Thời gian qua, nhiều phụ nữ tiêm filler làm đẹp bị nhiều biến chứng nguy hiểm (đột quỵ, mù mắt). Cho tôi hỏi, những vùng da nào không được tiêm filler? Làm thế nào để tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra khi tiêm filler? (B.Quyên, TP.HCM).
ThS.BS Tạ Quốc Hưng trả lời
Tất cả các vùng da có thể tiêm filler, nhưng một số vùng khi tiêm filler sẽ có nguy cơ tai biến cao hơn do cấu trúc giải phẫu và tính chất cơ bản của các khu vực đó.
Vùng xung quanh mắt: Vùng này rất nhạy cảm và có nhiều cấu trúc mô phức tạp như mạch máu nhỏ, dây thần kinh và mô mỡ ít. Tiêm filler ở đây có thể gây ra sưng, bầm tím, lộ filler, thậm chí là mất thị lực nếu không thực hiện đúng cách.
Mũi: Mũi chứa nhiều mạch máu và dây thần kinh quan trọng. Tiêm filler ở đây có thể gây ra tình trạng phù nề, tràn filler sang xung quanh hoặc nặng hơn là hoại tử da, thậm chí mù mắt nếu tiêm filler vào lòng mạch máu nuôi vùng mũi.
Miệng và xung quanh môi: Vùng này rất nhạy cảm với nguy cơ viêm nhiễm và sưng, phù nề sau tiêm. Tiêm filler sai vị trí ở đây có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng như tắc nghẽn mạch dẫn đến hoại tử mô.
Vùng thái dương: Vùng này có nhiều cấu trúc quan trọng như động mạch thái dương nông hay nhánh trán của thần kinh mặt. Tiêm filler ở đây có thể gây ra tình trạng tê liệt, đau do tổn thương thần kinh. Nếu tiêm trúng mạch máu có thể gây sưng bầm, phù nề, hoặc nặng hơn là hoại tử da do tắc mạch.
Vùng trán và trên đỉnh đầu: Vùng này có thể có nguy cơ cao nếu filler bị tiêm vào lòng mạch gây hoại tử vùng da trán hoặc nguy cơ filler di chuyển ngược dòng trong lòng mạch đến động mạch nuôi mắt gây mù lòa.
Cấu trúc giải phẫu phức tạp và sự kết nối giữa các cơ, mạch máu và dây thần kinh là nguyên nhân chính gây ra các nguy cơ tai biến khi tiêm filler ở những vùng này.
Để tránh các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra, chúng ta nên chọn cơ sở tiêm filler đảm bảo các điều kiện như sau:
- Bác sĩ có chứng chỉ chuyên ngành thẩm mỹ da liễu hoặc phẫu thuật thẩm mỹ.
- Sử dụng sản phẩm filler an toàn và đã được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) chấp thuận.
- Có trang thiết bị y tế hiện đại và vệ sinh đảm bảo.
- Thực hiện quy trình tiêm với sự cẩn thận, sạch sẽ và tuân theo hướng dẫn kỹ thuật.
- Thực hiện thủ tục tiền tiêm để đảm bảo không có tình trạng dị ứng hoặc phản ứng phụ nghiêm trọng.
- Cung cấp thông tin rõ ràng và đầy đủ cho khách hàng về quy trình, nguy cơ và kết quả có thể xảy ra.
- Có khả năng xử lý tình huống khẩn cấp nếu có vấn đề xảy ra sau tiêm filler.
Nguồn: https://thanhnien.vn/bac-si-24-7-lam-the-nao-de-tranh-cac-bien-chung-nguy-hiem-khi-tiem-filler-185230907193029729.htm