Mặc dù không gây đau đớn nhưng bệnh vảy nến ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ và tâm lý. Đây là bệnh da liễu ngày càng phổ biến, biết được nguyên nhân bệnh vảy nến sẽ giúp phòng ngừa hiệu quả.
Thông thường, các tế bào da cũ sau khi chết đi sẽ bong ra và được thay thế bởi các tế bào da mới. Khi người bệnh mắc bệnh vảy nến, sẽ xuất hiện hiện tượng tăng sinh tế bào, làm cho quá trình trên diễn ra nhanh gấp 10 lần. Lúc này, các tế bào da cũ và mới không kịp thay đổi, tích tụ lại một chỗ tạo thành những mảng dày, có vảy trắng hoặc bạc.
Nguyên nhân bệnh vảy nến là gì?
Mặc dù chưa tìm ra chính xác nguyên nhân bệnh vảy nến nhưng tác động của gien và yếu tố môi trường được xem là nguyên nhân gây bệnh.
Bệnh có liên quan đến rối loạn đáp ứng miễn dịch qua trung gian tế bào và dấu ấn của cytokine, các chất tiền viêm. Theo đó, các tế bào lympho T trong cơ thể bệnh nhân có thể nhận lầm các tế bào da khỏe mạnh là kẻ thù và tấn công, làm chúng bị tổn thương.
Các yếu tố thuận lợi tạo điều kiện khởi phát bệnh:
- Di truyền: Có 2 kiểu bệnh rõ ràng trong vảy nến: kiểu khởi phát sớm và kiểu khởi phát muộn.
- Vảy nến khởi phát sớm thường bắt gặp ở độ tuổi từ 16 đến 22. Kiểu này có diễn tiến bất ổn và khuynh hướng lan rộng toàn thân, thường kèm theo viêm khớp vảy nến, được xác định là có liên quan chặt chẽ tới yếu tố di truyền.
- Trong khi đó, kiểu vảy nến khởi phát muộn thường gặp ở độ tuổi từ 57 đến 60. Kiểu này thường nhẹ hơn, khu trú hơn và cũng có liên quan đến yếu tố di truyền, nhưng ít hơn.
- Yếu tố ngoại sinh như: Chấn thương, bỏng nắng, phẫu thuật, căng thẳng kéo dài, nhiễm trùng da, tác dụng phụ khi sử dụng lâu dài một số loại thuốc (corticosteroid, beta blockers, kháng sinh họ cycline…)…
Bệnh vảy nến có chữa trị được không?
Bởi vì nguyên nhân bệnh vảy nến có liên quan đến yếu tố di truyền, do đó, vẫn chưa có phương pháp điều trị lành bệnh.
Các phương pháp chữa trị hiện nay chủ yếu tập trung vào giảm viêm và kiểm soát tình trạng tăng sinh tế bào da quá nhanh, giúp người bệnh ngăn ngừa và hạn chế tối đa các biến chứng. Tuy nhiên, các biện pháp vẫn chỉ có tác dụng tạm thời, bệnh thường dễ tái phát sau khi ngưng sử dụng thuốc.
Bao gồm:
- Điều trị tại chỗ: Thường được sử dụng cho các trường hợp bệnh nhẹ hoặc trung bình. Các loại thuốc bôi thường dùng như: corticosteroid, retinoid, hắc ín, anthralin, acid salicylic, dẫn xuất vitamin D3, ức chế calcineurin
- Điều trị toàn thân: Sử dụng trong các trường hợp bệnh vảy nến nặng. Các thuốc thường được bác sĩ chỉ định bao gồm: methotrexate, cyclosporine, acitretin và sulfasalazine…
- Quang trị liệu: Phương pháp này sử dụng tia sáng như tia UVA, UVB để điều trị vảy nến. Các tia tử ngoại (tia UV) sẽ tấn công và gây tổn thương các gien di truyền (DNA) trong tế bào, từ đó tiêu diệt các tế bào ở vùng da bị tổn thương.
Phòng ngừa bệnh vảy nến như thế nào?
Sau khi biết được nguyên nhân bệnh vảy nến, việc phòng ngừa bệnh cũng thuận tiện hơn. Thói quen sống đóng vai trò quan trọng trong việc hạn chế diễn tiến cũng như phòng ngừa căn bệnh này. Theo đó, người bệnh nên:
- Dùng thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý sử dụng (nhất là tìm hiểu qua mạng internet)
- Khám da liễu định kỳ
- Che chắn da khi tiếp xúc lâu với ánh nắng mặt trời
- Giữ gìn vệ sinh da và thân thể
- Chăm sóc da cẩn thận, tránh để da bị khô và tổn thương
- Nên đi khám chuyên khoa da liễu nếu có dấu hiệu của nhiễm khuẩn da, xuất hiện mụn mủ trên da, đặc biệt có kèm sốt, đau nhức cơ hoặc sưng tấy
- Giữ trạng thái tinh thần ổn định, không để bị trầm cảm hay lo lắng quá mức
- Không sử dụng thuốc lá, rượu bia
- Nên tránh các thức ăn nhiều chất béo, dầu mỡ và hạn chế các thịt màu đỏ
- Bổ sung thực đơn với thức ăn có chứa nhiều rau xanh, các loại hạt, acid folic và omega-3.
ThS. BS. Trần Ngọc Khánh Nam