắc tố cũng như tăng cường hoạt động của các men làm thúc đẩy quá trình sản xuất hắc tố nhiều hơn và quá trình thoái triển của hắc tố chậm hơn.
Các hắc tố bao bọc và tạo nên lớp phủ bảo vệ cho phần nhân của các tế bào thượng bì, giúp hạn chế sự đột biến hay biến tính các tế bào này.
Các yếu tố khác
Yếu tố bên trong cơ thể
Các yếu tố bên trong cơ thể như dinh dưỡng, stress, tình trạng sức khỏe… cũng có thể tác động làm màu sắc làn da có sự thay đổi như sáng hơn, xanh hơn hay tối màu hơn màu sắc tự nhiên của làn da. Hệ thống mạch máu trong lớp trung bì cũng góp phần quyết định nên màu sắc của làn da.
Thông qua tỷ lệ giữa hàm lượng máu được tưới oxy và máu không được tưới oxy trong hệ thống mạch máu dưới da, làn da sẽ có những sắc độ khác nhau như trắng xanh hay trắng hồng. Do có yếu tố sức khỏe có ảnh hưởng trực tiếp đến màu sắc làn da, có thể là một trong những dấu hiệu để chẩn đoán bệnh (vàng da vàng mắt ở bệnh gan; người bệnh tim thường có làn da trắng xanh do máu không được tưới oxy đầy đủ…).
Màu sắc gây nhuộm làn da: việc tiêu thụ thực phẩm có chứa nhiều betacarotene chẳng hạn có thể làm da bị vàng; người sử dụng nhiều kháng sinh nhóm tetracyline hay một số trường hợp các chất chuyển hóa của một số thuốc cũng có thể ảnh hưởng đến màu sắc của làn da, tạo nên các sắc thái như xám xanh, đỏ đồng….
Ngoài ra một số chất màu từ ngoài được đưa vào da qua phun xăm chủ động (xăm nghệ thuật) hay thụ động (vết thương tai nạn) cũng có thể gây ra tình trạng nhiễm màu sắc khác trên da và trên những vùng da lân cận do các tế bào thực bào đã “ăn” và “vận chuyển” các hạt màu xăm từ hình xăm…
Da trắng có phải là da đẹp?
Người Việt Nam thường ưa chuộng một làn da trắng bởi do quan điểm và định kiến về thẩm mỹ. Tuy nhiên làn da trắng không phải là yếu tố quyết định một làn da đẹp hay không đẹp. Để đánh giá một làn da đẹp người ta thường xem xét trên nhiều yếu tố, trong đó phổ biến nhất là:
Màu sắc: mỗi người có một quan điểm khác nhàu về màu sắc nào là đẹp, có người thích da trắng nhưng có người thích da nâu, thậm chí là da đen. Một làn da có màu sắc đẹp là một làn da đều màu, không xuất hiện các màu sắc do thương tổn trên da gây ra.
Cấu trúc: được đánh giá dựa trên độ săn chắc, đàn hồi của làn da. Điều này quyết định bề mặt làn da có phẳng mịn hay gồ ghề, lỗ chân lông nhỏ hay to, da có nếp nhăn nhiều hay ít. Một làn da đẹp phải có độ đàn hồi tốt, lỗ chân lông nhỏ, mịn màng…
Làn da đẹp là làn da sáng khỏe, do nhiều yếu tố cấu thành. Cho nên làn da cần được chăm sóc tổng thể, toàn diện để thực sự khỏe và đẹp thay vì tập trung vào việc tìm mọi cách để chạy theo làn da trắng mà đôi khi tồn tại nhiều tiểm ẩn không hay đối với sức khỏe.