Các công ty mỹ phẩm liên tục đưa ra những hoạt chất mới vào sản phẩm để cải tiến và bắt kịp xu thế nên ngày càng có nhiều hoạt chất được tìm ra là có khả năng gây dị ứng.
Việc ra đời một bảng các thành phần có thể là dị nguyên rất cần thiết vì tình trạng viêm da tiếp xúc với mỹ phẩm đang ngày một tăng. Theo nghiên cứu mới đây đăng tải trên JAAD (Journal of the American Academy of Dermatology, Mỹ) trên dân số Mỹ, tình trạng này gặp ở 28,8% nam và 39,5% nữ.
Theo bác sĩ JiaDe (Jeff) Y thuộc FAAD, Trưởng khoa Bệnh Viêm da Tiếp xúc và Bệnh Da nghề nghiệp, phó giáo sư da liễu tại Đại học Massachusetts và trường Y Havard, Trưởng Hiệp hội Viêm Da Tiếp xúc Hoa Kỳ tương lai, sự hiểu biết của nhân loại về dị nguyên tiếp xúc thay đổi theo thời gian vì ngày càng có nhiều thành phần được các công ty đưa vào thị trường để bắt kịp xu hướng.
Minh chứng cho sự thay đổi này là việc giờ đây, các chất bảo quản có gốc formaldehyde ngày càng hiếm vì khả năng gây dị ứng cao và xu hướng của thị trường đang là sản phẩm “sạch”. Việc loại bỏ các thành phần này ra khỏi thị trường đồng nghĩa phải đưa ra thành phần khác như methylisothiazolinone để thay thế. Nhưng liệu nhân tố mới có thật sự ít gây dị ứng hơn khi methylisothiazolinone lại được xếp hạng là chất bảo quản gây dị ứng đứng thứ nhì trong 10 năm gần đây.
Các dị nguyên trong mỹ phẩm
Trong bài viết này, các chuyên gia về viêm da tiếp xúc dị ứng sẽ đàm luận về các dị nguyên trong mỹ phẩm mới nổi gần đây và chia sẻ những bí quyết để bác sĩ và bệnh nhân có thể hỗ trợ nhau trong việc tìm và giải quyết tình trạng dị ứng sau dùng mỹ phẩm.
Cơ quan Quản lý Thực – Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã biên soạn một danh sách gồm các thành phần có khả năng cao gây phản ứng dị ứng theo từng nhóm. Nhưng ở danh sách này, bảng thành phần chỉ nêu ra các thành phần gây dị ứng chính trong thị trường mỹ phẩm của Mỹ
Các dị nguyên nổi bật
Alkyl glucosides
Alkyl glucosides là dị nguyên nổi bật nhất vào năm 2017. Chất này được chiết xuất từ thực vật, có thể phân hủy sinh học phù hợp với tiêu chí thân thiện với môi trường nên được dùng rất nhiều trong trào lưu mỹ phẩm xanh.
Acyl glucosides có mặt trong các sản phẩm tẩy rửa như dầu gội, dầu xả, sữa tắm,.. với vai trò là chất hoạt động bề mặt, tạo sức căng nên chất này thường gây dị ứng ở những vị trí đọng sản phẩm khi rửa không kĩ như chân tóc, tai và phần dưới cổ.
Acyl glucosides là một trong những chất gây dị ứng ở nam giới nhiều hơn, có thể do khách hàng nam thường không có thói quen mua lại sản phẩm đã từng dùng như khách hàng nữ và họ có xu hướng thử nhiều loại sản phẩm hơn.
Methylisothiazolinone (MI) và Methylchloroisothiazolinone (MCI)
MI và MCI là dị nguyên nổi nhất vào năm 2013. Chất này gây dị ứng nhiều đến mức bác sĩ Christen Mowad thuộc FAAD, trưởng phòng khám viêm da nghề nghiệp và viêm da tiếp xúc của Trung tâm Y tế Geisinger, từng phát biểu rằng khi có ai hỏi ông về dị nguyên thường gặp ông sẽ nghĩ ngay đến MI và MCI.
MI và MCI là 2 chất thường được dùng riêng lẻ hay trộn vào nhau để tạo thành chất bảo quản cho các sản phẩm như dầu gội và xà bông. Ngoài ra, 2 chất này còn được tìm thất trong cặn sơn tường, hóa chất làm móng, keo dán của học sinh. Khi làn sóng tẩy chay paraben vì có tính sinh ung diễn ra, việc cấp thiết của các nhãn hàng là tìm ra chất bảo quản mới và MI được đưa vào sử dụng nhiều hơn.
Trước đó khoảng từ 10 -15 năm, MI và MCI đã được dùng ở dạng hỗn hợp để làm chất bảo quản cho mỹ phẩm. Hỗn hợp MI/MCI cũng không hề có mặt trong danh sách dị nguyên của FDA. Nhưng khi phát hiện MCI có khả năng cao gây dị ứng, các nhà khoa học đã quyết định loại MCI ra khỏi hỗn hợp để giảm thiểu nguy cơ.
