Xóa nốt ruồi là quá trình loại bỏ các tổ chức melanin dư thừa trên da, giúp bạn có được làn da mịn màng, đều màu hơn. Tuy nhiên, không phải tất cả các nốt ruồi đều có thể xóa bỏ. Chính vì vậy bài viết này sẽ giúp bạn phân biệt các loại nốt ruồi, đánh giá mức độ nguy hiểm và tìm hiểu về các phương pháp xóa nốt ruồi phù hợp với từng trường hợp.
Có nên xóa nốt ruồi không?
Nốt ruồi là chấm nhỏ màu nâu, đen hay đỏ trên da, có thể xuất hiện khi mới sinh hoặc hình thành trong suốt cuộc đời. Chúng được hình thành từ tế bào biểu bì và hắc tố, có thể sậm màu hơn khi tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời hoặc do thay đổi nội tiết tố, chẳng hạn như trong thai kỳ. Số lượng nốt ruồi trên cơ thể mỗi người khác nhau, phụ thuộc vào cơ địa và mức độ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Nốt ruồi là chấm nhỏ màu nâu, đen hay đỏ trên daĐa phần nốt ruồi đều lành tính và không cần can thiệp y tế. Tuy vậy cũng có nhiều người lựa chọn xóa nốt ruồi vì lý do thẩm mỹ, phong thủy hoặc do chúng nằm ở vị trí gây vướng víu, khó chịu. Trong một số ít trường hợp, nốt ruồi có thể phát triển thành ác tính. Khi đó, bác sĩ sẽ chỉ định sinh thiết và xét nghiệm để chẩn đoán chính xác. Nếu phát hiện tế bào ung thư, việc phẫu thuật hoặc tiểu phẫu loại bỏ nốt ruồi là cần thiết để ngăn ngừa biến chứng và di căn.
Nên và không nên xoá nốt ruồi nào?
Việc xóa nốt ruồi có thể mang lại lợi ích thẩm mỹ hoặc vì lý do sức khỏe, nhưng cũng tiềm ẩn một số rủi ro. Quyết định xóa hay không nên dựa trên đánh giá của bác sĩ da liễu chuyên nghiệp.
Nên xóa nốt ruồi trong các trường hợp sau:
- Nốt ruồi nghi ngờ ung thư: Đây là lý do quan trọng nhất để xóa nốt ruồi. Nếu nốt ruồi có bất kỳ dấu hiệu ABCDE của ung thư da (Asymmetry – Bất đối xứng, Border – Đường viền không đều, Color – Màu không đồng nhất, Diameter – Đường kính lớn hơn 6mm, Evolving – Thay đổi kích thước, hình dạng, màu sắc), cần đi khám bác sĩ da liễu ngay lập tức. Việc xóa nốt ruồi trong trường hợp này giúp ngăn ngừa ung thư da lây lan.
- Nốt ruồi gây khó chịu: Nốt ruồi ở vị trí dễ bị cọ xát với quần áo, trang sức,… có thể gây kích ứng, chảy máu hoặc đau. Xóa nốt ruồi trong trường hợp này sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn và cải thiện chất lượng cuộc sống.
- Nốt ruồi ảnh hưởng đến thẩm mỹ: Nếu nốt ruồi khiến bạn cảm thấy tự ti về ngoại hình, bạn có thể cân nhắc xóa nó. Tuy nhiên, hãy thảo luận kỹ với bác sĩ về việc điều trị sẹo sau khi xóa.
Không nên xóa nốt ruồi trong các trường hợp sau:
- Tự ý xóa nốt ruồi tại nhà: Việc này rất nguy hiểm vì có thể gây nhiễm trùng, chảy máu, để lại sẹo xấu và quan trọng nhất là không thể kiểm tra xem nốt ruồi có phải ung thư hay không. Bạn chỉ nên xóa nốt ruồi tại các cơ sở y tế uy tín với bác sĩ da liễu chuyên nghiệp.
- Xóa nốt ruồi khi đang mang thai hoặc cho con bú: Một số phương pháp xóa nốt ruồi có thể ảnh hưởng đến thai nhi hoặc trẻ sơ sinh.
- Xóa quá nhiều nốt ruồi cùng một lúc: Điều này có thể gây khó khăn trong việc chăm sóc da và tăng nguy cơ nhiễm trùng.
- Nốt ruồi ở vị trí khó can thiệp: Một số vị trí như gần mắt hoặc ở những vùng da nhạy cảm có thể gây khó khăn cho việc xóa nốt ruồi.
