Vảy nến là một bệnh tự viêm mạn tính với nguyên nhân rất đa dạng và nhiều đợt tái phát. Do đó, ảnh hưởng của bệnh sẽ liên quan đến nhiều hệ thống khác nhau. Vảy nến là thủ phạm hay yếu tố gây ra vấn đề sức khỏe liên quan đến viêm khớp vảy nến và viêm ruột?
Điều trị miễn dịch ở bệnh vảy nến trên nhiều chuyên khoa
Mở đầu tuần lễ đào tạo liên tục thường niên do Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM tổ chức từ ngày 14//8 – 22/8/2023, là lĩnh vực da liễu với chuyên đề “Điểm sáng về cơ chế điều hòa miễn dịch qua Interleukin 23 trên các mục tiêu đích”. Nội dung phiên báo cáo tập trung các vấn đề điều trị miễn dịch ở bệnh vảy nến trên nhiều chuyên khoa, bao gồm: da liễu, cơ xương khớp, tiêu hóa.
Phát biểu tại phiên báo cáo, PGS.TS.BS Lê Thái Vân Thanh – Trưởng Khoa Da liễu – Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, cho biết: “Vảy nến là một bệnh tự viêm mạn tính với nguyên nhân rất đa dạng và nhiều đợt tái phát. Do đó, ảnh hưởng của bệnh sẽ liên quan đến nhiều hệ thống khác nhau. Chính vì vậy, các chuyên khoa da liễu, nội cơ xương khớp, tiêu hóa cùng ngồi lại để nói về một vấn đề chính là thủ phạm hay yếu tố gây ra vấn đề sức khỏe liên quan đến vảy nến, viêm khớp vảy nến và viêm ruột.”
Trong quản lý bệnh vảy nến, mục tiêu bao gồm: làm sao để dập tắt những cơn bùng phát bệnh kéo dài, thời gian lui bệnh và hạn chế tối thiểu tác dụng phụ của điều trị.
“Khi thực hiện những điều này, vô hình chung chúng ta sẽ làm giảm thiểu tối đa biến chứng hay di chứng của các vấn đề sức khỏe, tác động đến đa chuyên khoa trên người bệnh. Vì những yếu tố trên, chất lượng cuộc sống của người bệnh sẽ được nâng cao, làm cho người bệnh đồng hành cùng các bác sĩ”, PGS Vân Thanh chia sẻ thêm.
59,2% bệnh nhân bị vảy nến sử dụng Guselkumab có hiệu quả sau 28 tuần điều trị
Mở đầu phiên báo cáo với chủ đề “Ưu thế của Guselkumab trong vảy nến theo y học chứng cứ”, ThS.BS Trần Ngọc Khánh Nam, Khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da (Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM) cho biết, vảy nến là bệnh lý tự viêm hệ thống.
Trên thế giới hiện nay có trên 125 triệu người mắc căn bệnh vảy nến, chiếm tỷ lệ khoảng 2 – 3% dân số thế giới. Trong đó, vảy nến thể mảng đang phổ biến nhất.
Theo chuyên gia, vảy nến không chỉ là tình trạng sang thương da mà còn khiến bệnh nhân đứng trước nguy cơ mắc các bệnh lý đồng mắc khác như: vảy nến khớp hoặc các bệnh lý đồng mắc về tim mạch, tiêu hóa và một số bệnh lý khác. Bên cạnh đó, bệnh lý này còn ảnh hưởng trầm trọng đến sức khỏe, thể chất và chỉ số chất lượng cuộc sống của người bệnh.
ThS.BS Khánh Nam chia sẻ, hiện nay, trong hiệu quả điều trị bệnh vảy nến, dữ liệu của Guselkumab trong điều trị bệnh lý này đã được tiến hành trên 6 thử nghiệm Phase 3. Qua đó, đã thu được rất nhiều dữ liệu về tính an toàn, hiệu quả của Guselkumab.