MI riêng lẻ lại có tính bảo quản yếu nên muốn phát huy được công năng, các nhà điều chế bắt buộc phải tăng nồng độ MI. Và từ đó, số ca dị ứng vì MI bắt đầu tăng dần. Hiện MI đang là chất gây dị ứng thường gặp thứ 2 ở Mỹ.
Lanolin
Điều đáng ngạc nhiên là một chất tưởng chừng như rất an toàn, tự nhiên (chiết xuất từ tuyến dầu của cừu), chất thay thế hoàn hảo cho pertroleum (dầu khoáng) và đã được đưa vào thị trường từ rất lâu, có mặt trong các sản phẩm không cần kê đơn như lanoin lại là dị nguyên nổi bật của năm nay, năm 2023. Có lẽ vì sự ngày càng được sử dụng nhiều nên trong 10 năm trở lại đây, số ca dị ứng vì lanolin tăng lên đáng kể.
Linalool và limonene
Rất nhiều người nhạy cảm với hương liệu và có những loại hương liệu có khả năng gây khó chịu cao hơn các loại khác, linalool (tạo hương lavender) và limonene (hương cam chanh) là 2 hương liệu đang được bàn đến nhiều nhất vì khả năng gây dị ứng, viêm da tiếp xúc khá cao.
Nhưng không giống nước hoa, chất tạo mùi trong mỹ phẩm thường chỉ được ghi trong bảng thành phần với cái tên chung là hương liệu (fragrance) chứ không ghi rõ ra từng loại nên việc xác định dị ứng mỹ phẩm vì hương liệu rất khó khăn.
Việc làm test áp da (patch test) khi bị dị ứng giúp bệnh nhân tìm được nguyên nhân gây dị ứng, nguyên nhân này đến từ đâu, nó tên gọi là gì, làm sao để tránh được và tìm ra được sản phẩm an toàn thay thế cho dị nguyên thông qua cơ sở dữ liệu đã có sẵn.
Bảng dữ liệu bác sĩ Mowad thường dùng nhất là dữ liệu từ chương trình quản lý dị nguyên tiếp xúc (Contact Allergen Management Program_ CAMP) quản lý bởi Hiệp hội Viêm da Tiếp xúc Mỹ (American Contact Dermatitis Society).
Dấu hiệu chẩn đoán viêm da tiếp xúc miễn dịch (allergic contact dermatitis _ACD)
Theo các chuyên gia, một số biểu hiện có thể gợi ý bệnh nhân viêm da tiếp xúc miễn dịch với sản phẩm đang dùng. Những người này thường xuyên phát ban ở một vài vị trí đặc biệt và giảm dần theo thời gian. Các vị trí thường gặp là mí mắt, môi, cổ, da đầu, tay, chân.
Viêm da tay thường gặp ở những người làm việc trong môi trường ẩm ướt, làm dịch vụ thẩm mỹ hay nhân viên y tế. Viêm da vùng mặt, viêm da môi, viêm da mí mắt thường gặp khi dùng các sản phẩm trang điểm như mascara, son môi hay dùng thuốc nhỏ mắt. Ngoài ra, gần đây, có một số bệnh nhân viêm da tiếp xúc quanh miệng do dùng keo ong.
Tình trạng viêm da tiếp xúc dị ứng được điều hòa bởi tế bào T, tế bào mast không chứa histamine nên có thể cần đến từ 24-72 giờ mới xuất hiện triệu chứng đầu tiên. Điều này gây khó khăn trong việc xác định tác nhân gây dị ứng. Có thể bệnh nhân bị ACD do tiếp xúc với những sản phẩm đã dùng từ trước đó mấy ngày chứ không phải sản phẩm đang dùng ngày hôm đó.
Và thậm chí nếu có nghi ngờ đúng 1 sản phẩm gây dị ứng cũng không biết là cụ thể hóa chất nào gây dị ứng vì 1 sản phẩm có rất nhiều thành phần trong đó. Bệnh nhân có thể đổi sản phẩm khác nhưng có thể hóa chất trong sản phẩm mới vẫn có chứa chất gây dị ứng giống sản phẩm cũ. Từ đó, bệnh nhân dễ nhận định mình thuộc loại da mẫn cảm.
Cách xác định nguyên nhân gây viêm da tiếp xúc dị ứng
Hỏi bệnh trong chẩn đoán ACD rất quan trọng. Bác sĩ Mowad thường hỏi bệnh nhân về những sản phẩm họ dùng, thời gian dùng. Ngoài ra ông còn hỏi về nghề nghiệp bệnh nhân, thói quen của họ, họ có thích các hoạt động thủ công, có chăm sóc người khác, có thoa các sản phẩm có thể gây dị ứng cho người già hay thú cưng không. Những câu hỏi này có thể không xác định được chính xác thành phần hóa chất gây dị ứng nhưng có thể giúp ta chọn lọc hơn khi dùng test áp da.
