Khi tuổi cao, sức đề kháng suy giảm nên chức năng của mọi thứ cơ quan trong cơ thể giảm theo, kéo theo những loại bệnh về da. Làm da nhăn nheo, giảm đàn hồi, khô, dễ ngứa, đồi mồi, zona, loét da, vẩy nến và nhiều chứng bệnh nan y khác.
Lão hóa da
Theo Viện Y học Quốc gia Mỹ (NIH), lão hóa da là một trong những loại bệnh thường gặp ở nhóm người cao tuổi, tác động bởi 2 yếu tố: nội sinh (tức tuổi tác) và ngoại sinh (hay môi trường khách quan), trong đó, ánh nắng mặt trời là nhân tố quan trọng.
Biểu hiện của lão hóa da có thể nhận biết là da khô, khi sờ thấy thô ráp, nhăn nheo, nhão chùng, teo, biến màu và xuất hiện các tổ chức tân sinh lành tính, nám da…
Về mặt vi thể, có những thay đổi ở lớp thượng bì (lớp ngoài cùng của da) và trung bì nông (nằm ngay dưới lớp thượng bì), riêng nhú bì có chức năng nuôi dưỡng thượng bì trở nên mỏng hơn, và khả năng tổng hợp vitamin D cũng suy giảm nhanh. Do trung bì teo mỏng, nên giảm số lượng tế bào và mạch máu, thậm chí còn bị mất tế bào và mạch máu.
Các mạch máu, tuyến mồ hôi, tuyến bã, các đầu mút thần kinh ở da cũng giảm về số lượng và teo đi về kích thước khiến da trở nên lão hóa nhanh hơn.
Theo nhiều nghiên cứu cho thấy, các biểu hiện khác của lão hóa da thường thấy là các tuyến mồ hôi, tuyến bã giảm tiết, tuyến tiết mùi ở nách cũng giảm.
Trung bình cứ 10 năm tuyến bã ở đàn ông giảm 23%, trong khi ở nữ là 32%. Móng tay cũng mất dần độ bóng và màu hồng tươi, móng bị khô, xuất hiện các vết rãnh. Các đầu tận thần kinh cũng giảm, mật độ 30/mm2 khi trẻ và chỉ còn 12/mm2 lúc 70 tuổi. Khả năng miễn dịch và chống đỡ của da với các tác nhân bên ngoài cũng suy giảm.
Một số biểu hiện và bệnh lý thường gặp là xuất hiện nếp nhăn và chùng nhão da kèm theo mái tóc muối tiêu. Các vết nhăn của tuổi tác xuất hiện và ngày càng rõ theo năm tháng ở đuôi mắt, khóe miệng và các chỗ da chùng nhão ở cổ, và trên toàn cơ thể.
Ngứa da
Đây là biểu hiện thường gặp ở người cao tuổi, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và nhiều hệ lụy khác. Ngứa hay gặp vào mùa hanh khô, mùa đông khi thời tiết khô lạnh, ít có điều kiện tắm thường xuyên.
Để giảm bệnh, nên uống nhiều nước, ăn hoa quả và bôi các kem dưỡng ẩm. Ngứa cần được khám nghiệm thận trọng để phát hiện là ghẻ, bọng nước dạng pemphigus (bullous pemphigoid), các bệnh ngứa vùng sinh dục hậu môn do bệnh nấm candida ở người đái tháo đường, liken xơ teo.
Các biểu hiện ngứa của bệnh lý phủ tạng và toàn thân như bệnh thận, gan, bệnh tuyến giáp trạng, máu ác tính hoặc các ung thư.
Nên tư vấn bác sĩ, dùng kem dưỡng ẩm da, kem có chứa menthol, kem corticoid. Các thuốc tiêu độc, nhuận tràng như artichoke (atisô) cũng rất tốt cho các bệnh này. Trường hợp nặng, lâu khỏi và ảnh hưởng đến sức khỏe thì nên đi khám bác sĩ da liễu để có cách điều trị thích hợp.
Eczema
Eczema là bệnh lý hay gặp ở nhóm người có tuổi. Các biểu hiện viêm da cơ địa, viêm da tiết bã nhờn, eczema dạng đồng tiền hay dạng đĩa. Tuy nhiên, viêm da tiếp xúc ít gặp hơn do không phải tiếp xúc với các dị nguyên khi làm việc, đồng thời phản ứng của da cũng giảm đi.
Trái lại, người có tuổi có thể bị viêm da tiếp xúc với các dị nguyên khác hay gặp trong sinh hoạt như thuốc men, các vật dụng giày dép, găng cao su, tai nghe cao su hay nhựa, thuốc nhuộm tóc… Các bệnh da mạn tính gây ngứa làm người có tuổi gãi nhiều gây liken hóa, dày sừng và bội nhiễm.
Các bệnh lý này nếu phát hiện sớm và có phương pháp điều trị đúng sẽ tránh được tái phát và bệnh không bị nặng hơn.
Đồi mồi
Dày sừng hay đồi mồi là bệnh hay gặp ở người sau 50 tuổi, do da lão hoá gây ra. Phổ biến ở mặt, cổ, cánh tay và xuất hiện nhiều hơn ở người tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Ban đầu, các đốm này màu nâu nhạt, sau đó ngày càng trở nên đậm màu hơn với kích thước to nhỏ không đều.
