Càng ngày càng nhiều nghiên cứu cho thấy bác sĩ da liễu có vai trò quan trọng trong chăm sóc các vấn đề về khẳng định giới tính ở những bệnh nhân thuộc các giới tính không phổ biến.
Capsaicin ngoài khả năng giảm viêm còn làm giảm cảm giác nóng rát
Capsaicin ngoài khả năng giảm viêm thông qua cơ chế không phụ thuộc vào thụ thể TRPV1, làm giảm cảm giác nóng rát còn có khả năng tác động trực tiếp vào các chất điều hòa chuyển hóa của đại thực bào, qua đó làm giảm tử vong do nhiễm trùng huyết trên chuột.
Capsaicin liên kết cộng hóa trị với pyruvate kinase isozyme M2 (PKM2) và lactate dehydrogenase A (LDHA), làm giảm sự tăng sinh đại thực bào thông qua hiệu ứng Warburg (hiệu ứng tái lập chuyển hóa của các tế bào viêm và ung thư mà các bác sĩ thường kiểm tra trong PET scan – chụp cắt lớp phóng xạ positron)
Rất khó trong việc dùng capsaicin trong điều trị nhiễm trùng huyết trên lâm sàng vì capsaicin liều cao có thể tạo ra kích ứng dữ dội nhưng phát hiện này giúp ta biết thêm về một khả năng khác, ngoài khả năng kháng viêm của phân tử capsaicin.
TS. Harry Dao Jr
Chúng ta cần cải tiến trong thực hành lâm sàng. Một nghiên cứu tổng quan hệ thống về việc ứng dụng phẫu thuật MOH (MMS) trong điều trị ung thư da âm hộ gần đây (J Am Acad Dermatol. 2022. Jul;87(1):159-62) đã cho thấy khuyết điểm trong thực hành lâm sàng.
Bài tổng quan này được thực hiện dựa trên 29 bài báo mô tả về 107 trường hợp ứng dụng MMS trong điều trị các loại ung thư da. Không có tình trạng u tái phát ở các bệnh nhân ung thư tế bào đáy (25 ca), u mô sợi ác tính – dermatofibrosarcoma protuberans (9 ca), ung thư tế bào sừng (2 ca), ung thư tế bào gai – đáy (1 ca), ung thư biếu mô tuyến có nốt ở các tế bào dạng ống tuyến vú (1 ca).
Tỷ lệ tái phát ở các ca bệnh ung thư tế bào gai và Paget ngoài vú lần lượt là 10,53% (4 trong 38 ca) và 13,8% (4 trong 29 ca).
Phương pháp điều trị chính trong tổng quan bao gồm cắt rộng, cắt một phần hay toàn bộ âm hộ. Hướng dẫn thực hành lâm sàng của National Comprehensive Cancer Network chỉ khuyến cáo dùng MMS trong ung thư biểu mô tế bào gai ở dương vật chứ không khuyến cáo dùng trong ung thư biểu mô tế bào gai ở âm hộ.
Nghiên cứu này cũng cho thấy MMS không được ứng dụng nhiều vì thiếu sót trong đào tạo và huấn luyện. Các nghiên cứu trước đây cho thấy các bệnh nhân thường muốn làm xét nghiệm da ở vùng sinh dục với bác sĩ gia đình hay bác sĩ sản phụ khoa hơn. Và nếu bác sĩ sản phụ khoa phát hiện ung thư da ở vùng âm hộ, MMS thường không bao giờ được áp dụng.
Cần thực hiện nhiều nghiên cứu hơn để đánh giá về khả năng của các bác sĩ phẫu thuật da cũng như cần phối hợp thêm với bác sĩ gia đình và bác sĩ sản phụ khoa để bệnh nhân có thể có các phương pháp tốt hơn trong điều trị.
Tiến sĩ Avery LaChance
Mối quan hệ giữa bệnh nhân và bác sĩ rất quan trọng trong việc chăm sóc các vấn đề về khẳng định giới tính của các bệnh nhân chuyển giới hay các bệnh nhân thuộc các giới tính không phổ biến khác.
Càng ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy bác sĩ da liễu có vai trò quan trọng trong chăm sóc các vấn đề về khẳng định giới tính ở những bệnh nhân thuộc các giới tính không phổ biến.
Bài báo mới đây của Pathoulas và cộng sự mang tên “Đặc điểm phân bố lông vùng mặt trong xác định giới tính ở các người nam chuyển giới” trên 450 người nam chuyển giới cho thấy vai trò của lông mặt trong xác định giới tính.
Nghiên cứu này cho thấy có 86,1% người khảo sát thấy rằng lông mặt là một yếu tố quan trọng trong việc xác định giới tính và có 85,1% người thấy rằng lông mặt là một dấu hiệu cần thiết để xác định rằng việc chuyển giới có thành công hay không. Mặc dù vậy, đa số người tham gia khảo sát không thấy hài lòng về độ rậm của lông mặt (74,3%) và phân bố của lông mặt (67,6%).
Đa số người được khảo sát điều trị với testosterone nhưng chỉ có 44,1% người thực hiện các điều trị để tăng độ rậm lông vùng mặt. Chỉ 0,5% người tham gia khảo sát có tham vấn với bác sĩ da liễu khi muốn cải thiện độ rậm lông vùng mặt trong khi có đến 34,5% người tham khảo từ các nguồn trên mạng xã hội khi có nhu cầu.
Nghiên cứu này cho thấy sự thiếu sót trong chăm sóc các bệnh nhân chuyển giới và chúng ta có thể cải thiện thiếu sót này bằng cách nghiên cứu và bàn luận nhiều hơn về các phương thức kích thích mọc lông mặt (như minoxidil uống hay thoa).
Minoxidil thường không được bảo hiểm chi trả nên nghiên cứu này cũng góp phần kêu gọi các công ty bảo hiểm có thể hỗ trợ thêm loại thuốc này cũng như các phương pháp điều trị cho lông trên mặt để chăm sóc các bệnh nhân chuyển giới tốt hơn.
Tiến sĩ Christen Mowad
Người tiêu dùng thường có xu hướng thích những sản phẩm chăm sóc da tự nhiên, hữu cơ, sạch, không gây dị ứng nhưng thật ra không có một tiêu chuẩn hay hướng dẫn thực hành lâm sàng nào đề cập đến các khái niệm này.
Một nghiên cứu (Dermatitis. 2022. 33(3):215-9) vừa được thực hiện để đánh giá về thành phần của các sản phẩm chăm sóc da được quảng cáo là tự nhiên, hữu cơ, sạch, không gây dị ứng ở 2 chuỗi cửa hàng lớn.
Các thành phần được cho là gây dị ứng nếu nó có trong danh mục NACDG 2017-2018 hay có trường hợp dị ứng được ghi nhận trong y văn. Các tác giả cho biết có đến 93,8% sản phẩm có chứa ít nhất một thành phần gây dị ứng.
Chất gây dị ứng thường gặp nhất là hương liệu (82,9%), phenoxyethanol (40,2%), tocopherol (40,2%), benzoic acid và benzoates (29,5%), propylene glycol (25,1%), alkyl glucosides (20.7%) và cuối cùng là benzyl alcohol (15,8%).
Các bác sĩ da liễu cần giúp bệnh nhân hiểu được rằng các sản phẩm này cũng có thể gây dị ứng và trong thực hành lâm sàng, nếu gặp các ca bệnh viêm da tiếp xúc dị ứng, các bác sĩ nên hỏi kĩ về tiền sử dùng các sản phẩm loại này vì bệnh nhân thường không nghĩ sẽ dị ứng với các mỹ phẩm loại này và không đề cập.