Bác sĩ Zippin thường hỏi về những hóa chất mà bệnh nhân tiếp xúc mỗi ngày. Nếu là nữ, ông sẽ hỏi về cách họ sơn móng tay, cách nhuộm tóc; nếu là nam ông sẽ hỏi bệnh nhân sống với ai, người đó dùng những mỹ phẩm nào vì từng có bệnh nhân bị phát ban vùng mặt vì sản phẩm dùng cho tóc của vợ lưu trên gối.
Dù bác sĩ và bệnh nhân có thể lựa chọn được ra các sản phẩm nghi ngờ gây ACD thông qua bệnh sử nhưng vẫn phải thực hiện test áp da để xác định lại vì những nguyên nhân sau:
- Có thể bệnh nhân dị ứng không chỉ 1 mà nhiều sản phẩm. Việc tìm ra thành phần chung của nhiều sản phẩm đó cũng giúp ích cho quá trình xác định được chính xác thành phần gây dị ứng. Ngoài ra, khi nghi ngờ 1 sản phẩm nào đó, bệnh nhân có xu hướng không để tâm đến các sản phẩm khác nên sản phẩm bệnh nhân nghi ngờ thường cho kết quả âm tính với test áp da.
- Với những bệnh nhân nói rằng họ chỉ dùng 1 sản phẩm mới trong thời gian gần đây thì vẫn cần thực hiện test áp da vì thành phần gây dị ứng trong sản phẩm mới dùng có thể hiện diện trong sản phẩm họ đã dùng, nhưng ở nồng độ thấp. Việc dùng thêm sản phẩm mới trùng hợp như giọt nước làm tràn li, gây dị ứng.
Tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán ACD _ Test áp da
Các test áp da thường dùng như Thin-Layer Rapid Use Epicutaneous Test (T.R.U.E. Test), American Contact Dermatitis Society (ACDS) Core Allergen Series hay North American Contact Dermatitis Group (NACDG) Standard Series đều ít thay đổi dị nguyên kịp với các nguyên liệu mới được đưa vào thị trường nên thường trong test thường có thêm các bảng trống không chứa dị nguyên để đánh giá thêm cho bệnh nhân.
Thử càng nhiều dị nguyên thì kết quả đưa ra sẽ càng chính xác. Thường bác sĩ Zippin sẽ kiểm tra từ 115 đến 120 dị nguyên cho mỗi bệnh nhân. Ông thường dùng bảng test của North American Contact Dermatitis Group nhưng tùy theo bệnh sử, ông sẽ thêm các ô dị nguyên mới cho bệnh nhân.
Bác sĩ Mowad cũng đồng ý rằng bệnh sử góp phần rất lớn vào việc xác định dị nguyên. Nếu bệnh nhân là người bán hoa, bác sĩ sẽ phải lựa chọn bảng dị nguyên liên quan tới hoa, nếu bệnh nhân là thợ làm móng thì dị nguyên được kiểm tra nên có các loại acrylate.
Không chỉ nghề nghiệp, mà sở thích hay thói quen cũng góp phần rất lớn trong việc tạo ra các bảng kiểm tra dị nguyên. Đối với những bệnh nhân có thói quen dùng nước hoa hay chất tạo mùi, phải dùng các bảng dị nguyên chứa hương liệu như Fragrance Mix I, Fragrance Mix II và trong tương lai sẽ còn các bảng mới được tạo vì các dị nguyên mới như linalool, limonene đã được xác định là nguyên nhân gây dị ứng ở khá nhiều trường hợp.
Cách thức quản lý hiệu quả ACD
Trong giai đoạn cấp, nên dùng các sản phẩm thoa chứa steroid, chất ức chế calcineurin, crisaborole hay ruxolitinib để làm giảm triệu chứng. Nếu cần thiết, bác sĩ có thể cân nhắc dùng steroid đường uống.
Khi đã lui bệnh, cách tốt nhất để không bị ACD lại là không tiếp xúc lại với dị nguyên đó nữa. Nhưng trách nhiệm của các bác sĩ không chỉ dừng lại ở việc tìm ra dị nguyên để bệnh nhân tránh mà còn phải giúp bệnh nhân biết sản phẩm nào họ nên dùng và sản phẩm nào không. Vì vậy, các bác sĩ nên sử dụng nguồn dữ liệu từ CAMP sau khi xác định dị nguyên bằng test áp da để đưa ra các hướng dẫn phù hợp cho từng bệnh nhân cụ thể.
Nguồn: https://www.aad.org/dw/monthly/2023/september/feature-cosmetic-conundrums