Nấm móng là căn bệnh thường gặp ở những người thường xuyên tiếp xúc với nước. Tổn thương móng làm thay đổi hình dạng móng, thậm chí còn gây viêm nhiễm sưng mủ mô mềm quanh móng, ảnh hưởng đến công việc, suy giảm chất lượng cuộc sống người bệnh.
Bệnh nấm móng
Nấm móng là nhiễm trùng móng có thể gây ra do nấm sợi hoặc nấm men. Người bệnh thường mắc bệnh ở một hoặc vài ngón, ít khi bị tất cả các ngón. Móng có xu hướng biến đổi hình dạng, màu sắc, trở nên giòn dễ gãy. Tuỳ theo tác nhân gây bệnh mà biểu hiện lâm sàng và điều trị sẽ khác nhau. Thực tế hay gặp là nấm móng do nấm sợi và nấm móng do Candida.
Các yếu tố làm thuận lợi cho nhiễm nấm móng bao gồm: đái tháo đường, béo phì, có bệnh lý suy giảm miễn dịch, bệnh lý ác tính, người già, mang tất hoặc găng tay chật và bí, ra mồ hôi tay – chân nhiều và các bệnh lý có thể gây tổn thương vùng da quanh móng (viêm da cơ địa, vảy nến,…).
Bệnh có lây truyền thông qua tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp thông qua vật dụng dùng chung như mang chung giày dép, đi chân đất trong nhà hay trong phòng tắm. Do đó, khi thăm khám thường phải kết hợp kiểm tra các kẽ ngón chân, tìm dấu hiệu ẩm ướt kẽ ngón kèm hồng ban bong vảy.
Bệnh nấm móng do nấm sợi
Thường hay gặp ở nam giới nhiều hơn nữ giới và xu hướng đi kèm với nấm bàn chân, nấm thân do đó tổn thương móng chân gặp nhiều hơn móng tay. Móng thường trở nên vàng, bờ tự do của móng dày, giòn, dễ gãy và tách khỏi phần giường móng bên dưới.
Tổn thương nấm móng do nấm sợi cũng có thể dễ nhầm với tổn thương móng trong bệnh vảy nến, tuy nhiên vảy nến móng thường đi kèm với ban da, và thường bị nhiều ngón cùng lúc hoặc tất cả các ngón.
Bệnh nấm móng do Candida
Hay gặp ở phụ nữ, đặc biệt những người làm phải đụng tay vào nước nhiều như nấu ăn, làm việc nhà, nuôi trồng – buôn bán thuỷ hải sản,… Nấm móng do Candida thường khởi đầu ở vùng gốc móng và thương gây viêm da quanh móng. Da trở nên khô, tách khỏi bề mặt móng do đó càng tạo điều kiện cho các tác nhân bên ngoài xâm nhập sâu vào trong gốc móng. Hậu quả gây nhiễm trùng vùng quanh móng với sưng nề, đau nhức và tụ mủ.
Bản móng không còn trơn láng, thường xuất hiện các đường lằn ngang màu đen, móng gồ ghề. Có thể một hoặc nhiều móng cùng bị. Bệnh có thể bị đơn độc hoặc có thể tồn tại đồng thời do bội nhiễm nấm ở bệnh nhân vảy nến có tổn thương da quanh móng, tổn thương móng và sử dụng thuốc thoa có chứa corticoid hoặc bệnh nhân chàm, viêm da tiếp xúc.
Bệnh nấm móng: Chẩn đoán và giải pháp khắc phục
Để chẩn đoán nấm móng, bên cạnh khám lâm sàng, chúng ta cần phải làm xét nghiệm soi tìm nấm. Đây là xét nghiệm đơn giản, nhanh và khá tin cậy. Cần lưu ý đối với những bệnh nhân đã có thoa thuốc tự điều trị trước đó có chứa thành phần kháng nấm hoặc thuốc không rõ loại, nên thực hiện xét nghiệm 5 – 7 ngày sau khi cho người bệnh ngưng các loại thuốc trên. Đối với bệnh nhân có sơn móng tay – móng chân, cần yêu cầu người bệnh tẩy sạch lớp sơn để bác sĩ thăm khám kĩ càng và chính xác.
Điều trị nấm móng phụ thuộc vào vị trí và mức độ bệnh, trung bình mất từ 3 đến 6 tháng mới mang lại hiệu quả. Việc dùng thuốc phải bắt buộc tuân thủ theo đơn bác sĩ bởi vì thuốc có các tác dụng phụ cần được theo dõi bao gồm thuốc chống nấm dạng uống kết hợp với bôi. Thuốc kháng nấm đường uống thường được sử dụng là terbinafine và itraconazole. Các loại thuốc bôi thông dụng là terbinafine, ciclopirox olamin, clotrimazole, miconazole…
Nếu có nhiễm trùng da quanh móng kèm theo, bệnh nhân phải sử dụng thêm kháng sinh để điều trị. Bên cạnh đó, để giúp hạn chế sự phát triển của nấm chúng ta có thể dùng giấm ăn pha loãng để ngâm tay – chân hàng ngày trong thời gian điều trị, sau đó ngâm hàng tuần để dự phòng tái phát. Đây là biện pháp đơn giản, rẻ tiền mà lại rất hiệu quả.
Lưu ý người bệnh về những điều cần hạn chế như giữ khô tay – chân, hạn chế chất tẩy rửa, hạn chế mang giày chật, bí hơi; găng tay, tất chân cần được thay hoặc vệ sinh thường xuyên sau khi sử dụng, hong khô nơi thoáng gió.