Tiếp xúc ánh nắng mặt trời nhiều làm tăng nguy cơ mắc ung thư tế bào hắc tố – một dạng ung thư da ít phổ biến nhưng nguy hiểm. Hình ảnh của melanoma cho thấy những nốt ruồi ung thư đôi khi nhầm lẫn với các tổn thương được cho là sang thương sắc tố lành tính. Melanoma có thể có nguy cơ di căn đến các bộ phận khác của cơ thể dễ dàng hơn.
Đây là những điều cần biết về loại ung thư da này.
Melanoma là gì?
Melanoma là một loại ung thư tế bào hắc tố xuất hiện trên da với độ ác tính rất cao, được phát triển từ các tế bào sản xuất melanin (melanocytes). Theo tổ chức Ung thư Da dự đoán có khoảng 186.680 người ở Hoa Kỳ sẽ được chẩn đoán mắc melanoma vào năm 2023 – và 7.990 người sẽ chết vì căn bệnh này.
Do đó, việc phát hiện sớm bệnh là rất quan trọng. Tổ chức Ung thư Da khuyến nghị, chúng ta nên thăm khám bác sĩ da liễu hằng năm và người bệnh nên cần kiểm tra thường xuyên hơn nếu có nguy cơ cao hơn. Theo Tổ chức Ung thư Da, tỷ lệ sống sót của melanoma là hơn 99% đối với những người ở Hoa Kỳ khi được phát hiện sớm, trước khi có yếu tố di căn lan đến các hạch bạch huyết và các cơ quan khác.
Các yếu tố nguy cơ đối với melanoma
Những người có làn da sáng, đặc biệt khi họ dễ bị tàn nhang hoặc rám nắng có nguy cơ mắc cao hơn. Tuy nhiên, không phải là duy nhất, việc xuất hiện melanoma có thể thấy ở cả những bệnh nhân có type da sẫm màu hơn. Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, trong mỗi chúng ta cũng có nguy cơ mắc melanoma cao hơn nếu bạn có những đặc tính sau:
- Nhiều nốt ruồi trên da hoặc có nốt ruồi lớn hơn có hình dạng hoặc màu sắc bất thường.
- Cha mẹ, anh chị em trong gia đình có tiền sử mắc melanoma.
- Tiếp xúc nhiều với tia cực tím từ ánh sáng mặt trời hoặc ánh sáng khác chứa tia UV cao
- Đã có melanoma hoặc ung thư da tế bào đáy hoặc tế bào vảy.
- Có hệ thống miễn dịch suy yếu.
- Có xuất hiện tình trạng hiếm gặp được gọi là khô da sắc tố.
Các triệu chứng của melanoma
Vì các tế bào bất thường trong melanoma tạo ra sắc tố, qua thời gian chúng có thể sẽ phát triển một hoặc nhiều khối u có màu đen hoặc nâu. Theo ACS, các triệu chứng của melanoma đôi khi cũng có thể là khối u màu hồng, nâu hoặc trắng. Thường được tìm thấy trên ngực và lưng ở nam giới và trên chân ở phụ nữ.
Những người có làn da sẫm màu ít có nguy cơ phát triển u ác tính ở những nơi này, ngoài ra cũng có thể xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, móng tay và các bộ phận khác của cơ thể ở những người có làn da thuộc bất kỳ màu nào. Đặc biệt, melanoma có thể phổ biến hơn trên bàn tay và bàn chân của bệnh nhân gốc Phi.
Hình ảnh khối u ác tính
Theo quy tắc ABDCE, cũng như hình ảnh đặc trưng của melanoma, có thể giúp chúng ta xác định xem mình có nên đi khám bác sĩ để xác định là nốt ruồi đơn thuần hay không. Nếu nhận thấy bất kỳ biểu hiện nào được liệt kê theo quy luật ABCDE dưới đây, bạn hãy đến bác sĩ da liễu hoặc bác sĩ chuyên khoa ung thư kiểm tra ngay vì đó có thể là nốt ruồi báo ung thư:
- A là sự bất đối xứng, khi một nửa nốt ruồi không giống với nửa kia.
