Mọi tổn thương trong sinh hoạt hằng ngày như stress, vết cắn côn trùng, vết đứt tay, cào gãi hay nhiệt độ lạnh cũng có thể kích hoạt bệnh vảy nến. Việc hiểu và biết được các tác nhân khởi phát bệnh sẽ giúp cho người bệnh vảy nến kiểm soát bệnh tốt hơn và ngăn ngừa đợt bùng phát bệnh.
Để biết được tác nhân nào liên quan tới mình, người bệnh cần chú ý tới sinh hoạt hằng ngày, vì mỗi người sẽ có những tác nhân bùng phát bệnh khác nhau. Sau đây là các tác nhân gây khởi phát bệnh thường gặp:
Stress:
Stress là một yếu tố khởi phát vảy nến thường gặp, nhất là trong cuộc sống nhộn nhịp ngày nay. Sau đây là một vài cách để giảm nguy cơ bùng phát bệnh từ stress:
- Luôn tìm cho mình những cách để quản lí stress, ngay cả khi bạn thấy thoải mái. Những phương pháp giảm strss hữu hiệu gồm có yoga, thiền và tham gia các hoạt động hội nhóm.
- Trước khi đi ngủ, hãy viết ra 3 điều làm bạn cảm thấy vui và biết ơn. Hãy làm việc này mỗi ngày.
- Mỗi khi bạn cảm thấy stress, hay hít một hơi thật sâu, giữ hơi thở và thở ra chậm.
Tổn thương da:
Nếu đây là một yếu tố khởi phát vảy nến của bạn, thường những thương tổn vảy nến sẽ xuất hiện gần hoặc ngay vị trí tổn thương da, sau khoảng 10 -14 ngày. Tổn thương da có thể là vết cắt, cào gãi, bỏng nắng, vết xước, bầm da hay vết cắn do côn trùng.
Làm giảm nguy cơ bùng phát bệnh sau tổn thương da bằng cách:
- Nếu có tổn thương trên da, hãy điều trị sớm
- Nếu da có ngứa nhiều, làm giảm ngứa bằng cách sử dụng các sản phẩm dịu da, kem dưỡng ẩm, sử dụng nước ấm, không tắm quá lâu (dưới 5 phút nếu tắm vòi sen hay dưới 15 phút nếu tắm bồn), có thể đắp các khăn mát lên vị trí ngứa
- Hạn chế cào gãi da
- Hạn chế để côn trùng cắn, sử dụng các thuốc đuổi côn trùng hay ở trong nhà vào lúc trời tối hay rạng sáng (côn trùng sẽ hoạt động mạnh trong khoảng thời gian này).
Sử dụng đồ uống có cồn quá nhiều:
Việc sử dụng đồ uống có cồn quá nhiều sẽ làm giảm hiệu quả điều trị vảy nến hay thậm chí không có hiệu quả.
Ngay cả những phương thức điều trị có thể đáp ứng với bạn sẽ không có hiệu quả và bạn vẫn sẽ có những đợt bùng phát bệnh vảy nến.
Người bệnh nên:
- Ngưng sử dụng đồ uống có cồn
- Nếu vẫn sử dụng, nên hạn chế lượng đồ uống có cồn tiêu thụ. Phụ nữ chỉ nên uống 1 đơn vị cồn (1 lon bia 330 ml hay 1 li rượu whisky 30 ml), đàn ông chỉ nên uống 2 đơn vị cồn trở xuống.
- Khi có sử dụng đồ uống có cồn, cần báo cho bác sĩ da liễu của bạn, vì một số loại thuốc điều trị vảy nến có thể tương tác với cồn như methotrexate.
Hút thuốc lá:
Đây cũng là một nguyên nhân thường gặp gây bùng phát bệnh vảy nến, do trực tiếp hút thuốc lá hay hít khói thuốc lá từ những người hút thuốc xung quanh.
Người bệnh nên:
- Bỏ thuốc lá. Vì không dễ để bỏ thuốc lá, bạn có thể nhờ tới sự tư vấn trợ giúp của bác sĩ da liễu hay bác sĩ y học gia đình.
- Tránh ở gần những người đang hút thuốc lá.
Thời tiết khô, lạnh:
Nếu tình trạng vảy nến của bạn diễn tiến tệ hơn khi thời tiết chuyển lạnh hay khi độ ẩm không khí hạ thấp, như vào mùa thu – đông, đây có thể là một yếu tố bùng phát vảy nến trên cơ thể của bạn.
