Lăn kim chữa mụn sai cách có thể dẫn đến những biến chứng như da nổi mụn, sưng đỏ, nhiễm khuẩn, hoặc nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm.
Ngày 29/8, bác sĩ Tạ Quốc Hưng, Khoa Da liễu – Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, cho biết lăn kim là phương pháp phổ biến, được sử dụng để điều trị các tình trạng da khác nhau.
Đầu tiên, bác sĩ bôi thuốc tê vùng điều trị để giúp giảm đau, sau đó sử dụng nhiều kim nhỏ, vô trùng và lăn trên bề mặt da, tạo ra các thương tổn nhỏ, sâu tới lớp bì của da, kích thích tái tạo, trẻ hóa da.
Thời gian thực hiện khoảng 45 phút tới một giờ cho mỗi lần lăn. Các dấu chân kim rất nhỏ nên sẽ rất khó nhận thấy sau khi làm thủ thuật. Cuối cùng, bác sĩ thoa các dưỡng chất có yếu tố tăng trưởng hoặc hoạt chất trị liệu làm dịu da.
Lăn kim cải thiện các vấn đề như nếp nhăn nhỏ, sẹo, mụn, rụng tóc, tăng sắc tố da, rạn da, trứng cá đỏ, da chùng nhão sau giảm cân hay hút mỡ. Ngoài ra, lăn kim còn có thể dùng cho mục đích dẫn thuốc vào trong da như vitamin C hay tretinoin thoa, giúp thuốc phát huy tác dụng tốt hơn, theo bác sĩ Hưng.
Trường hợp có thể thực hiện lăn kim là làn da có mụn ẩn, mụn trứng cá ở mức độ nhẹ. Làn da đang bị thâm, lỗ chân lông to, sẹo rỗ… có dấu hiệu lão hóa như vết nhăn, nám, tàn nhang, đốm nâu hoặc có các vết rạn teo da có thể lăn kim để cải thiện.
Đối với làn da mỏng, yếu, nhạy cảm dễ kích ứng hoặc đang bị nhiễm corticoid không nên lăn kim, tránh kích ứng, xuất hiện các mụn nước, mụn mủ. Da đang bị viêm nhiễm dễ phát tán vi khuẩn sang các vùng da lân cận, hoặc có thể lây nhiễm thêm các vi khuẩn ở những vùng da bên cạnh vào vùng da bệnh khiến phản ứng viêm mạnh hơn, gây sẹo rỗ.
Trường hợp mắc một số tình trạng da nhất định, như bệnh vảy nến hoặc bệnh chàm, các bệnh lý tự miễn, rối loạn đông máu, tình trạng nhiễm trùng toàn thân không nên lăn kim.
Khi da có vết thương hở, không thể thoa tê, dễ gây bội nhiễm hoặc chảy máu vết thương. Người có tiền sử sẹo lồi không lăn kim, có thể kích hoạt gây sẹo lồi tại vùng điều trị.
Các biến chứng có thể gặp do lăn kim sai cách như tình trạng mụn tồi tệ hơn, mụn lây lan khắp mặt. Da bị ngứa, nổi mẩn, sưng đỏ, gây ngứa, sần da, nhiễm khuẩn. Lăn kim sai cách cũng khiến da sạm, tăng sắc tố, rám má vì các đầu kim lăn thường sắc nhọn.
“Nếu người thực hiện lăn kim không nắm chắc kỹ thuật thì có thể tạo thành các thương tổn sâu, gây tăng sắc tố sau viêm”, bác sĩ nói, thêm rằng sử dụng đầu kim không đảm bảo vô khuẩn còn dẫn đến nguy cơ lây nhiễm bệnh, như mụn rộp (Herpes), HIV/AIDS, hoặc các bệnh truyền nhiễm khác.
Chăm sóc da sau lăn kim không đúng cũng gây nhiễm trùng, nhiễm khuẩn. Không bảo vệ da trước ánh nắng mặt trời (sau khi lăn kim) khiến da đen sạm, thâm nám.
Do đó, người dân nên chọn cơ sở, trung tâm lăn kim uy tín, có bác sĩ chuyên môn hành nghề. Không tự ý lăn kim tại nhà, không nên quá nôn nóng lăn kim liên tục khi da chưa thật sự lành hẳn. Tuân theo đúng hướng dẫn của bác sĩ da liễu sau lăn kim.
https://vnexpress.net/nhung-hau-qua-khi-lan-kim-chua-mun-sai-cach-4504078.html