- B là đường viền, vì các melanoma thường có đường viền không đều như đường viền mờ, không rõ nét hoặc lởm chởm như răng cưa. Nốt ruồi lành tính thường có đường viền không hoàn toàn đồng nhất, nhưng nó khá tròn
- C là màu sắc. Các melanoma thường có màu sắc khác nhau trong nốt ruồi như các sắc thái khác nhau của màu đen, nâu hoặc thậm chí là hồng, đỏ, trắng hoặc xanh lam.
- D là đường kính. Các melanoma thường có đường kính lớn hơn 1/4 inch, tương đương bằng kích thước của một cục tẩy bút chì
- E là phát triển, độ lồi như nốt ruồi lồi trên da và có bề mặt không đều và đồng nhất
Nguyên nhân melanoma
Việc tiếp xúc với tia cực tím từ mặt trời hoặc từ giường tắm nắng gây ra hầu hết các melanoma và chúng có thể xuất hiện tại vị trí bạn có nốt ruồi hiện có. Với một sang thương bất thường xuất hiện trên da của bạn, hãy đi kiểm tra ngay cả khi nó không liên quan đến nốt ruồi.
Tổ chức Ung thư Da báo cáo rằng chỉ có 20 đến 30% melanoma có thể bắt đầu từ nốt ruồi hiện có. Điều đó có nghĩa là 70 đến 80% phát triển trên da bình thường. Đôi khi mọi người nghĩ rằng vị trí họ nhìn thấy trên da là một nốt ruồi mới, vết mực hoặc vết bầm tím và họ trì hoãn việc kiểm tra.
Chẩn đoán melanoma
Khi bác sĩ da liễu nghi ngờ đó là melanoma, họ có thể sinh thiết sang thương nghi ngờ và gửi đến phòng thí nghiệm để kiểm tra.Nếu giải phẫu bệnh cho kết quả là melanoma, bác sĩ có thể tiến hành xét nghiệm máu và tiến hành các xét nghiệm liên quan để xem và đánh giá mức độ tiến triển và di căn của ung thư và phân loại.
Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, các melanoma được phân loại theo thang điểm từ giai đoạn 0 đến 4, với giai đoạn 4 là giai đoạn tiến triển nhất. Một số giai đoạn cũng có ký hiệu bằng chữ cái, chẳng hạn như A, B hoặc C. Các chữ cái sau tương ứng với ung thư tiến triển hơn trong giai đoạn đó như
- Khối u dày bao nhiêu
- Da trên khối u bị tổn thương (loét)
- Ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết gần đó
- Liệu ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết ở xa hơn hay đến các vị trí khác như phổi, gan, não, xương hoặc các vị trí khác trên da
Điều trị melanoma
Việc điều trị melanoma phụ thuộc vào mức độ tiến triển của nó và vị trí của khối u. Các bác sĩ sẽ xem xét độ sâu của khối u, tốc độ phân chia của các tế bào và các yếu tố khác để giúp đưa ra quyết định điều trị.
Tổ chức Ung thư Da cho biết các lựa chọn điều trị bao gồm:
- Phẫu thuật
- Liệu pháp miễn dịch
- Liệu pháp nhắm trúng đích
- Hóa trị
- Xạ trị
Tuy nhiên, với melanoma có nguy cơ ác tính cao nên cần có sự hội chẩn và đồng thuận của các bác sĩ chuyên khoa ung thư và phẫu thuật ung thư cùng với bác sĩ da liễu.
Biện pháp giảm nguy cơ mắc melanoma
Để có thể giảm nguy cơ phát triển melanoma, điều đầu tiên bằng cách giảm tiếp xúc với bức xạ tia cực tím bằng một số biện pháp sau:
- Mặc quần áo kín, đội mũ nón, đeo kính râm khi ra ngoài nắng
- Hạn chế ra nắng khi có cường độ tia UV cao từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều.
- Nên sử dụng kem chống nắng phổ rộng có SPF từ 15 trở lên thường xuyên mỗi ngày
Tài liệu tham khảo: Melanoma Skin Disorder: Pictures, Causes And Symptoms (today.com)