Da là môi trường sinh sống của nhiều loại nấm và vi khuẩn khác nhau. Mặc dù hầu hết đều không gây nguy hiểm, tuy nhiên vẫn có một số loại có nguy cơ gây nhiễm trùng dẫn đến nấm da vùng đầu hoặc toàn thân nếu chúng phát triển mất kiểm soát.
Triệu chứng nấm da
Nấm Candida là một trong những sinh vật có khả năng gây ra nấm trên cơ thể. Triệu chứng bệnh nấm da phổ biến nhất là phát ban đỏ, ngứa, ẩm ướt, nổi mụn mủ, bợn trắng – đặc biệt ở những vùng da có nhiều nếp gấp, ẩm ướt như ở nách, ở háng, giữa các ngón tay và dưới vùng vú. Ngoài ra bệnh nấm ngoài da cũng có thể xuất hiện nấm ở móng, cạnh móng và khóe miệng.
Đối với nấm da đầu, người bệnh có thể gặp một số vấn đề như da nổi mẩn đỏ hoặc tím, da nứt hoặc bong tróc thành từng mảng, vùng da bị nấm có hiện tượng ẩm ướt, nổi mụn mủ/ mụn trắng…
Nghiêm trọng hơn, trên cơ địa suy giảm miễn dịch, nấm Candida có khả năng lan rộng và ảnh hưởng toàn cơ thể, kéo theo mệt mỏi, vấn đề tiêu hóa, đường tiết niệu hoặc kích thích bộ phận sinh dục, bị tưa miệng hoặc đau xoang.
Đặc trưng khác khi bị nấm da đầu là nếu bệnh diễn ra trong thời gian dài, da đầu sẽ dần tích tụ nhiều vẩy hoặc da chết. Việc tác động do gãi hoặc dùng hóa chất cũng có thể làm hư nang tóc, lâu ngày khiến tóc gãy rụng – điều này đặc biệt phổ biến ở những người suy giáp.
Bệnh nấm da đầu có gây nhiều nguy hiểm?
Đối với nấm da đầu, nếu không điều trị sớm và dứt điểm không chỉ khiến tóc gãy rụng kéo dài mà còn có thể gây ra tình trạng để lại sẹo trên da đầu và làm rụng tóc vĩnh viễn.
Cách điều trị bệnh nấm da
Hầu hết các loại bệnh nấm da đều có phương pháp điều trị tại chỗ với các sản phẩm ở dạng thuốc mỡ, kem bôi hoặc dầu gội. Người bệnh có thể dễ dàng tìm mua một số loại thuốc trị nấm có hiệu quả cao hoặc dùng theo kê đơn của bác sĩ.
Với nấm da đầu, nên dùng dầu gội đặc trị để đẩy nhanh thời gian chữa bệnh, giúp loại bỏ bào tử nấm và ngăn ngừa bệnh lây lan sang vùng da khác hoặc lây cho những người tiếp xúc gần. Điều quan trọng của cách trị bệnh nấm da là có được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời, phù hợp.
Bệnh nấm da có thể điều trị bằng các loại thuốc bôi tại chỗ
Bên cạnh việc sử dụng các thuốc trị bệnh nấm da, người bệnh có thể áp dụng các phương pháp chữa bệnh theo hướng dùng các nguyên liệu tự nhiên. Mặc dù chưa có bằng chứng khoa học vững chắc nhưng bạn có thể thử theo những cách sau:
- Pha loãng dấm táo với nước theo tỷ lệ 1:1 và rửa vùng da bị nấm. Cách này giúp mềm da và kháng viêm.
- Dùng dầu dừa – Tinh chất dầu dừa có khả năng kháng viêm giúp chống nhiễm trùng và làm dịu da khi bị nấm da. Có thể dùng trực tiếp hoặc pha loãng. Ngoài dầu dừa bạn có thể thay thế bằng tinh dầu sả hoặc tinh dầu tràm trà.
Một vài lưu ý trong khi áp dụng các cách chữa bệnh nấm da để giúp tăng hiệu quả cũng như phòng ngừa bệnh bao gồm:
- Nhanh chóng thay quần áo ướt khi bị đổ mồ hôi hoặc đi bơi
- Thay vớ và đồ lót thường xuyên
- Mặc quần áo thoáng mát, sạch sẽ
- Giữ da đầu luôn sạch sẽ, khô ráo – chỉ nên trùm khăn/ đội nón khi thật sự cần thiết
- Sử dụng xà bông dịu nhẹ, ít chất tẩy rửa ở vùng da bị nấm
- Không dùng chung vật dụng cá nhân
- Bổ sung các thực phẩm có nhiều men vi sinh vào chế độ ăn uống
- Giảm lượng đường trong thức ăn, tiêu thụ điều độ tinh bột và bia rượu
- Tránh lạm dụng kháng sinh và steroid