Mụn cơm, hạt cơm hay nhiều người còn gọi là hột cơm, mụn cóc… là bệnh ngoài da thường gặp. Do virus papilloma gây u nhú ở người (HPV) gây ra, dễ lây, và đôi khi tan biến sau vài tuần hoặc vài năm.
Mụn cơm là bệnh gì?
Mụn cơm (wart) là một sẩn sừng sần sùi, trắng, nhỏ, thường mọc trên da bàn tay hay bàn chân, trông giống một chùm súp lơ nhỏ. Mụn cóc rất phổ biến, do virus gây u nhú Papovavirus (Human Papilloma Virus) thuộc nhóm HPV gây ra, dễ lây, mọc tràn lan, và thường tan biến sau vài tuần hay vài năm.
HPV có trên 100 type, mỗi type gây bệnh liên quan tới một vùng da và một tổ chức riêng biệt. HPV gây bệnh mụn cơm thuộc type papova virus có gene di truyền DNA, thường là các type 6 và 11, đôi khi còn có type 16, 18, 31 và 33. HPV gặp ở cả nam lẫn nữ, độ tuổi 20-45, nhất là nhóm người có mối quan hệ sex với nhiều người, gái mại dâm…; lây lan chủ yếu qua đường tình dục, còn có thể lây truyền qua tiếp xúc.
Trẻ sơ sinh có thể bị lây bệnh từ người mẹ mắc bệnh trong lúc sinh đẻ, suy giảm miễn dịch, đa số kèm với các bệnh hoa liễu khác. Thời gian ủ bệnh từ 1 – 3 tháng.
Bệnh có thể phân loại loại, gồm: mụn cơm thông thường (verruca vulgaris, wart), mụn cơm phẳng (verruca plana), mụn cơm lòng bàn chân (verruca), mụn cơm vùng sinh dục (Condyloma acuminatum, Verruca acuminata, genital warts) hay còn gọi là sùi mào gà.
Trong các loại này, mụn cơm thông thường và mụn cơm phẳng là 2 dạng thường gặp nhất. Mụn cơm thường có thể nhận diện lúc đầu là xuất hiện các nốt sần nhỏ, giống màu da, bề mặt mụn sần sùi thô ráp, cứng, chắc, nhô cao hơn so với bề mặt da xung quanh.
Còn mụn cơm phẳng xuất hiện do HPV type 3, 10, 28 và 49 gây nên. Loại này có biểu hiện là xuất hiện những sẩn dẹt, phẳng, chỉ hơi gờ nhẹ trên mặt da, không sần sùi nhiều như hạt cơm thông thường, kích thước mụn nhỏ, chỉ từ 1mm đến 5mm.
Mụn có dạng hình tròn hoặc đa giác, màu như màu da hoặc hơi ngả vàng xám, ranh giới rõ. Vị trí mụn cơm phẳng thường gặp là ở mặt, mu tay, cẳng tay, cẳng chân và phần trên của ngực.
Mụn cơm là bệnh dễ lây, có thể trực tiếp khi tiếp xúc với da qua vết xước hoặc cào, gãi hoặc lây nhiễm virus có thể gián tiếp qua các vật dụng bị nhiễm như các dụng cụ cầm tay, đi chung giày dép, dùng chung đồ sinh hoạt, chung hồ bơi hay nhà tắm công cộng…
Những người bị suy giảm miễn dịch như bị bệnh AIDS, ghép tạng… sẽ dễ bị mụn cơm nhiều và lan rộng hơn. Bệnh mụn cơm tuy không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng nếu không được điều trị sớm, để lâu mụn cơm sẽ mọc nhiều, lan rộng.
Điều trị chung
Keratolysis: Đây là giải pháp loại bỏ những tế bào da chết trên bề mặt, sử dụng salicylic acid, sử dụng chất tăng cường hệ miễn dịch (immunomodulators), hoặc formaldehyde. Cryosurgery, làm tê liệt hột cơm (thường với dung dịch nitrogen), tạo nên một nốt phỏng giữa hột cơm và tầng biểu bì, sau đó hột cơm và vùng da xung quanh chết đi và tự rơi ra. Ngoài ra có phẫu thuật cắt bỏ mụn cơm.
Dùng nitrogen lỏng, phương pháp này hữu hiệu đối với những loại mụn cơm khô trên mặt, mu bàn chân hay dương vật. Đối với các hạt cơm ở lòng bàn chân người ta còn có thể điều trị bằng cách cắt mụn cơm, sau đó bôi acid salicylic 40% rồi băng lại. Băng trong khoảng 5 ngày rồi bỏ đi, liên tục thực hiện như thế trong hàng tuần hoặc cả tháng để điều trị dứt điểm mụn cơm.
Phương pháp này được đánh giá là an toàn, hiệu quả và hầu như không có tác dụng phụ gây ra cho người mắc. Ngoài ra còn có thể dùng kem hoặc gel đặc trị để bôi lên mụn cơm.
Liệu pháp laser CO2, một trong những phương pháp điều trị mụn cơm được nhiều người lựa chọn để loại bỏ mụn hạt cơm do phương pháp này hiệu quả cao, trị dứt điểm mụn hạt cơm, vị trí mọc mụn cơm ở dưới móng, mụn cơm mọc ở gan bàn chân. Với những vị trí nhạy cảm, mụn to, lan nhiều, bệnh nhân không được tự ý điều trị bằng phương pháp dân gian mà nên đến các bệnh viện chuyên khoa da liễu để được kiểm tra, điều trị một triệt để, hiệu quả.
Để phòng tránh bị mụn hạt cơm, cần tránh tiếp xúc, không nên cào hay giật mụn vì nó sẽ gây tổn thương, nhiễm khuẩn dễ tái phát. Vệ sinh cá nhân thật sạch sẽ, ăn uống phải đảm bảo vệ sinh, đầy đủ các chất dinh dưỡng. Nếu từng bị mụn cơm, đừng tự ý điều trị, tốt nhất cần tới các cơ sở y tế uy tín để được khám và điều trị sớm, đúng cách.