Thời tiết chuyển mùa sang trời lạnh như hiện nay, cũng là điều kiện dễ xảy ra nhiều bệnh lý về da. Một trong những bệnh thường gặp là khô da. Vậy khô da có nguy hiểm hay không? Khi nào, khô da sẽ trở thành bệnh lý cần điều trị? Câu trả lời sẽ có ngay sau đây.
Da khô là tình trạng thiếu nước ở lớp biểu bì. Tình trạng này rất phổ biến và đa phần do cơ địa. Khô da xuất hiện quanh năm, nhưng rộ nhất vào cuối năm, đầu mùa xuân; khi độ ấm không khí giảm thấp.
Theo ThS.BS Nguyễn Phương Thảo, Khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đại học Y Dược, tính trạng khô da sinh lý bình thường, sẽ không có các triệu chứng quá nặng. Đôi khi da sần sần, sờ thô ráp mà thôi. “Đối trường hợp khô da bệnh lý, bên cạnh cảm giác da không còn mịn màng, sẽ xuất hiện tình trạng bong vảy hoặc kèm đỏ da,” ThS.BS Nguyễn Phương Thảo cho biết.
Khô da thường xuất hiện ở những vùng da hở như mặt, tay, chân, đầu gối…
Dù khô da không gây nguy hiểm, nhưng có nhiều đối tượng như suy thận mạn, nhiễm HIV, chứng khô da không được xử trí kịp thời có thể gây biến chứng nặng nề.
Theo BS Thảo, nếu khô da diễn tiến nặng, người bệnh ngứa quá, dẫn đến cào gãi, gây trầy xước, tạo thành các vết trợt trên da. Đây là những cửa ngõ để các mầm bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào bên trong cơ thể. dẫn đến tình trạng nhiễm trùng tại chỗ, thậm chí có thể gây nhiễm trùng toàn thân.
Để da hết khô, nguyên tắc đầu tiên là cấp ẩm cho da. Giải pháp đơn giản, ít tốn kém nhất là uống đủ nước. Một người bình thường cần cung cấp 2 lít nước mỗi ngày. BS Thảo khuyến nghị thêm, chúng ta cần một chế độ ăn giàu yếu tố vi lượng, khoáng chất như kẽm, vitamin D, vitamin E, giúp làn da phục hồi.
Ngoài ra, người khô da sinh lý cần duy trì sức khỏe thường xuyên bằng cách vận động, luyện tập thể thao; và học cách tắm rửa đúng cách (không tắm nước quá nóng, không tắm quá lâu); hạn chế sử dụng các sản phẩm tẩy rửa có chứa chất kiềm.