Theo các bác sĩ Da liễu, Đỏ da toàn thân vảy nến là một dạng vảy nến, tuy hiếm gặp nhưng nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy khi mắc bệnh cần được chăm sóc y tế và điều trị kịp thời.
Đỏ da toàn thân vảy nến là gì?
Theo trang tin y học Mỹ Cedars-sinai (CSC), Đỏ da toàn thân vảy nến là thể bệnh vảy nến hiếm gặp (chiếm tỉ lệ 3% các ca bệnh vẩy nến chung), gây da đỏ toàn thân lan tỏa, chiếm trên 90% diện tích cơ thể. Ngoài thương tổn da, bệnh còn gây tổn thương toàn thân, tiến triển kéo dài, trường hợp nặng có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, nhất là nhóm tuổi 40-60. So với các loại bệnh vẩy nến khác, Đỏ da toàn thân vảy nến lại gây đau đớn, khó chịu cho người bệnh và có thể đe dọa tính mạng nên cần được chăm sóc y tế và điều trị ngay.
So với một số loại bệnh vẩy nến khác như vảy nến thể mảng (80-90%), vảy nến giọt và vảy nến mủ … thì Đỏ da toàn thân vảy nến có đặc thù phát ban đỏ toàn thân, da đỏ tươi, bóng, phù nề, căng, rớm dịch, phủ vẩy ướt, không có vùng da lành, có thể ngứa dữ dội, các nếp kẽ bị trợt loét, rớm dịch mủ, nứt nẻ, đau rát trên toàn bộ bề mặt của cơ thể.
Ngoài ra, Đỏ da toàn thân vảy nến còn làm cho da dày, xuất hiện nếp da hằn sâu, đặc biệt là khi phù nề và thâm nhiễm tế bào ở trung bì hoặc lichen hóa. Lòng bàn tay, bàn chân trên 80% có thể bị dày sừng ở những trường hợp đỏ da toàn thân mạn tính. Tăng hoặc giảm sắc tố làm da thâm sạm hay tạo thành những đám loang lổ.
Da quanh hốc mắt có thể bị viêm đỏ, lộn mi, chảy nước mắt. Ở mặt có thể biến dạng do phù nề hoặc thâm nhiễm làm mất đi các nếp nhăn trên mặt, thay vào đó là những khối gồ sần sùi thô ráp. Tổn thương tóc, móng, gây ngứa dữ dội, và gây mất ngủ. Người bệnh có thể sốt cao hoặc có cảm giác ớn lạnh hay rét run.
Đỏ da toàn thân vảy nến còn có thể làm thay đổi trao đổi chất của cơ thể, người ta cũng có thể gặp các triệu chứng khác sưng tấy, đặc biệt là xung quanh vùng mắt cá chân, đau khớp; ớn lạnh hoặc sốt, nổi hạch ngoại biên, gan, lách to….
Nguyên nhân gây bệnh
Đến nay, y học vẫn không chắc chắn về nguyên nhân gây bệnh vẩy nến nói chung và Đỏ da toàn thân vảy nến nói riêng. Yếu tố nguy cơ có thể là do ngưng đột ngột điều trị bệnh vẩy nến, do nhiễm trùng, cháy nắng, căng thẳng thần kinh, nghiện rượu, phản ứng dị ứng và phát ban, do uống hoặc tiêm thuốc steroid.
Những biến chứng của Đỏ da toàn thân vảy nến có thể làm thay đổi trao đổi chất của cơ thể, suy kiệt do mất dịch và protein, sưng phù nặng từ sự giữ nước, nhiễm trùng nặng bao gồm viêm phổi và nhiễm khuẩn huyết và suy tim sung huyết.
Điều trị và dự phòng
Nguyên tắc chung là kết hợp điều trị triệu chứng với việc loại nguyên nhân gây bệnh. Các giải pháp lựa chọn điều trị bao gồm, dùng kem steroid và kem dưỡng ẩm, băng ẩm, nghỉ ngơi.
Các thuốc điều trị toàn thân, gồm methotrexate, acitretin, cyclosporine, hoặc retinoids, thuốc ức chế sinh học TNF, truyền dịch hoặc bù chất điện giải, kháng sinh để ngăn ngừa hoặc điều trị các bệnh nhiễm khuẩn khác.
Về phòng ngừa, người bệnh nên tuân thủ phác đồ điều trị, tránh các yếu tố nguy cơ làm gia tăng bệnh. Sau một đợt bùng phát hồng ban, da có thể sẽ trở lại tình trạng nguyên thủy. Ngoài ra có thể bù nước và điện giải theo điện giải đồ, nâng cao thể trạng bằng các vitamin, truyền đạm, truyền máu…
Phòng ngừa tắc tĩnh mạch, vật lý trị liệu trong những trường hợp nằm lâu. Điều nên nhớ đối với bệnh Đỏ da toàn thân vảy nến là chẩn đoán sớm và điều trị tích cực sẽ mang lại hiệu quả cao, giảm tỷ lệ tử vong và biến chứng cho người bệnh.