Thứ nhất, Guselkumab trong điều trị có thể đạt PASI 90 sớm và duy trì hiệu quả lâu dài, với các biến cố bất lợi không đáng kể, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống. Theo nghiên cứu Real – Life effectiveness and short term đo hiệu quả trong 16 tuần. Kết quả có 32,1% đạt PASI 100 và 55,4% đạt PASI 90 trở lên ở tuần thứ 16, đây là kết quả khả quan trong điều trị vảy nến. Nhận thấy không có sự khác biệt về hiệu quả của Guselkumab ở nhóm đã từng điều trị thuốc sinh học và nhóm chưa từng điều trị.
Thứ hai, Guselkumab giúp bệnh nhân vảy nến cải thiện rõ rệt sang thương da kể cả sang thương ở những vùng khó điều trị, những bệnh nhân thất bại với các thuốc sinh học trước đó. Theo đó, kết quả của một nghiên cứu tiến hành trong 28 tuần trên 200 bệnh nhân cho thấy, bắt đầu từ tuần thứ 4, các vùng điều trị đã bắt đầu giảm đạt 18,8 % trên tổng số bệnh nhân, tuần thứ 16 là 49,5 % bệnh nhân và tuần 28 đạt 59,2%.
Đây là một trong những nghiên cứu cho thấy những con số khả quan. Điểm PGA cao hơn 2 ở basline cho các vị trí da đầu, LBT-BC, hậu môn sinh học và tỷ lệ sạch sang thương ở các vùng khó điều trị đã đạt hiệu quả ngoạn mục.
Qua trình bày và phân tích báo cáo, ThS.BS Trần Ngọc Khánh Nam nhấn mạnh, hiệu quả vượt trội của Guselkumab hứa hẹn đây là một lựa chọn điều trị tiềm năng trong quản lý và điều trị bệnh nhân vảy nến.
70% bệnh nhân bị sang thương da vảy nến xuất hiện trước viêm khớp khoảng 8-10 năm
Trong bài báo cáo “Cập nhật những tiến bộ mới trong điều trị viêm khớp vảy nến”, BSCKII Đoàn Thị Huyền Trân – Trưởng khoa Cơ xương khớp Bệnh viện Nhân dân 115 cho biết, viêm khớp vảy nến là một bệnh trong nhóm bệnh viêm cột sống, thường biểu hiện kèm theo vảy nến da. Trước năm 1950, viêm khớp xảy ra trên bệnh nhân vảy nến da, nguyên nhân thường được cho là viêm khớp dạng thấp và vảy nến da.
Theo tác giả Wright và Moll mô tả 5 thể lâm sàng của viêm khớp vảy nến. Thứ nhất, viêm vài khớp không đối xứng, chiếm tỷ lệ 15 – 20% với khác khớp liên quan bao gồm: khớp liên đốt xa; khớp liên đốt gần bàn tay, bàn chân; khớp bàn ngón tay, khớp bàn ngón chân; khớp háng, khớp gối; khớp cổ chân.
Thứ hai, viêm đa khớp đối xứng có tỷ lệ lên đến 50 – 60%, với các khớp liên quan bao gồm: khớp cổ tay, khớp bàn ngón tay, khớp liên đốt gần.
Thứ ba, tổn thương khớp liên đốt xa, có tỷ lệ 2 – 5%. Khớp liên quan đến thể lâm sàng này là khớp liên đốt xa.
Thứ tư, viêm khớp thể trục, tỷ lệ 2 -5% với khớp cùng chậu và có sống có liên quan.
Thứ năm, viêm khớp phá hủy, chiếm tỷ lệ 5% với khớp liên quan là liên đốt xa và liên đốt gần.
Vị chuyên gia thông tin, trong biểu hiện lâm sàng, 70% bệnh nhân có sang thương da vảy nến xuất hiện trước biểu hiện viêm khớp khoảng 8 – 10 năm. 10 – 15% bệnh nhân có biểu hiện viêm khớp xuất hiện trước sang thương da và 15% bệnh nhân có biểu hiện đồng thời sang thương da và viêm khớp.