Người bệnh nên:
- Điều trị vảy nến đúng cách
- Không nên tắm quá lâu (dưới 10 phút), sử dụng nước ấm thay vì nước nóng
- Ngay sau khi tắm, sử dụng kem dưỡng ẩm, nên sử dụng loại dưỡng ẩm không có chứa hương liệu, chiết xuất dạng kem thay vì dạng lỏng (lotion)
- Sử dụng sản phẩm tẩy rửa dịu nhẹ, có khả năng cấp ẩm thay vì dùng xà phòng
- Sử dụng kem dưỡng ẩm nhiều lần trong ngày mỗi khi thấy da khô
- Có thể dùng máy làm ẩm không khí nếu cảm thấy trong nhà quá khô
- Giữ ấm cho cơ thể và bảo vệ da khi ra ngoài trời như dùng mũ, găng tay, giày chống nước, áo ấm
- Nếu có sử dụng lò sưởi, giữ khoảng cách đủ xa để không cảm thấy nhiệt độ quá nóng trên da
- Tháo bỏ quần áo ướt, giày dép khi bước vào nhà
- Nếu tình trạng vảy nến vẫn tiếp tục diễn tiến, nên khám với bác sĩ chuyên khoa da liễu. Phương pháp ánh sáng trị liệu có thể là một phương án điều trị phù hợp trong mùa đông giá lạnh
Thời tiết nắng nóng:
Trong thời tiết nắng nóng, vảy nến có thể bùng phát nếu bạn bị bỏng nắng hay ở quá lâu trong môi trường máy lạnh.
Người bệnh nên:
- Sử dụng dưỡng ẩm ngay sau khi tắm nếu bạn ở trong môi trường máy lạnh, có thể sử dụng nhiều lần trong ngày nếu da bạn vẫn cảm thấy khô
- Phòng tránh bỏng nắng bằng cách sử dụng kem chống nắng phổ rộng, SPF từ 30 trở lên và có khả năng kháng nước
Nhiễm trùng:
Vảy nến có thể bùng phát và diễn tiến nặng sau 2-6 tuần từ khi mắc viêm họng do vi khuẩn Streptococcus, hay sau viêm tai, viêm phế quản và các nhiễm trùng ở vị trí khác. Tình trạng này thường xảy ra chủ yếu ở trẻ nhỏ.
Để hạn chế nguy cơ bùng phát bệnh, người bệnh nên:
- Điều trị sớm và triệt để tình trạng nhiễm trùng
- Báo với bác sĩ da liễu của bạn nếu bạn nhiễm HIV, vì một số phương pháp điều trị vảy nến có thể gây nguy hiểm
Thuốc:
Một số loại thuốc có thể làm bùng phát bệnh vảy nến. Thời gian bùng phát bệnh thường xuất hiện sau 2-3 tuần từ khi sử dụng thuốc nguyên nhân.
Người bệnh cần:
- Không nên tự ý ngưng sử dụng thuốc nếu bạn nghi ngờ, thay vì vậy hãy tham vấn ý kiến của bác sĩ điều trị
- Trước khi sử dụng một loại thuốc nào đó lần đầu tiên, hỏi bác sĩ về khả năng gây bùng phát vảy nến của thuốc đó. Một số thuốc thường khởi phát vảy nến thường gặp là lithium, nhóm thuốc điều trị sốt rét, corticosteroid mạnh, thuốc điều trị tăng huyết áp, rối loạn nhịp và một số thuốc điều trị viêm khớp.
Xăm mình và xỏ khuyên:
Xăm mình và xỏ khuyên sẽ gây tổn thương làn da của bạn, và khi da của bạn bị tổn thương, vảy nến cũng sẽ dễ bùng phát.
Người bệnh nên:
- Hạn chế xăm mình và các hình thức nghệ thuật cơ thể khác nếu bạn mắc vảy nến
- Nếu bạn thực sự muốn thực hiện, hãy báo với bác sĩ da liễu của bạn. Bác sĩ có thể đưa ra một vài phương pháp để hạn chế bùng phát vảy nến.
Cạo lông:
Nếu bạn vô tình làm tổn thương da khi cạo lông, bạn có thể thấy thương tổn vảy nến sẽ xuất hiện sau 10-14 ngày tại vị trí da tổn thương.
Người bệnh nên:
- Cẩn thận, hạn chế gây tổn thương da khi cạo lông
- Sử dụng dưỡng ẩm hoặc các chế phẩm gel cạo lông trước khi thực hiện cạo lông
Nguồn: https://www.aad.org/public/diseases/psoriasis/triggers/flares