Viêm da tiếp xúc là một bệnh lý phổ biến về da mà bất cứ ai cũng có thể mắc phải. Tuy nhiên, mức độ bệnh nặng hay nhẹ tùy thuộc vào loại chất tiếp xúc, nồng độ chất tiếp xúc thời gian tiếp xúc và đặc biệt quan trọng là tùy thuộc vào cơ địa dị ứng của mỗi người.
Viêm da tiếp xúc là gì?
Viêm da tiếp xúc dị ứng (hay còn gọi chàm tiếp xúc dị ứng) là tình trạng viêm da có sự tham gia của các yếu tố miễn dịch trong máu khi da tiếp xúc với các chất dị ứng. Tuy nhiên, không phải bất cứ ai đã từng tiếp xúc với các chất này đều xảy ra viêm da tiếp xúc, mà tình trạng này chỉ gặp phải ở những người có cơ địa dị ứng với chúng mà thôi. Nói cách khác, bệnh viêm da tiếp xúc dị ứng phụ thuộc vào cơ địa dị ứng của mỗi người.
Một số chất dễ gây kích ứng là mỹ phẩm, xà bông, chất tẩy rửa mạnh, thuốc tẩy, xi-măng, vôi tôi, các dung môi (như acetone, nhựa thông…), các chất mang tính acid hoặc tính kiềm mạnh…
Triệu chứng viêm da tiếp xúc
Sau khi tiếp xúc với một số loại hóa chất và trên da xuất hiện một số triệu chứng như sau, người bệnh có thể nghi ngờ mình đã bị viêm da tiếp xúc:
– Da khô, đỏ, ngứa
– Nổi mụn nước, có thể bị rỉ dịch, lở loét
– Đặc biệt, nếu tiếp xúc lâu dài, da trở nên khô, dày và nứt nẻ
Những thương tổn trên do viêm da tiếp xúc có thể chỉ khu trú tại nơi tiếp xúc nhưng cũng có thể lan ra vùng da không tiếp xúc, và thậm chí phản ứng dị ứng có thể phát ban ra toàn thân.
Cách chữa bệnh viêm da tiếp xúc
Theo các chuyên gia khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đại học Y Dược, để loại bỏ được tình trạng viêm da tiếp xúc dị ứng tốt nhất người bệnh không nên tiếp xúc với hóa chất đó. Vì thế, người bệnh cần xác định chính xác chất nào gây ra viêm da tiếp xúc dị ứng bằng cách kiểm tra thật chi tiết và cẩn thận các yếu tố môi trường từ nhà ở, nơi công việc, thói quen, thuốc đã dùng, quần áo, mỹ phẩm… để tránh tiếp xúc với tác nhân gây viêm da.
Trong một số trường hợp bắt buộc phải tiếp xúc với các chất gây viêm da tiếp xúc do tính chất công việc hay nghề nghiệp, người bệnh nên áp dụng một số biện pháp ngăn ngừa như mặc quần áo bảo hộ lao động, đeo găng tay dài, sử dụng mặt nạ, khẩu trang lọc không khí hay bôi kem bảo vệ da… để hạn chế nguy cơ các tác nhân gây bệnh tiếp xúc với da.
Bên cạnh đó, các bà nội trợ nên hạn chế tiếp xúc với nước, xà bông…; mang găng ny-lon phía trong và găng cao su phía ngoài khi làm việc nhà. Ngoài ra, những người có cơ địa dễ bị viêm da tiếp xúc nên chuyển sang sử dụng các loại xà bông dành cho trẻ em hoặc các chất tẩy rửa da liễu chuyên biệt dành cho tay từ các hãng sản xuất uy tín; cũng như tăng cường sử dụng các sản phẩm có tác dụng chất giữ ẩm cho bàn tay.
Dùng thuốc nào điều trị viêm da tiếp xúc
Thuốc đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình điều trị viêm da tiếp xúc dị ứng, và thuốc chữa viêm da tiếp xúc chỉ phát huy tác dụng tốt nhất khi được dùng đúng chỉ định. Do đó, khi có bất cứ triệu chứng bất thường nào trên da, hãy nhanh chóng đến thăm khám và trao đổi với các bác sĩ chuyên khoa để được khám, chẩn đoán và chỉ định những loại thuốc điều trị viêm da tiếp xúc dị ứng phù hợp, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra:
– Với mụn nước, người bệnh có thể sát khuẩn nhẹ tại chỗ với các dung dịch màu như Eosin 2%, Millian… để kháng khuẩn và chăm sóc vùng da bị tổn thương.
– Với những mụn nước đã khô mà da còn đỏ và tróc vẩy thì nên bôi/ thoa các loại kem hoặc lotion chứa corticosteroid nhẹ như hydrocortisone acetate…
– Khi tình trạng viêm da tiếp xúc đã ở mức độ nặng, da trở nên khô, dày và xuất hiện những vết nứt nẻ, người bệnh nên ngâm tay trong nước từ 5-20 phút mỗi ngày, sau đó bôi ngay các chất giữ ẩm hoặc tiêu sừng (Salycilic acid…) hoặc mỡ corticosteroid mạnh như betamethasone dipropionate… để làm mềm da, dịu da.
– Trong trường hợp, thương tổn vùng viêm da tiếp xúc dị ứng bị rỉ dịch nhiều hoặc có mủ, cần tuân thủ theo điều trị của bác sĩ chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da để sử dụng thêm kháng sinh bôi hoặc uống, phù hợp với tình trạng của người bệnh.
Không chỉ khiến người bệnh cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu, viêm da tiếp xúc còn làm ảnh hưởng đến chức năng thẩm mỹ của làn da nếu không được chữa trị đúng cách và kịp thời. Vì vậy, ngay khi có những dấu hiệu đầu tiên của viêm da tiếp xúc, người bệnh cần sớm được thăm khám để điều trị bệnh dứt điểm, ngăn ngừa sự tiến triển cũng như nguy cơ tái phát của bệnh.
Nguồn: Khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đại học Y Dược