Chị Minh, 43 tuổi, tự mua sản phẩm làm trắng trên mạng về tắm, ủ mỗi tuần hai lần, 3 tháng sau bị viêm, khô da và teo tay chân.
Tại Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, bác sĩ chẩn đoán chị Minh bị viêm da tiếp xúc và hội chứng Cushing, chỉ định ngưng sản phẩm làm trắng, điều trị ngoại trú bằng thuốc kháng histamine, bổ sung vitamin, thuốc thoa dịu da và dưỡng ẩm. Sau hai tháng, da chị Minh hiện hết ngứa, giảm khô, tay chân cải thiện tình trạng teo, song mặt vẫn còn dư mỡ.
Hội chứng Cushing là dạng rối loạn chuyển hóa với biểu hiện đặc trưng như mặt tròn, đỏ và đầy; tăng cân; bướu trâu (mỡ tích tụ ở giữa vai), béo bụng, tay chân gầy teo, mỏng da, rạn da bụng, đùi, ngực… Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hội chứng Cushing. Tại Việt Nam, nguyên nhân thường gặp của hội chứng này là lạm dụng thuốc corticoid kéo dài không kiểm soát.
Trường hợp khác, Hoàng, 17 tuổi, đến khám với lưng và ngực dày đặc mụn mủ. Bệnh nhân cho biết vì bị bạn bè chê da đen nên đã lên mạng tìm mua kem làm trắng cấp tốc. Thoa được một tháng, vùng lưng xuất hiện mụn. Tuy nhiên, em không ngừng mà tiếp tục thoa thêm, nghĩ sẽ cải thiện khi “quen” kem.
Một tháng sau, mụn mủ lan rộng khắp ngực và lưng, gây ngứa rát, khó chịu. Bác sĩ chẩn đoán Hoàng bị phát ban trứng cá do sử dụng kem làm trắng chứa corticoid, chỉ định dùng kháng sinh, kháng dị ứng, bổ sung kẽm và chiếu đèn led giảm mụn. Sau hai tháng, làn da Hoàng cải thiện nhiều, hiện chỉ còn vết thâm, được tư vấn cách chăm sóc, phục hồi da tại nhà.
Theo BSCKI Thạch Văn Toàn, khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, trường hợp như chị Minh và Hoàng không hiếm. Mỗi tuần, khoa đều tiếp nhận 5-10 ca bị biến chứng do tắm, ủ hoặc thoa các sản phẩm trắng da cấp tốc. Bệnh nhân đến khám chủ yếu trong tình trạng viêm da tiếp xúc, phát ban trứng cá, mỏng da, rối loạn sắc tố, mất sắc tố…
Bác sĩ Toàn cho biết các sản phẩm này thường không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, làm trắng nhanh nhưng gây hại lâu dài cho da, thường chứa những thành phần như corticoid, hydroquinone, thủy ngân, acid salicylic…, là hoạt chất chống viêm, làm giảm sắc tố.
Trong đó, vẫn có một số thành phần được các bác sĩ da liễu sử dụng và kiểm soát chặt chẽ tác dụng chính lẫn tác dụng phụ như corticoid, salicylic… để điều trị các bệnh ngoài da. Tuy nhiên, các kim loại nặng như chì, thủy ngân… không được sử dụng vì tác dụng chính của chúng là làm bào mòn lớp da bên ngoài, khiến da yếu và ảnh hưởng trực tiếp đến các tế bào da khỏe mạnh, giảm tạo sắc tố nên làm trắng da.
Khi sử dụng lâu dần, các chất này có thể khiến da lão hóa sớm, xuất hiện những mao mạch li ti, yếu, dễ thâm sạm hơn, tăng độ nhạy cảm, dễ dị ứng, thậm chí gây ung thư da. Nếu dùng liều cao, sẽ gây tổn thương các cơ quan trong cơ thể, làm rối loạn nội tiết, chuyển hóa, loãng xương, teo da và cơ, mắc hội chứng Cushing, suy thận, suy tuyến thượng thận…
Thông thường, làn da bị tổn thương có thể điều trị để hồi phục từ từ, tùy thuộc vào mức độ tổn thương ban đầu và sự tuân thủ điều trị của người bệnh. Tuy nhiên thời gian điều trị thường kéo dài và nhiều trường hợp không thể hồi phục như ban đầu.
Các chuyên gia khuyến cáo chăm sóc làn da thường xuyên bằng dưỡng ẩm, vệ sinh, thoa kem chống nắng. Bổ sung trái cây, rau xanh, nước ép cung cấp vitamin. Không hút thuốc, sử dụng chất kích thích, hạn chế thức ăn ngọt và nhiều dầu mỡ. Làm đẹp cần có thời gian, không “đại tu” nhan sắc cấp tốc và dùng dịch vụ kém chất lượng hoặc mua sản phẩm trôi nổi trên mạng. Nếu muốn làm sáng da, nên đến cơ sở y tế và thẩm mỹ uy tín để được thăm khám, chỉ định dịch vụ, cách chăm sóc phù hợp.
https://vnexpress.net/hiem-hoa-tu-cac-san-pham-tay-trang-da-cap-toc-4668871.html