Phương pháp điều trị AOPT-LTL là giải pháp điều trị tình trạng đỏ da và cơn đỏ bừng mặt, mang đến sự hài lòng cho những bệnh nhân trứng cá đỏ thể giãn mạch.
Theo những kết quả vừa được công bố trên tạp chí Da liễu Thẩm mỹ (Journal of Cosmetic Dermatology), trứng cá đỏ thể giãn mạch có thể được điều trị hiệu quả và an toàn với công nghệ xung tối ưu tiên tiến sử dụng xung dài với mức năng lượng thấp, 3 xung (AOPT-LTL).
Những nhà nghiên cứu đã tìm cách kiểm tra tính thực tiễn và cơ chế phân tử cơ bản của phương pháp AOPT-LTL trên mô hình chuột được gây bệnh trứng cá đỏ và khảo sát tính hiệu quả cũng như an toàn của phương thức này ở những bệnh nhân trứng cá đỏ.
Đây là nghiên cứu tiến cứu đươc thực hiện trên 23 bệnh nhân (có 87% là phụ nữ; tuổi trung bình là 31,8±7,6) tuyển chọn từ Khoa Thẩm mỹ y khoa của Bệnh viện Đại học Yanbian và Bệnh viện Mylike Suzhou ở Trung Quốc. Những bệnh nhân này được chẩn đoán trứng cá đỏ thể giãn mạch (thời gian bệnh trung bình là 2,73±1,25 năm).
Tiêu chuẩn loại trừ bao gồm những bệnh nhân tiếp xúc với ánh nắng mặt trời nhiều trong vòng 1 tháng trước nghiên cứu hoặc được điều trị với laser trong 3 tháng trước đó, tiền căn sẹo lồi, bệnh lý tự miễn hoặc có bệnh lý của các cơ quan khác ở mức độ nặng, tiền căn nhạy cảm ánh sáng hoặc đang điều trị với các phương pháp gây nhạy cảm ánh sáng trong 1 tháng trước điều trị, phụ nữ có thai và cho con bú.
Các đối tượng tham gia nghiên cứu được điều trị khoảng 6-10 lần (số lần điều trị trung bình là 8,03±1,67), mỗi 2 tuần, tùy thuộc vào độ nặng ban đầu của bệnh.
Hiệu quả được đánh giá bằng việc so sánh hình ảnh ở thời điểm bắt đầu điều trị, 1 tuần, 3 tháng sau điều trị, kết hợp với chỉ số đỏ da, thang điểm đánh giá mức độ đỏ bừng mặt (GFSS, tại thời điểm điều trị có 39% bệnh nhân ở mức độ trung bình, 61% ở mức độ nặng) và đánh giá mức độ đỏ da trên lâm sàng (CEA, tại thời điểm điều trị có 22% bệnh nhân ở mức độ nhẹ, 69% ở mức độ trung bình, 9% ở mức độ nặng).
Những hình ảnh lâm sàng trước – sau điều trị gợi ý sự cải thiện của bệnh nhân sau quá trình điều trị. Một vài bệnh nhân tái phát nhẹ trong vòng 3 tháng theo dõi nhưng vẫn cải thiện đáng kể so với thời điểm bắt đầu điều trị. Sau 1 tuần điều trị, mức độ giảm trung bình của các chỉ số đỏ da, GFSS, CEA lần lượt là -22,17; -5,3; -1,75; và tại 3 tháng lần lượt là -17,5; -4,24 và -1,43 so với ban đầu.
Trong 23 bệnh nhân được điều trị với công nghệ AOPT-LTL, các nhà nghiên cứu quan sát thấy hiệu quả điều trị khả quan đối với triệu chứng đỏ da và cơn đỏ bừng mặt. Không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào được ghi nhận.
Điều trị với AOPT-LTL được tiến hành ở chuột được gây bệnh trứng cá đỏ do LL-37 (sau mỗi 24 giờ, 3 lần) để khảo sát hiệu quả và các cơ chế cơ bản của bệnh. Sau điều trị, tình trạng thâm nhiễm tế bào viêm, các bất thường về mạch máu và kiểu hình giống bệnh trứng cá đỏ đã được cải thiện đáng kể.
Các nhà nghiên cứu cũng ghi nhận sự biểu hiện của các phân tử lõi của bệnh trứng cá đỏ cũng bị ức chế đáng kể và sự giảm mật độ mao mạch và điểm đỏ da trong nhóm được điều trị có ý nghĩa so với nhóm đối chứng (P<0,01).
Những điểm hạn chế của nghiên cứu gồm thiếu nhóm chứng, cỡ mẫu nhỏ và thời gian theo dõi ngắn.
Từ những kết quả trên, các nhà nghiên cứu kết luận “Điều trị với AOPT-LTL có thể cải thiện các triệu chứng của bệnh trứng cá đỏ thể đỏ da giãn mạch thông qua việc điều hòa đáp ứng miễn dịch và các bất thường thần kinh mạch máu. Đây là một phương pháp điều trị hiệu quả và an toàn cho bệnh lý trứng cá đỏ thể giãn mạch, xứng đáng được ứng dụng và quảng bá lâm sàng.”