Nốt ruồi nào có thể trở thành ung thư
Tia UV có thể gây biến đổi tế bào hắc tố trong nốt ruồi và dẫn đến ung thư. Vì thế, bạn cần quan sát kỹ các nốt ruồi ở những vùng da thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng, ví dụ như mặt, cổ, da đầu (đặc biệt khi không đội mũ, nón), và lưng.
Bên cạnh đó, các nốt ruồi ở vị trí dễ bị ma sát, va chạm cũng cần được lưu ý. Áp lực liên tục lên nốt ruồi như khi chải tóc, mặc áo ngực hay đeo thắt lưng, có thể kích thích tế bào phát triển bất thường và tăng nguy cơ ung thư.
Bạn hãy thường xuyên tự kiểm tra các nốt ruồi, nhất là ở những vùng da tiếp xúc nhiều với ánh nắng hoặc dễ bị ma sát. Nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào như nốt ruồi phát triển nhanh chóng về kích thước, thay đổi màu sắc không đồng đều, chảy dịch, bề mặt trở nên gồ ghề, hoặc lông trên nốt ruồi rụng đi, hãy đến gặp bác sĩ da liễu ngay lập tức để chẩn đoán và điều trị sớm ung thư.
Cách xóa nốt ruồi tại các cơ sở y tế
Việc xóa bỏ nốt ruồi tại các cơ sở y tế được tiến hành theo quy trình nghiêm ngặt nhằm đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, thông qua 3 kỹ thuật chính sau:
Tẩy nốt ruồi bằng laser
Đây là một trong những kỹ thuật tiên tiến, phổ biến nhất hiện nay, được đánh giá cao về độ an toàn và hạn chế tối đa sẹo. Bằng cách sử dụng thiết bị chuyên dụng, bác sĩ sẽ chiếu tia laser vào vùng nốt ruồi cần xử lý. Tia laser sẽ loại bỏ sắc tố da bằng cách làm bốc hơi mô tại chỗ, đồng thời tác động đến cả sắc tố nằm sâu bên dưới bề mặt da.
Đốt điện
Kỹ thuật này sử dụng dòng điện để phá hủy cấu trúc của nốt ruồi, tuy nhiên có thể gây ảnh hưởng đến các mô xung quanh. Với sự phát triển của công nghệ, các phương pháp đốt điện hiện đại như sóng RF hoặc Plasma đã được cải tiến, giúp giảm đau, thúc đẩy quá trình hồi phục và hạn chế hình thành sẹo xấu.
Tiểu phẫu
Phương pháp này thường được chỉ định cho các nốt ruồi có kích thước lớn, bề mặt không đều, sần sùi hoặc ăn sâu vào các lớp da. Bác sĩ sẽ tiến hành đánh giá để xem nốt ruồi lành tính hay ác tính. Dựa trên vị trí, kích thước và kết quả đánh giá, bác sĩ sẽ lựa chọn kỹ thuật tiểu phẫu phù hợp, có thể là rạch nông hoặc rạch sâu.
Nếu có nghi ngờ về khả năng nốt ruồi chuyển biến thành ung thư, phương pháp tiểu phẫu là bắt buộc để thu thập toàn bộ mẫu mô chứa nốt ruồi để làm sinh thiết ung thư. Laser và đốt điện không được sử dụng trong trường hợp này bởi chúng có thể phá hủy cấu trúc tế bào, gây khó khăn cho việc phân tích tế bào dưới kính hiển vi.
Cách xóa nốt ruồi tại nhà
Không ít người lựa chọn tự xóa nốt ruồi tại nhà do e ngại về chi phí và thời gian chờ đợi tại các cơ sở y tế. Nhiều phương pháp được chia sẻ trên mạng xã hội, tuy nhiên bạn cần hết sức thận trọng. Dưới đây là một số cách thường được áp dụng:
- Dùng dấm táo: Biện pháp này chỉ thích hợp cho nốt ruồi ở những vùng da ít nhạy cảm như tay, chân và tuyệt đối không được dùng cho vùng mặt, đặc biệt là quanh mắt, mũi và miệng.
- Đắp tỏi tươi: Một số người tin rằng việc đắp tỏi tươi lên nốt ruồi kết hợp với xoa bóp nhẹ có thể giúp các hoạt chất trong tỏi tiêu diệt các tế bào nốt ruồi từ bên trong.
