Viêm lỗ chân lông là tình trạng da liễu phổ biến do vi khuẩn hay vi nấm tạo các nốt đỏ, sần sùi tại các nang lông. Những nốt sần sùi gây khó chịu ở lỗ chân lông thường do sự tích tụ bã nhờn, vi khuẩn, bụi bẩn, tế bào chết,…
BSCKI Trần Hạnh Vy, Khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, viêm lỗ chân lông là hiện tượng tích tụ các tế bào viêm trong thành và trong nang lông của mình. Từ đó dẫn đến hình thành các ổ mủ trong các nang lông.
“Viêm lỗ chân lông xuất hiện bất cứ nơi nào trên cơ thể. Bệnh xuất hiện ở mọi giới tính, mọi lứa tuổi và mọi chủng tộc,” BS Hạnh Vy cho biết.
Nguyên nhân gây ra viêm lỗ chân lông: nhiễm trùng (virus, vi khuẩn, vi nấm, ký sinh trùng…), ma sát mạnh vào lỗ chân lông, lỗ chân lông bị bí bách quá. Ví dụ, trực khuẩn mủ xanh (Pseudomonas) thường gây viêm lỗ chân lông ở những người hay đi hồ bơi hay đi tắm ở hồ nóng, sục khí; hay như vi khuẩn gram âm ở trên cơ địa dùng kháng sinh lâu dài, nhất là đối tượng điều trị mụn trứng cá bằng kháng sinh.
Biểu hiện cảnh báo viêm lỗ chân lông: quanh lỗ chân lông bị đỏ, xuất hiện những mụn mủ nông hay mụn mủ sâu; nặng hơn có thể lên những sẩn hay cục hay nang mủ phía dưới, tập trung ở vùng nhiều lông như vùng râu, vùng mông, nách, da đầu…
Đối tượng nguy cơ cao dễ bị viêm nang lông: dùng dao cạo thường xuyên; thích đi hồ bơi, tắm nóng, hồ sục khí; cơ địa tăng tiết bã nhờn…; suy giảm miễn dịch.
Viêm nang lông có thể tự khỏi nếu chúng ta biết giữ gìn vệ sinh, chăm sóc đúng cách. Còn ở những người tái đi tái lại cần phải đi khám tìm hiểu rõ nguyên nhân.
“Viêm nang lông khu trú có thể được kê thuốc thoa tại chỗ, kháng sinh đường uống. Còn những ca tái đi tái lại, chúng ta có thể cấy dịch mủ để xác định rõ nguyên nhân,” BSCKI Trần Hạnh Vy cho biết.
Quần áo phải thoáng mát, dùng sữa tắm và kem thoa giúp giảm tiết bã nhờn, hạn chế cạo râu (trước khi cạo, rửa vùng cần cạo bằng cách xoay tròn tránh ma sát mạnh, thoa kem, cạo theo hướng lông mọc…).