Bác sĩ cho biết thêm, một số biểu hiện lâm sàng điển hình của viêm khớp vảy nến như: viêm ngón, người bệnh sẽ sưng toàn bộ ngón tay hoặc ngón chân, biểu hiện này chiếm tỷ lệ 29 – 33,5%; viêm điểm bám, thể hiện rõ ở các vị trí gân gót, cân gan chân, lồi cầu xương cánh tay, gân cơ tứ đầu đùi, chóp xoay, biểu hiện này có tỷ lệ mắc phổ biến là 38%; viêm vài khớp; biểu hiện liên quan khớp liên đốt xa.
BSCKII Đoàn Thị Huyền Trân nhấn mạnh, các bác sĩ cần nắm chắc vấn đề này và phân biệt để chẩn đoán và tiếp cận bệnh nhân theo từng thể lâm sàng: viêm khớp ngoại biên, viêm khớp trục, viêm ngón, viêm điểm bám gân.
Từ đó, theo GRAPPA 2021, chúng ta có thể khởi trị thuốc sinh học sớm nhất có thể nếu bệnh nhân được đánh giá có hoạt tính bệnh cao, tổn thương khớp nhiều. Trong đó, thuốc sinh học kháng IL12/23, kháng IL23 được xác nhận và chỉ định điều trị trong thể lâm sàng của viêm khớp vảy nến, ngoại trừ viêm khớp thể trục.
IL-23p19 có thể đáp ứng được tất cả các mục tiêu điều trị
Nối tiếp phiên với bài báo cáo “Ức chế chọn lọc Interleukin – 23: một mũi tên cho nhiều mục tiêu điều trị vảy nến”, TS.BS Nguyễn Thị Hồng Chuyên – Bộ môn Da liễu, Đại học Y Dược TPHCM, cho biết, Guselkumab là một chất ức chế IL-23p19 hiệu quả được Cục Quản lý Thực – Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt để điều trị bệnh vảy nến từ trung bình đến nặng và PSA.
Theo một nghiên cứu về Guselkumab trong điều trị bệnh vảy nến, nghiên cứu này đại diện cho trải nghiệm hồi cứu, đa trung tâm. Thực tế trong 60 tuần đầu tiên, để điều tra tính hiệu quả, an toàn, khả năng dung nạp và duy trì thuốc của Guselkumab ở bệnh nhân vảy nến.
Chỉ số mức độ nghiêm trọng hoạt động của bệnh vảy nến (PASI) ban đầu trung bình giảm từ 14,2 xuống 3,1 ở tuần 12 và giảm xuống khoảng 0 ở các tuần 36, 48 và 60. PASI 75, PASI 90 và PASI 100 là 100%, 96,8%, và 83,9% ở tuần thứ 60, tương ứng.
Kết quả xác nhận Guselkumab có hiệu quả trên bệnh nhân thất bại với thước sinh học khác bao gồm kháng IL-12/23 và IL-17. Đặc biệt, Guselkumab hiệu quả với cả những bệnh nhân thất bại với kháng IL-23 khác.
Vị chuyên gia cho biết thêm, qua một nghiên cứu về hiệu quả của Guselkumab, về việc ngăn ngừa viêm khớp trong một đoàn hệ có nguy cơ mắc bệnh vảy nến đa trung tâm (PAMPA): giao thức của một thử nghiệm đa trung tâm ngẫu nhiên, mù đôi, có đối chứng với giả dược, đã tìm ra một số ưu điểm khi thực hiện nghiên cứu này.
Đây là một thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên, tiến cứu để điều tra hiệu quả của một chất ức chế interleukin-23p19, Guselkumab, trong việc ngăn ngừa sự phát triển của bệnh viêm khớp vẩy nến (PSA) ở nhóm bệnh nhân mắc bệnh vẩy nến có nguy cơ cao.
Bên cạnh đó, việc siêu âm cơ xương Doppler điện sẽ được sử dụng để đánh giá các bất thường cơ bản về khớp và quanh khớp cận lâm sàng, xác định tác động của Guselkumab đối với các bất thường này.
Dữ liệu lâm sàng sẽ được kết hợp với phân tử và phân tích miễn dịch để làm sáng tỏ quyết định sinh học chấm dứt quá trình chuyển đổi từ bệnh vẩy nến sang PSA.
