Bệnh mày đay, hay còn gọi là nổi mề đay, nguyên nhân do đâu và triệu chứng là gì, bệnh có nguy hiểm không, nên chăm sóc người bệnh như thế nào, phòng ngừa ra sao… Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây.
Nổi mày đay là bệnh gì?
Nổi mày đay xảy ra khi các mao mạch dưới da, niêm mạc phản ứng lại các tác nhân gây dị ứng. Hậu quả là gây ra các triệu chứng như:
- Ngứa ngáy khó chịu
- Phù, nổi sẩn phù ở mặt, thân mình, tay chân… Các nốt ban có thể có kích thước và hình dáng khác nhau
Nổi mày đay được chia thành 2 dạng là:
- Mày đay cấp tính: Bệnh bùng phát đột ngột, dữ dội, thường kéo dài từ vài giờ đến dưới 6 tuần. Ở mức độ nhẹ, bệnh có thể tự khỏi mà không cần điều trị
- Mày đay mạn tính: Bệnh kéo dài trên 6 tuần, thường không rõ yếu tố khởi phát. Do đó, thể này rất khó điều trị và phòng ngừa, gây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống và có thể cần can thiệp điều trị tích cực hơn.
Tại sao nổi mày đay?
Mặc dù nổi mày đay là một căn bệnh khá phổ biến nhưng may mắn là bệnh không có khả năng lây từ người sang người. Một số nguyên nhân gây nổi mày đay thường gặp bao gồm:
- Dị ứng với: thời tiết, hóa mỹ phẩm, phấn hoa…
- Do côn trùng cắn
- Mệt mỏi, căng thẳng
- Do bệnh lý và tác dụng phụ của một số loại thuốc điều trị
- Đôi khi có thể xuất hiện cùng lúc nhiều nguyên nhân gây nổi mày đay trên cùng một bệnh nhân
Nổi mày đay có nguy hiểm không?
Thông thường, mày đay không gây nguy hiểm nhưng nó ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh, đặc biệt là mày đay mạn tính. Ngoài ra, trong những trường hợp nặng như sốc phản vệ có thể dẫn đến dẫn đến tử vong nếu không được chẩn đoán và cấp cứu kịp thời.
Người bệnh nên đến gặp bác sĩ nếu mày đay:
- Không thuyên giảm trong vòng 24 giờ và có xu hướng ngày càng nghiêm trọng hơn
- Mày đay kèm đau đớn hoặc các triệu chứng hệ thống khác
- Các biện pháp chăm sóc tại nhà không có hiệu quả
Đặc biệt, người bệnh cần gọi cấp cứu ngay nếu nổi mày đay kèm theo:
- Cảm thấy choáng váng
- Cảm thấy tức ngực hoặc khó thở
- Cảm thấy khô lưỡi và sưng họng
Chăm sóc đúng cách khi bị nổi mày đay
Khi bị nổi mày đay, chườm mát là một trong những biện pháp giảm ngứa tức thời hữu hiệu nhất trong trường hợp nổi mày đay không liên quan đến lạnh. Bên cạnh đó, người bệnh có thể khắc phục triệu chứng ngứa tạm thời bằng cách tránh tiếp xúc với nhiệt độ cao, mặc quần áo rộng rãi và thoa dưỡng ẩm không chứa chất tạo mùi, chất bảo quản giúp làm giảm tình trạng khô và dễ kích ứng da…
Đặc biệt, một số người cho rằng, nổi mày đay cần kiêng tắm rửa, tuy nhiên điều này chỉ đúng trong trường hợp nổi mày đay liên hệ với nước thì cần hạn chế tiếp xúc với nước hoặc thay đổi nguồn nước…
Tắm và vệ sinh cơ thể là điều cần thiết để loại bỏ da chết, bụi bẩn, mồ hôi và các vi khuẩn gây hại trên da, giữ cho da sạch sẽ, tránh nhiễm trùng. Người bệnh nên cần lưu ý điều chỉnh nhiệt độ nước để tắm phù hợp, ở nơi kín gió, không chà xát mạnh, không dùng sữa tắm…
Bị nổi mày đay nên kiêng gì, ăn gì?
Khi bị nổi mày đay, bên cạnh việc dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, người bệnh cần cẩn trọng trong chế độ dinh dưỡng như:
Nên tránh:
- Những thực phẩm dễ gây dị ứng như tôm, cua, đậu phộng và các loại đậu khác, trứng, thực phẩm chứa màu và chất bảo quản…
- Nếu dị ứng với nhựa, nên tránh một số thực phẩm như chuối, hạt dẻ, kiwi, xoài…
Cần tăng cường:
- Thực phẩm giàu Omega 3 (cá hồi, cá thu…)
- Ăn nhiều tỏi, nghệ.
- Bổ sung rau, củ, trái cây tươi, nhất là những loại quả chứa nhiều Vitamin C (cam, bưởi, ổi…)
Phòng ngừa nổi mày đay như thế nào?
Nổi mày đay là một tình trạng phổ biến và rất dễ tái phát. Để phòng ngừa căn bệnh này, người bệnh cần lưu ý:
- Tránh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng, đặc biệt là những người có cơ địa nhạy cảm
- Đối với người bệnh do dị ứng thời tiết, cần giữ ấm khi trời chuyển lạnh, tránh tiếp xúc với phấn hoa
- Hạn chế tiếp xúc với hóa mỹ phẩm, chất tẩy rửa… Trong trường hợp bất khả kháng, nên sử dụng các dụng cụ bảo hộ như quần áo lao động, găng tay…
- Giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ, hạn chế sự xâm nhập của các loại ký sinh
- Thường xuyên vận động, dinh dưỡng lành mạnh để tăng cường hệ miễn dịch
- Giữ tinh thần thoải mái nếu nguyên nhân nổi mày đay là do stress
- Tham vấn ý kiến bác sĩ nếu nổi mày đay sau khi sử dụng thuốc điều trị các bệnh lý khác.