- Dùng muối i-ốt: Tương tự như tỏi, muối i-ốt cũng được dùng để thoa trực tiếp lên nốt ruồi để loại bỏ chúng.
- Các biện pháp khác: Một số người còn sử dụng những cách như đắp vỏ chuối tươi, dùng dầu tràm trà hoặc dầu trầm hương để làm nhạt màu nốt ruồi.
- Sử dụng chế phẩm tẩy nốt ruồi: Rất nhiều người tự loại bỏ nốt ruồi bằng các loại mỹ phẩm hoặc dược phẩm tẩy nốt ruồi được bày bán rộng rãi. Tuy nhiên cần đặc biệt lưu ý về nguồn gốc xuất xứ của chúng.
Mặc dù những cách trên có vẻ dễ thực hiện và tiện lợi, nhưng hiệu quả của chúng chưa được kiểm chứng bằng các nghiên cứu khoa học. Thêm vào đó, những nốt ruồi có kích thước lớn, ăn sâu vào da rất khó xử lý bằng các phương pháp thông thường.
Việc tự ý dùng dao, kéo để cắt nốt ruồi càng nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều rủi ro như nhiễm trùng, để lại sẹo, thậm chí kích thích tế bào ung thư. Các loại kem tẩy nốt ruồi trôi nổi trên thị trường, dù được quảng cáo là “không đau, không sẹo”, nhưng thành phần và tác dụng thực sự vẫn là một ẩn số. Để đảm bảo an toàn, tốt nhất bạn nên tìm đến sự tư vấn của bác sĩ da liễu trước khi sử dụng bất kỳ sản phẩm nào.
Cách chăm sóc da sau khi xóa nốt ruồi
Sau khi loại bỏ nốt ruồi, việc chăm sóc da đúng cách là vô cùng cần thiết để ngăn ngừa nhiễm trùng, để lại sẹo xấu và đảm bảo quá trình lành vết thương diễn ra thuận lợi. Vùng da mới tẩy rất mỏng manh và dễ bị kích ứng, do đó cần đặc biệt chú ý đến việc làm sạch và bảo vệ. Các bước chăm sóc sau khi tẩy nốt ruồi bao gồm:
- Làm sạch vùng da vừa xóa nốt ruồi: Bạn chỉ sử dụng dung dịch nước muối sinh lý hoặc betadine, polyhexanide để vệ sinh nhẹ nhàng vùng da vừa xóa nốt ruồi mỗi khi thay băng. Tuyệt đối tránh dùng oxy già hoặc dung dịch chứa i-ốt vì chúng có thể cản trở quá trình phục hồi của da. Bạn cũng nên sử dụng băng hydrocolloid để duy trì độ ẩm và giảm thiểu sẹo cho vùng da này.
- Sử dụng thuốc bôi: Bạn chỉ nên thoa các loại kem hoặc thuốc theo chỉ định của bác sĩ và sau khi vết thương đã khép miệng.
- Chế độ ăn uống: Bạn nên hạn chế tiêu thụ những loại thực phẩm có khả năng kích thích sự phát triển của sẹo lồi hoặc gây ra các phản ứng dị ứng, ngứa ngáy. Theo quan niệm dân gian, nên kiêng thịt gà, rau muống, hải sản… để tránh sẹo lồi. Tuy chưa có bằng chứng khoa học chứng minh nhưng nếu thấy ngứa ngáy tăng sau khi ăn những thực phẩm này thì hãy tạm thời loại bỏ chúng khỏi chế độ ăn.
- Hạn chế tác động mạnh: Tuyệt đối không được cào gãi hoặc cọ xát mạnh vào khu vực da vừa được điều trị.
- Hạn chế tiếp xúc với mỹ phẩm và ánh nắng mặt trời: Bạn cần bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời bằng cách che chắn kỹ lưỡng khi ra ngoài, đồng thời kiêng sử dụng mỹ phẩm cho đến khi da hoàn toàn hồi phục.
Trên đây là toàn bộ thông tin về các loại nốt ruồi và những phương pháp xóa nốt ruồi phổ biến hiện nay. Việc xóa nốt ruồi không chỉ đơn thuần vì mục đích thẩm mỹ mà còn liên quan đến sức khỏe. Nếu bạn có bất kỳ lo ngại nào về nốt ruồi của mình, hãy tìm đến bác sĩ da liễu để được tư vấn và điều trị kịp thời.