Cũng như sự phát triển tự nhiên của mọi sinh vật trên trái đất, các tế bào của làn da cũng có một quá trình sinh ra, lớn lên, trưởng thành, lão hóa và chết đi. Việc tẩy tế bào chết là một hành động tác động đến quá trình sinh trưởng tự nhiên của làn da và có thể tạo nên nhiều hệ lụy.
Khi tế bào đã đủ lão hóa, không còn đảm nhận được chức năng sinh học, sẽ chết đi. Khi đó các tế bào này sẽ tự bong ra chứ không cần sự tác động “tẩy tế bào chết” từ con người.
Lớp tế bào sừng là lớp trên của thượng bì. Dù đã bị lão hóa, sần sùi nhưng vẫn còn đảm nhiệm nhiều vai trò như bảo vệ cơ thể, hạn chế sự mất nước, duy trì độ ẩm cho da, là lớp hàng rào ngăn cản sự xâm nhập sâu của các yếu tố gây hại từ môi trường vào bên trong da. Do đó việc loại bỏ lớp tế bào này có thể làn da “trông có vẻ trắng hơn, mịn màng hơn” nhưng đồng thời sẽ bị mất đi các nhiệm vụ bảo vệ kể trên, tác động không tốt đến làn da.
Có thể ví von, việc tẩy tế bào chết giống như đang cố tình “giết chết” những người trưởng thành ở bên ngoài rồi bắt “trẻ vị thành niên” ở bên trong lao động trước tuổi, phải chống chọi lại các tác động tiêu cực từ môi trường khi chưa đủ lớn mạnh và trưởng thành.
Do đó, việc lạm dụng “tẩy tế bào chết” sẽ dẫn đến việc không thể nào sở hữu được một làn da đẹp và khỏe mạnh. Thay vào đó chúng ta hãy nuôi dưỡng và vỗ về làn da, để làn da có thể khỏe mạnh một cách tự nhiên theo đúng quy luật đáng có của nó.