Rụng tóc xơ hóa vùng trán (FFA) là tình trạng rụng tóc tạo sẹo, kéo dài. Mặc dù, cơ chế sinh bệnh của bệnh này chưa rõ nhưng các nghiên cứu đang dần cho thấy mối liên quan giữa bệnh này với các mỹ phẩm dưỡng da.
Mục tiêu của phân tích tổng hợp này là để đánh giá tổng quan về các nghiên cứu đã được thực hiện trước đây về mối quan hệ này.
Các bài nghiên cứu trong phân tích được thu thập bằng cách tìm kiếm các bài nghiên cứu từ năm 1960 đến tháng 8 năm 2021 có cụm từ “rụng tóc xơ hóa vùng trán”, “FFA”, “kem chống nắng”, “tác nhân chống nắng”, “sản phẩm dưỡng da” trên PubMed, Embase và Web of Science.
Theo tiêu chí chỉ chọn các nghiên cứu có nhóm chứng và phân tích về mối quan hệ giữa rụng tóc xơ hóa vùng trán và kem chống nắng hay sản phẩm dưỡng da thì trong 87 bài tìm được chỉ có 9 bài được chọn đưa vào phân tích. Chất lượng của những bài này được đánh giá từ 5 -7 điểm trên thang điểm Newcastle Ottawa (tầm trung). Hệ số ảnh hưởng được tính dựa trên tỉ số nguy cơ (odd ratio) với khoảng tin cậy là 95%.
Vì có sự khác biệt rõ nét giữa các bài nghiên cứu nên hệ số ảnh hưởng được tính dựa trên mô hình phân tích hiệu ứng ngẫu nhiên cơ bản và sự khác biệt về thống kê được đánh giá dựa trên kiểm định Harbor. Khi xếp các nghiên cứu vào biểu đồ dạng phễu (biểu đồ Funnel), nghiên cứu đều nằm ngoài phễu, chứng tỏ có sự thiên lệch xuất bản (publication bias) xảy ra ở đây
Chín (9) nghiên cứu được phân tích có tổng cộng 1248 bệnh nhân rụng tóc xơ hóa vùng trán (tuổi trung bình là 58,9 và 95,7% là nữ) và 1459 người thuộc nhóm chứng với tuổi trung bình là 56,9 và 89,8% là nữ. Những người thuộc nhóm chứng đều là các người có bệnh rụng tóc do androgen (có thể có kèm các bệnh về da liễu khác).
Cả 9 nghiên cứu đều xem xét mối liên quan giữa rụng tóc xơ hóa vùng trán và kem chống nắng. Kết quả cho thấy, tỷ lệ nguy cơ khi dùng kem chống nắng là 2,21 với khoảng tin cậy 95% dao động từ 1,13 đến 4,33; P<0,001. Nếu chỉ xét 8 nghiên cứu có đánh giá sự liên quan giữa rụng tóc xơ hóa vùng trán và kem dưỡng ẩm thì tỉ số nguy cơ là 2,09 với khoảng tin cậy 95% dao động từ 1,49 đến 2,92; P=0,002.
Theo kết quả nghiên cứu, người dùng kem chống nắng có nguy cơ mắc rụng tóc xơ hóa vùng trán gấp 2,21 lần người không dùng và nguy cơ tăng lên 2,09 lần đối với người dùng kem dưỡng ẩm.
Mặc dù cơ chế sinh bệnh chưa rõ nhưng các nhà khoa học nghĩ rằng kem chống nắng có thể kích hoạt phản ứng dạng lichen miễn dịch (immune lichenoid reaction,) tạo thành gốc oxi tái hoạt (ROS), làm mất cân bằng hormone, giảm hiệu ứng điều hòa miễn dịch của tia cực tím.
Ngoài ra, oxybenzone (một hoạt chất chống nắng hữu cơ) và các chất bảo quản khác trong kem dưỡng ẩm như quaternium-15, hydantoin được ghi nhận là có khả năng gây dị ứng. Tuy vai trò của viêm da tiếp xúc dị ứng trong rụng tóc xơ hóa vùng trán vẫn còn gây tranh cãi nhưng đây cũng có thể là một trong những yếu tố góp phần vào việc tăng yếu tố nguy cơ.
Bài phân tích tổng hợp này vẫn còn có một số giới hạn nhất định. Giới hạn đầu tiên là toàn bộ các nghiên cứu đều là nghiên cứu hồi cứu và dựa trên lời khai của người tham gia nghiên cứu theo bảng câu hỏi khảo sát.
Ngoài ra, nghiên cứu còn có thể có sai lệch trong lựa chọn vì các bệnh nhân da liễu thường dùng sản phẩm dưỡng da nhiều hơn dân số chung. Và giới hạn cuối cùng là không có nghiên cứu nào đánh giá về từng thành phần riêng biệt trong sản phẩm.
Mặc dù còn nhiều giới hạn nhưng bài phân tích này cũng đã nhấn mạnh được mối liên hệ giữa bệnh rụng tóc xơ hóa vùng trán và kem chống nắng cũng như kem dưỡng da. Tuy nhiên, vẫn cần nhiều nghiên cứu dịch tể hơn nữa để chúng ta có thể xác định được mối quan hệ giữa rụng tóc xơ hóa vùng trán và các sản phẩm dưỡng da.