Viêm da ứ trệ (Stasis dermatitis) là một dạng rối loạn về da có liên quan đến suy tĩnh mạch mạn tính, gây suy giảm chất lượng cuộc sống. Dưới đây là một số khuyến cáo giúp người bệnh quản lý, điều trị mang lại hiệu quả hơn.
Viêm da ứ trệ: Di chứng sớm của suy tĩnh mạch
Viêm da ứ trệ là một bệnh viêm da phổ biến xảy ra ở hai chi dưới. Đây là di chứng da sớm nhất của suy tĩnh mạch mạn tính với tăng huyết áp tĩnh mạch và là dấu hiệu báo trước của bệnh loét chân tĩnh mạch và xơ mỡ.
Nguyên nhân do tĩnh mạch suy yếu gây cản trở việc bơm máu từ chân về tim, dẫn đến tăng áp lực trong các mao mạch, gây rò rỉ các tế bào máu và dịch ra da và các mô, làm cho da bị tổn thương, ngứa bong da và tăng sắc tố.
Nhóm người có nguy cơ mắc viêm da ứ trệ cao là nhóm béo phì, phụ nữ mắc bệnh nhiều hơn nam giới, nhất là nhóm người có vấn đề về tuần hoàn, khi tĩnh mạch hoạt động kém, không đưa máu trở lại tim như bình thường. Tĩnh mạch ở chân thường có van một chiều giúp đẩy máu lên nhưng khi cao tuổi hay gặp các vấn đề sức khỏe, các van này có thể không hoạt động được bình thường.
Nhóm người mắc bệnh huyết áp cao, bệnh suy tim sung huyết, suy thận, có cục máu đông, đặc biệt là ở chân, phụ nữ mang thai nhiều lần, người từng phẫu thuật hoặc chấn thương ở hai chân, nhóm đứng hoặc ngồi nhiều trong ngày, ít vận động cũng là nhóm dễ mắc bệnh viêm da ứ trệ.
Chẩn đoán và chữa trị
Chẩn đoán dựa vào lâm sàng với sự xuất hiện tổn thương da đặc trưng và các dấu hiệu suy tĩnh mạch mạn tính khác. Có thể cần tư vấn với chuyên gia về mạch máu và xét nghiệm như siêu âm, thử máu và làm các xét nghiệm khác.
Về điều trị cần kê cao chân, chườm, và băng bó, đôi khi phải dùng kháng sinh tại chỗ hoặc dạng uống. Nếu suy tĩnh mạch mạn tính cần được điều trị đầy đủ. Với viêm da ứ trệ cấp tính, đặc trưng bởi lớp vỏ bọc, dịch mỡ, và loét bề mặt…, nên áp dụng nén nước liên tục. Nếu tổn thương rỉ dịch, nên dùng băng keo hydrocolloid.
Nếu viêm da cấp tính thể nhẹ có thể dùng kem corticosteroid hoặc thuốc mỡ 3 lần/ngày hoặc được kết hợp vào bột kẽm oxit. Loét có thể được xử lý bằng cách băng vết thương oxit kẽm, hydrocolloids, băng keo Unna, băng keo kẽm gelatin… Có thể phải thay băng vết thương tần suất 2 hoặc 3 ngày/lần. Sau khi vết loét lành, nên dùng băng đàn hồi để giúp bệnh nhân đứng lên và di chuyển được dễ dàng.
Viêm mô bào điều trị bằng kháng sinh uống (như cephalosporin, dicloxacillin). Thuốc kháng sinh tại chỗ (mupirocin, silver sulfadiazine) rất hiệu quả cho trường hợp loét. Nếu phù nề và sưng tấy viêm, có thể xem xét giải pháp phẫu thuật ghép da. Da trong viêm da ứ trệ thường nhạy cảm với các chất kích thích trực tiếp và các chất có nguy cơ gây dị ứng tại chỗ (thuốc kháng sinh, thuốc gây mê, thuốc đặc trị, đặc biệt là lanolin hoặc rượu cồn).
Để mang lại hiệu quả nên kết hợp điều trị với duy trì lối sống vận động giúp máu lưu thông đến các chi tốt hơn. Mang trang phục rộng, giữ chân cao hơn tim trong vòng 15 phút sau mỗi 2 giờ làm việc hoặc trong khi ngủ. Hạn chế đứng và ngồi nhiều, ăn uống cân bằng khoa học, đủ chất và duy trì lối sống khoa học, giảm stress.