Thời tiết TPHCM những ngày này rất oi bức. Nắng nóng khiến mồ hôi tiết ra nhiều, các loại vi khuẩn gây hại có điều kiện để phát triển, từ đó gây ra nhiều bệnh viêm nhiễm cấp tính.
Đừng chủ quan với lẹo mắt
Những ngày qua, tiến sĩ, bác sĩ Trần Đình Minh Huy – giảng viên bộ môn mắt Trường đại học Y Dược TPHCM – thường xuyên khám và tư vấn cho các trường hợp liên quan tới lẹo mắt, chắp mắt. Bé T.N.T.A. (11 tuổi, ngụ tại quận 7) bị sưng vù mí mắt dưới bên trái, kèm có mủ. Mẹ bé kể, đang đi làm, chị nhận được điện thoại của cô giáo yêu cầu đến đón con về. Con kêu đau nhức, nhìn vướng, rất khó chịu nên không thể học tiếp. Bé A. được xác định bị lẹo mắt. Bác sĩ đã chỉ định thuốc bôi, chườm ấm và khuyên bé không được dụi mắt. Sau 3 ngày bôi thuốc, mắt của A. đã hết sưng đau.
Nhiều trường hợp khác cũng bị lẹo mắt nhưng do gia đình điều trị theo lối dân gian đã khiến mí mắt bị bội nhiễm, áp xe. Đó là trường hợp của bé trai P.T.P. (9 tuổi, ngụ tại huyện Bình Chánh) bị lẹo mắt nhưng bà nội không đưa đi khám mà lấy chỉ cột đầu ngón tay, giã lá đắp lên mí mắt. Điều này đã khiến bé bị bội nhiễm, viêm nhiễm lan tỏa vùng mi mắt.
Khoa Mắt của Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) cho biết những ngày qua cũng thường xuyên ghi nhận bệnh nhi tới khám vì lẹo mắt. Một số trường hợp tự điều trị sai cách bị biến chứng lẹo vỡ gây sẹo co rút ở bờ mi hoặc nhiễm trùng bề mặt giác mạc.
Theo bác sĩ Minh Huy, lẹo mắt là tình trạng nhiễm trùng cấp tính có tạo mủ của tuyến bờ mi mắt, đặc trưng bởi đau đỏ khu trú tại vùng mi mắt. Đây là hậu quả của tình trạng tắc nghẽn tuyến bờ mi mắt với các yếu tố thúc đẩy như tình trạng nắng nóng gây tăng sinh vi trùng khu trú tại bờ mi, làm các dịch tiết bờ mi đặc quánh hơn. Ngoài ra, việc ăn, uống các loại thực phẩm có nhiều đường cũng được cho là yếu tố liên quan tới lẹo mắt. Đặc biệt, nếu lẹo tái phát nhiều lần, cùng vị trí, xuất hiện trên bệnh nhân lớn tuổi là gợi ý dấu hiệu ung thư vùng mi mắt.
Mắc bệnh ngoài da, người tiểu đường dễ trở nặng
ThS.BS Nguyễn Phương Thảo, Khoa Da liễu – Thẩm mỹ da Bệnh viện Đại học y dược TPHCM, cũng cảnh báo số bệnh nhân tới khám liên quan tới các vấn đề về da do thời tiết nắng nóng tăng 40% so với thông thường. Trời nóng khiến da tăng tiết bã nhờn. Đây là điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật, nấm sinh sôi tại các vùng da có nếp gấp. Các bệnh về da mùa nắng nóng hiện đang tăng là viêm nang lông, mụn nhọt, nhiễm nấm.
Một điểm nữa bác sĩ Thảo muốn cảnh báo là nguy cơ nhiễm trùng khi mắc bệnh ngoài da mùa nắng nóng trên nhóm người bị đái tháo đường, người tai biến không tự chủ được sinh hoạt cá nhân. Ngày 14/4, bác sĩ đã tiếp nhận anh N.Đ.H. (30 tuổi, cư trú tại tỉnh Long An) bị nhọt ở cằm, tự mua thuốc bôi, uống kháng sinh mà tình trạng không thuyên giảm. Cục nhọt ngày càng sưng to, có mủ, làm biến dạng cả vùng môi dưới. Khi khám cho anh H., bác sĩ nghi anh bị đái tháo đường, bởi với một người khỏe mạnh, không lý nào một vết sang thương lại khó lành như vậy.
Kết quả xét nghiệm máu như dự đoán. Chỉ số đường huyết của anh H. cao tận 300 mg/dl (người bình thường là 70-100 mg/dl). Trong số các trường hợp mắc bệnh viêm nhiễm ngoài da mùa nắng nóng đến khám, bác sĩ Thảo ước tính 30% bị đái tháo đường.
Bác sĩ Thảo cũng mới khám cho một cụ bà (75 tuổi, ngụ tại quận Tân Bình) bị nhiễm nấm vùng bẹn, nách. Tại vùng da có nếp gấp (bẹn, nách) của bệnh nhân nổi hồng ban và xuất hiện mụn nước, các vết trợt loét. Con cái đã mua thuốc bôi nhưng tình trạng không thuyên giảm, những vùng da này ngày càng chảy dịch, sưng đỏ. Cụ bà bị tai biến, liệt nửa người nên phải đóng tã, tất cả hoạt động đều cần có sự trợ giúp.
Qua đó, bác sĩ lưu ý gia đình bệnh nhân bị tai biến nói riêng và những người hạn chế vận động không thể tự xoay trở nói chung cần chú ý vấn đề vệ sinh. Phải giữ các vùng da nhạy cảm của bệnh nhân luôn sạch sẽ, khô thoáng để hạn chế bị hăm, nhiễm nấm trong những ngày nắng nóng.
Nguồn
Mùa nóng, các bệnh viêm nhiễm tăng mạnh – Báo Phụ Nữ (phunuonline.com.vn)