Trong tất cả các thể vảy nến, bệnh vảy nến thể đỏ da toàn thân (Erythrodermic Psoriasis) là thể bệnh tuy hiếm gặp, song lại có thể đe dọa đến tính mạng nên khi mắc bệnh cần được chăm sóc và điều trị đúng cách.
Bệnh vảy nến thể đỏ da toàn thân
Vảy nến thể đỏ da toàn thân (Erythrodermic Psoriasis) chiếm khoảng 2% trong tổng các ca mắc bệnh vảy nến, bệnh gây ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể và có thể đe dọa tính mạng.
Bệnh nhân thường phát triển một tình trạng đỏ da toàn thân, bóng, phù nề, căng, rỉ dịch, tróc vảy, không có hoặc còn rất ít vùng da lành kèm ngứa, và nứt nẻ, có thể đau rát trên toàn bộ bề mặt của cơ thể. Ngoài ra còn xuất hiện tình trạng nhịp tim tăng, nhiệt độ cơ thể lên xuống thất thường, đặc biệt là vào những ngày quá nóng hoặc quá lạnh.
Những triệu chứng của bệnh vảy nến thể đỏ da toàn thân có thể xuất hiện ngay sau một cơn bùng phát, gây rối loạn nhiệt độ và cân bằng nước điện giải của cơ thể, làm thay đổi trao đổi chất, khiến người bệnh cũng có thể gặp các triệu chứng khác như các đợt lạnh run, sưng tấy và phù nề do giữ nước ở các bộ phận của cơ thể như ở bàn chân hoặc mắt cá chân. Người bệnh còn gia tăng mắc các bệnh nhiễm trùng, viêm phổi và suy tim.
Đến nay khoa học chưa biết chính xác nguyên nhân gây bệnh nên việc chữa trị chỉ mang tính giải pháp. Mối nghi ngờ gây bệnh có liên quan tới hệ thống miễn dịch của cơ thể và do di truyền dưới tác động của yếu tố môi trường như căng thẳng, nhiễm khuẩn, chấn thương… khiến gene gây bệnh được khởi động và gây ra bệnh.
Các yếu tố thúc đẩy bệnh vảy nến thể đỏ da toàn thân có thể do người bệnh đột ngột ngừng điều trị bệnh vảy nến, nhiễm trùng, cháy nắng, căng thẳng thần kinh, lạm dụng rượu bia và chất kích thích, hoặc do sử dụng một số loại thuốc chữa bệnh chẳng hạn như steroid toàn thân, lithium, thuốc chống sốt rét và interleukin…
Điều trị và dự phòng bệnh vảy nến thể da đỏ toàn thân
Theo Quỹ Vảy nến Quốc gia Mỹ (NPF), đây là căn bệnh gây nguy hiểm đến tính mạng và biến chứng của nó cũng rất đa dạng như suy kiệt do mất dịch và protein, phù nặng do giữ nước, nhiễm trùng gây viêm phổi và nhiễm khuẩn huyết, suy tim sung huyết. Một khi xuất hiện tình trạng đỏ da lan rộng hay bất kỳ triệu chứng nào nói trên, người bệnh cần đi khám bác sĩ, tư vấn, điều trị càng sớm càng tốt.
Mục tiêu đầu tiên để điều trị bệnh vảy nến thể đỏ da toàn thân là đưa nhiệt độ và cân bằng nước điện giải của cơ thể trở về bình thường. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của triệu chứng, người bệnh có thể phải nhập viện để điều trị.
Các lựa chọn điều trị có thể bao gồm thuốc thoa tại chỗ như kem steroid và kem dưỡng ẩm, băng ẩm, nghỉ ngơi tại chỗ. Các phương pháp điều trị toàn thân có methotrexate, acitretin, cyclosporine, hoặc retinoids, chất ức chế TNF-alpha và IL12/23, truyền dịch hoặc bù chất điện giải, hỗ trợ dinh dưỡng, kháng sinh để ngăn ngừa hoặc điều trị các bệnh nhiễm khuẩn khác.
Nên tránh dùng corticosteroid đường uống để hạn chế nguy cơ gây biến chứng và làm trầm trọng thêm cũng như nguy cơ phát sinh bệnh vảy nến thể mụn mủ toàn thân.
Về phòng ngừa, nhóm người có nguy cơ mắc bệnh cao hoặc đã từng mắc bệnh vảy nến nên tuân thủ chế độ điều trị và tránh xa các yếu tố thúc đẩy và nguy cơ tái phát. Theo nghiên cứu, bệnh vảy nến thể đỏ da toàn thân có tỷ lệ tử vong cao, trên 60% nên chẩn đoán sớm và điều trị tích cực sẽ có tác dụng kéo dài tuổi thọ và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.