Tiêm chất làm đầy là một trong những thủ thuật làm đẹp phổ biến, đơn giản, vừa hiệu quả lại có chi phí thấp. Tuy nhiên, trước khi thực hành tiêm chất làm đầy, không thể bỏ qua những lưu ý dưới đây để khỏi “tiền mất, tật mang”.
Chất làm đầy giúp nâng mô hay căng da
Chất làm đầy (tiếng Anh gọi là Filler) được phân loại thành rất nhiều chất khác nhau, tuy nhiên chất làm đầy được sử dụng nhiều nhất có cấu tạo từ Axit hyaluronic, giống như một chất có tự nhiên tồn tại trong cơ thể người, có cấu trúc tương tự nhau ở tất cả các loại sinh vật nên giảm thiểu tối đa phản ứng dị ứng khi tiêm vào cơ thể.
Sau khi tiêm chất làm đầy vào cơ thể, chất này sẽ lập tức tạo thành một khối mô dày dưới nếp nhăn hoặc vùng cần nâng để làm căng da xóa nếp nhăn mà không gây đau đớn.
Nhờ khả năng lưu giữ độ ẩm, axit hyaluronic có nhiệm vụ mang lại làn da căng mọng và ngậm nước. Chất làm đầy axit hyaluronic là một chất giống như gel tạo ra thể tích trong da. Sau khi tiêm, chúng bắt đầu tích hợp vào thành phần của da, hút các phân tử nước và làm ẩm các mô xung quanh.
Trước đây, chất làm đầy được sử dụng để điều trị các nếp nhăn tĩnh trên gương mặt nhằm ngăn chặn các dấu hiệu lão hóa… Gần đây, chất làm đầy còn được sử dụng để nâng cao và cải thiện các đường nét trên khuôn mặt như tạo xương gò má sắc nét hơn, đường viền hàm rõ ràng và mũi thẳng hơn.
Ngoài ra, chất làm đầy còn có thể được sử dụng trên các bộ phận khác của cơ thể như vùng kín, cổ và tay để trẻ hóa làn da sần sùi.
Chất làm đầy khác với Botox, cả hai đều được sử dụng để điều chỉnh hoặc ngăn ngừa các dấu hiệu lão hóa, nhưng cách dùng lại khá khác nhau.
Trong khi chất làm đầy thường được sử dụng để tăng thêm khối lượng và làm đầy đặn vùng khuyết lõm, xóa các nếp nhăn tĩnh, Botox (tên thương hiệu của độc tố botulinum) hoạt động bằng cách tạm thời chặn các tín hiệu thần kinh trong các cơ nơi nó được tiêm để hạn chế chuyển động và điều trị các nếp nhăn khi cử động.
Thông thường để thực hiện mỗi ca tiêm chất làm đầy, bệnh nhân sẽ trải qua khoảng 30-45 phút được thoa tê, sau đó bác sỹ sẽ tiến hành tiêm thuốc trong 10 – 15 phút, đưa chất làm đầy vào vùng cần điều trị căng da, xóa các nếp nhăn tĩnh hoặc tạo hình.
Những lưu ý khi tiêm chất làm đầy để làm đẹp
Chất làm đầy được dùng để độn cằm hoặc tạo xương gò má sắc nét hơn, hoặc tiêm tạo hình môi hay làm mũi thẳng hơn… Đây là những dịch vụ thẩm mỹ được nhiều chị em lựa chọn. Thời gian phát huy hiệu quả của chất làm đầy được sử dụng thường giao động từ 6 tháng đến 2 năm.
Thực tế, phương pháp làm đẹp bằng chất làm đầy chỉ đem lại hiệu quả cho những người đã có cấu trúc vùng cần tiêm đã tương đối hài hòa, chỉ cần đường nét sắc sảo hơn. Ngược lại nếu cấu trúc vùng cần tiêm quá thô, to bè… mà cố tiêm chất làm đầy sẽ không mang lại hiệu quả như ý muốn.
Vì lý do này, trước khi thực hiện tiêm chất làm đầy nên:
- Thăm khám, tư vấn ở với các bác sĩ chuyên khoa để cân nhắc những ưu điểm khuyết điểm của phương pháp điều trị cũng như loại chất làm đầy sẽ sử dụng.
- Cần hiểu rõ về dịch vụ và chọn nơi thực hiện. Chú ý đến nơi có uy tín, có bác sĩ tay nghề cao, và có chứng chỉ hành nghề theo pháp luật.
- Sau khi đã hiểu và chọn được nơi ưng ý, cần chuẩn bị thời gian, tiền bạc cũng như bồi bổ sức khỏe của bản thân.
- Đặc biệt quan tâm đến tính an toàn của dịch vụ, bản thân cần tuân thủ đúng những hướng dẫn mà bác sĩ, kể cả trước và sau khi tiêm chất làm đầy. Giống như dùng thuốc, phải chú ý đến nguồn gốc, chất lượng cũng như hạn sử dụng của chất làm đầy. Tuyệt đối không dùng chất làm đầy đã mở hộp trước hoặc không có tem nhãn xuất xứ.
- Nên tái khám nếu xuất hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào sau khi tiêm chất làm đầy như sưng nhiều, đau nhiều, hay thay đổi màu sắc, dị cảm ở vùng tiêm hoặc vùng lân cận cằm.
- Để hạn chế sự cố, nên tránh va chạm mạnh ở vùng vừa được tiêm chất làm đầy. Tránh massage, xông hơi nóng cũng như tì đè… trong tuần đầu tiên sau khi tiêm hoặc sờ nắn lên vùng được tiêm chất làm đầy.
- Giữ vệ sinh vùng da vừa được tiêm chất làm đầy, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời và nhiệt độ quá lạnh để hạn chế biến chứng nguy hiểm, nhất là nguy cơ biến dạng, viêm nhiễm.