Để làm chậm sự lão hoá của da, có thể tăng cường sự tuần hoàn bằng mát xa da mặt, xoa bóp cánh tay hàng ngày hoặc dùng kem dưỡng da. Hạn chế để da tiếp xúc trực tiếp nhiều với ánh nắng mặt trời, khiến các đốm này ngả dần sang màu nâu sậm.
Bệnh Zona
Zona, dân gian gọi là bệnh giời leo, do virus Herpes Zoster gây ra, virus chính là thủ phạm gây bệnh thủy đậu ở trẻ nhỏ. Sau khi gây bệnh thủy đậu lúc còn nhỏ, virus nằm yên bất động trong các dây thần kinh cảm giác. Khi về già, hệ miễn dịch của cơ thể bị suy yếu, virus sẽ tấn công cơ thể và gây ra bệnh zona.
Ban đầu người bệnh có biểu hiện sốt, đau, rát, ngứa ở vùng da bị zona. Sau 1 đến 3 ngày, vùng da bị ảnh hưởng xuất hiện một mảng dát màu hồng đỏ, có các mụn nước mọc lên từng chùm sát vào nhau hoặc thành mảng, kèm theo triệu chứng đau nhức dữ dội nơi các dây thần kinh virus cư trú.
Tùy theo chiều hướng phát triển, xuất hiện các mụn nước. Bệnh thường kéo dài khoảng 2 tuần thì lành ngoài da, nhưng triệu chứng đau nhức có thể kéo dài hàng tháng hay hàng năm. Chính vì đau nhức rất khó chịu làm cho người cao tuổi mệt mỏi, ăn kém, rối loạn giấc ngủ kéo dài và có thể xuất hiện nhiều bệnh khác cho người cao tuổi.
Theo khuyến nghị của các chuyên gia da liễu, khi nghi ngờ bị bệnh zona, người cao tuổi cần đi khám bệnh càng sớm càng tốt nhằm làm giảm thời gian trị bệnh và làm giảm các cơn đau cho người bệnh.
Tùy theo vị trí và mức độ của bệnh, bác sĩ sẽ có chỉ định điều trị thích hợp. Người bệnh cần vệ sinh da vùng bị bệnh sạch sẽ để hạn chế bội nhiễm vi khuẩn.
Loét da
Ở người cao tuổi, tĩnh mạch chân thường bị suy yếu, gây suy giãn tĩnh mạch, khiến máu về tim bị ứ đọng, gây loét cẳng chân hoặc loét ở da mắt cá trong do ứ trệ tĩnh mạch bên dưới. Bệnh có thể xảy ra một bên hoặc cả hai bên cẳng chân.
Ngoài loét da do giãn tĩnh mạch hoặc ứ trệ, người cao tuổi cũng có thể bị loét da do nằm lâu bởi một số bệnh như tai biến mạch máu não, chấn thương gãy xương phải nằm dài ngày… Những vùng bị tì đè nhiều dễ gây loét như vùng mông, bả vai, hai mạng sườn, vùng chẩm, gót chân…
Nếu vết loét càng sâu thì nguy cơ nhiễm trùng càng cao. Trường hợp nặng có thể loét tới xương và nhiễm trùng máu gây nguy hiểm. Theo chuyên môn, khi bị giãn tĩnh mạch chân, người cao tuổi cần đi khám bệnh để được tư vấn và điều trị kịp thời.
Chăm sóc tại chỗ tốt để tránh nhiễm trùng, nằm kê chân cao. Đối với người cao tuổi phải nằm lâu ngày, thậm chí không ngồi dậy được, người nhà, người chăm sóc cần thường xuyên thay để thay đổi tư thế.
Lời khuyên của thầy thuốc
Ðể giảm bệnh ngoài da ở người cao tuổi, trước hết cần nâng cao sức đề kháng cho cơ thể. Lý do, cuộc sống hàng ngày khó có một chế độ dinh dưỡng thích hợp dành riêng cho da ở người cao tuổi, trong khi đó, nâng cao sức đề kháng của cơ thể người cao tuổi thì có ảnh hưởng rất lớn đến mọi cơ quan, trong đó có sức khỏe da.
Ăn uống khoa học, đủ chất, đủ số lượng rất quan trọng. Nên hạn chế ăn thịt, tăng cường cá, rau xanh và hoa quả. Cá, rau và quả có rất nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho mọi cơ quan trong cơ thể vì chúng cung cấp các loại vi chất chống lão hóa và đồng thời trong rau có nhiều chất xơ là loại góp phần chống táo bón ở người cao tuổi. Tốt nhất, mỗi ngày nên ăn 0,5kg hoa quả tươi hoặc rau xanh.
Đối với người cao tuổi nên duy trì giấc ngủ đủ về thời lượng và chất lượng, nơi ngủ cần thoáng, mát, tránh ẩm ướt đề phòng các mầm bệnh như virus, vi khuẩn gây bệnh ngoài da. Nên thường xuyên rèn luyện cơ thể bằng các bài thể dục hoặc đi bộ.