Hội thảo khoa học diễn ra vào lúc 8g30 ngày 22/11/2020 nhằm cập nhật các kiến thức lâm sàng trong điều trị sắc tố da cũng như hiệp đồng nhân tác dụng điều trị sắc tố với các hợp chất sáng da…
Các kiến thức sẽ được chia sẻ từ các chuyên gia da liễu như PGS.TS.BS Văn Thế Trung, Trưởng Bộ môn Da liễu (Đại học Y Dược TPHCM), ThS.BS Võ Quang Đỉnh, Phó Trưởng Bộ môn Da liễu (Đại học Y Dược TPHCM), TS.BS Lê Thái Vân Thanh, Trưởng khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da (Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM).
Ngoài những nguyên nhân gây sạm đen da như do di truyền, do tăng nhạy cảm khi tiếp xúc với ánh nắng, do nhiễm độc một số kim loại nặng chẳng hạn chì, sắt, thủy ngân…; sạm da toàn thân còn có thể do tăng sắc tố sau viêm (Post-inflammatory hyperpigmentation – PIH).
Tất cả các type da đều có thể mắc phải nhưng thường gặp nhiều ở những bệnh nhân có da tối màu, đặc biệt khi tổn thương viêm da ở lớp sâu bên dưới chẳng hạn phát ban da do dị ứng thuốc, da có thể bị thâm đen kéo dài rất lâu.
Tăng sắc tố ở da còn do kích thích ngoại sinh và hậu quả của một số thủ thuật thực hiện trên da như mài mòn da, lột da hoặc laser trị liệu. Thêm vào đó, ánh sáng mặt trời là tác nhân làm nặng thêm tình trạng tăng sắc tố sau viêm, đặc biệt những vùng da viêm mạn tính hoặc tái diễn nhiều lần. Vùng da bị tổn thương sẽ chuyển sang màu xám, sạm đen, nâu đậm hoặc hơi xanh.
Về cơ bản, tăng sắc tố có thể được cải thiện bởi các thuốc bôi tại chỗ có tác dụng làm ức chế sự hình thành sắc tố kết hợp với phương pháp chống nắng hiệu quả. Các thuốc bôi làm mờ nám hiện nay có nhiều nhóm có thể kể đến như hydroquinone, retinoid, corticosteroid, axit azelaic, axit glycolic, axit kojic, tretinoin…