Nhiều người nhầm tưởng là da nào cũng có thể peel, bôi thuốc lâu và da lột nhiều càng tốt, còn có thể trị dứt điểm mụn, sẹo, thâm nám…
Peel da là phương pháp làm đẹp sử dụng các hoạt chất acid có nguồn gốc thiên nhiên hoạt động trên bề mặt da một cách có kiểm soát. Phương pháp này thúc đẩy quá trình thay da sinh học tự nhiên, kích thích tế bào da cũ bong tróc, tăng sinh tế bào da mới, sửa chữa các tế bào da hư tổn. Do vậy, peel da còn gọi là thay da sinh học.
Theo ThS.BS Thái Thanh Yến, khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, hiện vẫn còn nhiều cách hiểu sai về phương pháp làm đẹp này. 6 lầm tưởng thường gặp về peel da, gồm:
Da nào cũng có thể peel
Không phải làn da nào cũng thích ứng với việc peel da. Peel da nói chung hay tất cả phương pháp thẩm mỹ nội khoa khác đều có hiệu quả mang tính tương đối, tùy thuộc vào từng cơ địa. Do đó, không nên quá kỳ vọng vào hiệu quả và chỉ nên thực hiện khi da bạn đang ở trạng thái khỏe mạnh nhất.
Trước khi thực hiện, bạn cần được bác sĩ tư vấn, khám xác định tình trạng da và loại da để lựa chọn loại peel phù hợp. Lạm dụng và không có kiến thức về phương pháp này có thể làm giảm hay mất sắc tố da vĩnh viễn, tồi tệ hơn tình trạng da như sẹo, mụn, thâm nám.
Dùng bất kỳ hóa chất peel da nào
Các sản phẩm peel da cần có sự kiểm soát kỹ lưỡng, kiểm chứng về chất lượng và độ an toàn bởi cơ quan y tế, được Bộ Y tế cho phép nhập khẩu, lưu hành.
Sử dụng sản phẩm thành phần không rõ ràng, tính an toàn kém, chất lượng không được đảm bảo, chứa các chất cấm độc hại… có thể gây biến chứng nghiêm trọng, làn da có nguy cơ bị phá hủy vĩnh viễn.
Các dung dịch hóa học thường được sử dụng gồm axit glycolic, axit trichloroacetic, axit salicylic, axit lactic hoặc axit carbolic (phenol). Các loại hóa chất khác nhau gây ra tổn thương có kiểm soát, mỗi loại xâm nhập vào độ sâu khác nhau của da sau đó bong tróc để lộ ra một lớp da mới. Do đó, không phải một loại bệnh lý mà chúng ta có thể sử dụng bất kỳ hóa chất nào để peel da.
Việc lựa chọn hóa chất phụ thuộc vào mục tiêu cần điều trị. Trường hợp peel da mức độ trung bình và sâu nên cần tham vấn bác sĩ chuyên khoa da liễu.
Bôi thuốc trên da càng lâu, da lột càng nhiều càng tốt
Dùng ít hay dùng nhiều dung dịch peel da tùy thuộc vào mục đích thay da, mức độ thay da nhẹ, trung bình hay sâu. Bôi thật nhiều thuốc hoặc nghĩ rằng càng lột da sâu và bong tróc nhiều sẽ khiến da đẹp lên thì hậu quả rất khó lường như đỏ bỏng da, tăng sắc tố sau viêm, sẹo, nhiễm trùng.
Cần kiểm soát thời gian lưu hóa chất peel trên da, do đó bác sĩ phải khám và đưa ra khuyến cáo thích hợp. Thông thường, không nên thay da với tần suất quá dày, thực hiện cách nhau ít nhất hai tuần một lần để đảm bảo an toàn.
Thuốc peel da tác dụng như nhau
Thuốc peel da tác dụng khác nhau tùy thành phần hoạt chất, nồng độ của dung dịch. Tác dụng đối với da cũng khác nhau: Trị mụn, hỗ trợ cải thiện tình trạng lão hóa và sắc tố trên da, làm sáng da, se khít lỗ chân lông, kiểm soát dầu nhờn.
Peel da sẽ “lột” sạch mụn, sẹo, thâm nám…
Peel da thực chất là phương pháp hỗ trợ cải thiện tình trạng về da. Tùy bệnh và mục đích thay da mà có thể sử dụng peel với nồng độ và thành phần khác nhau phù hợp.
Tuy nhiên, peel da không là phương pháp đơn thuần hay tối ưu có thể “lột” sạch mụn, sẹo, thâm, nám… Nên kết hợp các biện pháp khác như thuốc thoa tại chỗ, thuốc uống, laser… để hiệu quả tốt hơn.
https://vnexpress.net/5-lam-tuong-thuong-gap-ve-peel-da-4691180.html