Nếu cha mẹ bị bệnh chàm, hen suyễn hoặc dị ứng theo mùa, con cái có nhiều khả năng bị các bệnh này. Khoa học hiện đang nghiên cứu mối quan hệ giữa các bệnh này để giúp con người kiểm soát bệnh tốt hơn.
Bệnh chàm là gì?
Eczema hay chàm là thuật ngữ chung để chỉ một số tình trạng da khác nhau. Nhưng phần lớn là đề cập đến một bệnh da phổ biến được gọi là viêm da dị ứng, gây tổn thương hồng ban, ngứa và khô da. Nếu gãi, có thể bắt đầu chảy nước và đóng vảy tiết theo thời gian khiến da trở nên dày và lichen hóa.
Hầu hết những người bị bệnh chàm đều mắc bệnh khi còn nhỏ khoảng 60 % sẽ xuất hiện trong những năm đầu đời, 30% trong 5 năm đầu và chỉ có 10% phát bệnh từ 6 – 20 tuổi; đến tuổi 5 hoặc 6 có sự cải thiện về triệu chứng bệnh. Một số vẫn tồn tại bệnh cho đến tuổi trưởng thành nhưng thường có xu hướng biểu hiện triệu chứng nhẹ hơn và rất hiếm gặp bệnh nhân phát bệnh chàm khi trưởng thành.
Trung bình cứ 5 người có 1 người bị chàm vào một thời điểm nào trong cuộc đời, do nhiều nguyên nhân khác nhau. Chàm có nhiều dạng khác nhau, cấp tính hay mạn tính hoặc đôi khi kết hợp cả hai.
Mối liên quan giữa Eczema và bệnh dị ứng
Phần lớn các loại bệnh chàm không phải là dị ứng. Tuy nhiên, bệnh có thể bùng phát khi chúng ta tiếp xúc tác nhân gây ra phản ứng dị ứng. Hệ thống miễn dịch của cơ thể có phản ứng quá mức với những chất gây dị ứng, tuy không có hại. Đôi khi bị nổi mề đay, ngứa, sưng tấy, hắt hơi và chảy nước mũi.
Các chất gây dị ứng bao gồm: mạt bụi nhà, phấn hoa, lông thú – vật nuôi và một số loại thực phẩm… Trẻ em bị chàm cũng có nhiều khả năng bị dị ứng thức ăn, chẳng hạn như trứng, các loại hạt hoặc sữa… Các chất gây dị ứng thường làm cho các triệu chứng chàm trở nên tồi tệ hơn đối với trẻ em nhưng lại không phải đối với người lớn.
Trước đây, các nhà khoa học cho rằng tất cả các loại bệnh chàm đều do dị ứng, nhưng qua nhiều nghiên cứu chuyên sâu gần đây cho thấy, mối liên quan này phức tạp hơn nhiều và do nhiều nguyên nhân, trong đó có cả yếu tố di truyền do gene gây ra.
Cụ thể, một số người mắc bệnh này có một lỗ hổng gene gây thiếu một loại protein, có tên filaggrin trong da. Protein filaggrin là một loại protein có vai trò lớn trong việc giữ ẩm cho da giúp hình thành lớp bảo vệ bên ngoài da và ngăn chặn vi trùng và mầm bệnh thâm nhập. Thiếu filaggrin sẽ làm khô và yếu hàng rào bảo vệ da dẫn đến da dễ bị kích ứng, như xà phòng và chất tẩy rửa và một số chất gây dị ứng có trong thực phẩm.
Nhiều nghiên cứu gần đây còn phát hiện những người bị bệnh chàm có sự phá vỡ trong cấu trúc da khi đó sẽ xuất hiện những khoảng trống nhỏ trên da khiến da nhanh chóng bị khô tạo điều kiện vi trùng và chất gây dị ứng xâm nhập vào cơ thể dễ dàng hơn. Khi các chất dị ứng xâm nhập da sẽ thúc đẩy cơ thể tạo ra các chất hóa học gây hiện tượng đỏ và sưng còn được gọi là viêm. Điều này giúp giải thích tại sao những người bị bệnh chàm hay bùng phát khi họ ở xung quanh các chất gây dị ứng.
Những người bị bệnh chàm thường có nồng độ IgE (Immunoglobulin E), một loại kháng thể đóng vai trò trong phản ứng dị ứng của cơ thể, cao. Khoa học hiện đang nghiên cứu để tìm hiểu lý do tại sao những người có thương tổn trên lại có nồng độ IgE cao trong máu và vai trò thực sự của chúng trong bệnh này
Bí quyết kiểm soát bệnh chàm
Để kiểm soát bệnh chàm, mọi người cần dưỡng ẩm hàng ngày và uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ và tránh các tác nhân gây dị ứng.
Một số mẹo nhỏ khác giúp tìm hiểu về bệnh bao gồm: Viết nhật ký về bệnh chàm như bị chàm ở đâu, khi nào, đặc biệt là khi các triệu chứng bùng phát…. Điều này giúp tìm ra những tác nhân gây dị ứng và bạn có thể chia sẻ nhật ký với bác sĩ trong các cuộc hẹn khám da liễu hoặc thẩm mỹ da để có cách điều trị thích hợp và nhằm loại bỏ tác nhân gây dị ứng.
Tránh xa những thứ gây kích ứng da như len dạ, xà phòng và chất tẩy rửa, nước hoa, hóa chất, cát và khói thuốc lá…
Tránh các tác nhân gây dị ứng như phấn hoa, nấm mốc, lông thú – vật nuôi, mạt bụi nhà và các chất khác có nguy cơ gây bùng phát bệnh chàm.