BSCKII Phạm Đình Lâm
Trong cuộc đời con người ai ai cũng trải qua một vài lần bị mụn nhọt, căn bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn ở nang lông liên quan đến các mô xung quanh. Nhọt trông giống như một vết sưng đỏ, nổi trên da, thường là ở mặt, cổ, đùi và mông.
Nhọt – viêm cấp tính gây hoại tử nang lông
Nhọt (Furuncle) là tình trạng viêm cấp tính gây hoại tử nang lông và tổ chức xung quanh. Bệnh thường xuất hiện vào mùa hè, nam giới mắc nhiều hơn nữ, đặc biệt là ở trẻ em. Khi cơ thể yếu, sức đề kháng giảm lại lao động nặng nhọc, đổ mồ hôi nhiều, da xước do gãi thì tụ cầu, liên cầu sẽ có cơ hội xâm nhập cơ thể, gây hoại tử lỗ chân lông, tạo mụn nhọt.
Nguyên nhân gây bệnh là tụ cầu vàng (Staphylococcus aereus). Bình thường vi khuẩn này sống ký sinh trên da, nhất là các nang lông có các nếp gấp hoặc các hốc tự nhiên trên cơ thể. Khi nang lông bị tổn thương lại có hệ miễn dịch kém, suy dinh dưỡng, mắc bệnh tiểu đường …vi khuẩn lại càng có thêm cơ hội để phát triển.
Biểu hiện ban đầu là những nốt đỏ nổi trên da rồi lan rộng. Chỗ mọc nhọt, da nóng, đỏ và đau. Vài ngày sau, nốt đỏ có đốm vàng, khi đốm vỡ mủ chảy ra, ở giữa có ngòi. Đôi khi có hiện tượng viêm mạch bạch huyết hoặc nổi hạch xung quanh khu vực nhọt.
Nhọt có thể gây nhiễm trùng huyết
Ban đầu nhọt sẩn nhỏ, sưng nề, tấy đỏ ở nang lông. Khoảng 2 đến 3 ngày, tổn thương lan rộng hóa mủ tạo thành ổ áp xe, ở giữa hình thành ngòi mủ. Đau nhức là triệu chứng cơ năng thường gặp, nhất là khi nhọt khu trú ở mũi, vành tai, kèm theo các triệu chứng sốt, mệt mỏi.
Biến chứng nhiễm khuẩn huyết có thể gặp, nhất là ở nhóm người suy dinh dưỡng, đề kháng kém, mắc bệnh đái tháo đường, hen phế quản, lao phổi. Chẩn đoán chủ yếu dựa vào lâm sàng, giai đoạn đầu cần phân biệt với viêm nang lông, herpes da lan tỏa, trứng cá và viêm tuyến mồ hôi mủ.
Mụn nhọt là tình trạng nhiễm trùng da cấp tính gây ra bởi vi khuẩn. Tuy là bệnh lý lành tính nhưng người bệnh cần thận trọng trong chăm sóc và điều trị để hạn chế xảy ra những tai biến không mong muốn. Nguyên tắc chung về điều trị là vệ sinh cá nhân, điều trị chống nhiễm khuẩn toàn thân và tại chỗ, nâng cao thể trạng.
Các phương pháp giúp giảm đau bao gồm đắp gạc ấm và sử dụng thuốc giảm đau. Sử dụng gạc y tế với nước sạch được làm ấm đắp lên vùng bị nhọt khoảng 10 phút. Lặp lại động tác này vài lần trong ngày sẽ có hiệu quả. Chườm ấm không chỉ giúp giảm đau mà còn làm lành vùng nhọt nhanh chóng. Thuốc giảm đau có thể hiệu quả đẩy lùi cơn đau do nhọt da gây ra.
Duy trì vệ sinh cá nhân, phòng nhọt
Lưu ý, người bệnh nên nhanh chóng đến cơ sở y tế khi cơn đau không thuyên giảm với thuốc giảm đau. Thông thường, nhọt có thể tự lặn trong vòng 10 ngày đến hai tuần mà không cần dùng thêm thuốc. Trong trường hợp nặng, bác sĩ kê đơn thuốc kháng sinh để đẩy lùi nhiễm trùng. Điều này có ích giúp ngăn chặn biến chứng nặng xảy ra.
Điều trị tại chỗ, ở giai đoạn sớm, chưa có mủ thì không nặn, kích thích vào thương tổn, bôi dung dịch sát khuẩn ngày 2 – 4 lần. Giai đoạn có mủ cần phẫu thuật rạch rộng làm sạch thương tổn, dùng dung dịch sát khuẩn, dùng thuốc kháng sinh tại chỗ như kem hoặc mỡ axít fucidic 2% bôi 1- 2 lần ngày….
Dùng kháng sinh toàn thân như kháng sinh nhóm betalactam, cloxacilin, augmentin. Nhóm macrolid có roxithromycin, azithromycin, axít fusidic viên 250mg… Thời gian điều trị kháng sinh từ 7- 10 ngày.
Về phòng bệnh nên duy trì vệ sinh cá nhân sạch sẽ, không nên để móng tay dài, nên rửa tay hàng ngày bằng xà phòng chống khuẩn. Tránh sử dụng các sản phẩm gây kích ứng da, tránh dùng chung vật dụng để ngăn ngừa lây nhiễm nhọt da và các bệnh lý khác.
Chăm sóc tốt vết thương ở da hay vết côn trùng cắn, kiểm soát tốt các bệnh lý mạn tính ở da như bệnh vẩy nến, kiểm soát tốt bệnh tiểu đường, bệnh thận và các bệnh lý khác có hệ miễn dịch bị suy giảm.
Nâng cao thể trạng bằng cách ăn uống cân bằng, đủ chất. Không gãi và nặn mụn nhọt, nhất là đinh râu, nếu không sẽ làm tổn thương hàng rào bảo vệ, tạo cơ hội cho vi khuẩn xâm nhập vào máu, gây nhiễm khuẩn huyết.