Một hạn chế tiềm ẩn là liệu trình điều trị tích cực bằng thuốc ngắn so với giả dược (6 tháng) và thời gian theo dõi tương đối ngắn (2 năm) để có thể đánh giá đầy đủ sự chuyển đổi từ tổn thương da sang khớp.
Qua trình bày và phân tích các nghiên cứu, TS.BS Nguyễn Thị Hồng Chuyên kết luận, chỉ cần một mũi tên là thuốc sinh học ức chế chọn lọc IL-23p19, có thể đáp ứng nhiều mục tiêu điều trị bao gồm: kiểm soát vảy nến nhanh, hiệu quả cao, tác dụng bền vững, an toàn khi sử dụng lâu dài; hiệu quả trên nhóm nguy cơ cao; cải thiện tiên lượng liên quan bệnh lý đồng mắc.
IL-23 là một trong các “masstel regulators” trong IBD, vảy nến và viêm khớp vảy nến
Khép lại phiên báo cáo với chủ đề “Mối liên quan bệnh học của vảy nến và bệnh viêm ruột mạn, vai trò của Interleukin-23”, PGS.TS.BS Bùi Hữu Hoàng – Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, cho biết, viêm ruột mạn tính IBD là bệnh viêm mạn tính của đường ruột, gồm 2 nhóm bệnh chính là viêm loét đại tràng và bệnh Crohn.
Ở viêm loét đại tràng, thường xảy ra tình trạng viêm liên tục, không có u hạt, chỉ khu trú ở đại tràng, tình trạng viêm nông ở niêm mạc và dưới niêm mạc, hiếm khi gây rò hay hẹp ống tiêu hóa. Còn đối với bệnh crohn, thường xảy ra tổn thương nhảy cóc, có u hạt, biểu hiện rõ từ miệng tới hậu môn, tình trạng viêm xuyên thành và có thể gây rò hay hẹp ống tiêu hóa.
Vị chuyên gia chia sẻ, IBD và vảy nến có mối liên quan về sinh bệnh, bệnh học. Điều này thể hiện rõ ở vai trò của IL-23. Cụ thể, cân bằng nội môi đường ruột là sự cân bằng giữa hệ vi khuẩn thường trú, thức ăn và các chất chuyển hóa, đáp ứng miễn dịch với các vi khuẩn gây bệnh. Một số cytokine giữ nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong điều hòa tình trạng viêm ruột, bao gồm IL-23 và IL-12.
Ông cho biết thêm, viêm đại tràng được gây ra do IL-12 trong giai đoạn sớm, nhưng ở giai đoạn mạn, quá trình viêm lại chuyển hướng liên quan đến IL-23. Phát hiện này cho thấy IL-12 và IL-23 hoạt động tạm thời trong từng giai đoạn riêng biệt, kiểu 2 pha, gây viêm ruột mạn liên quan đến microbiota. Tương tự cơ chế bệnh sinh của IBD, đặc biệt ở bệnh nhân có khiếm khuyết hàng rào bảo vệ ruột.
Theo các nghiên cứu gần đây, IL-23 là một trong các “masstel regulators” trong IBD và các bệnh liên quan đến MD khác như vảy nến và viêm khớp vảy nến.
Đặc biệt, cần lưu ý, nếu thấy bệnh nhân có các triệu chứng bất thường về tiêu hóa kéo dài, nên nghi ngờ đến IBD.
Trường hợp khác, trong tình huống sử dụng IL-17, loại cytokine này có thể gây tác dụng phụ. Vì vậy, trong quá trình sử dụng, nên theo dõi các triệu chứng về tiêu hóa của người bệnh.
Qua các nghiên cứu, phó giáo sư nhận định, trong điều trị IBD, việc sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch có thể gây tổn thương da, trong đó có vảy nến. Thay vào đó, nên sử dụng Ustekinumab vì đã được nhiều nghiên cứu chứng minh là hiệu quả và an toàn trong điều trị khi bệnh nhân có vảy nến và IBD.