Viêm da do tiếp xúc côn trùng, ánh sáng, crôm là những tình trạng viêm da khác nhau và cần được phân biệt rõ từng bệnh lý để xử trí phù hợp, hạn chế tối đa nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, thẩm mỹ lẫn tâm lý của người bệnh.
Viêm da tiếp xúc côn trùng
Viêm da tiếp xúc do côn trùng là tình trạng viêm da cấp tính, khi da tiếp xúc đơn thuần với chất tiết của các loại côn trùng đang sống hoặc bị chết như kiến ba khoang, bướm, sâu, kiến, bù mắt…
Bệnh viêm da tiếp xúc do côn trùng có thể gây thành dịch đặc biệt vào mùa mà loài đó phát triển mạnh. Đáng chú ý, trong thời gian gần đây, số trường hợp bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang ngày càng gia tăng, nhất là vào mùa mưa, đã gây ra tâm lý lo sợ cho nhiều người.
Tổn thương do viêm da tiếp xúc côn trùng có thể xuất hiện cùng lúc ở nhiều vị trí trên cơ thể mà không có dấu hiệu báo trước. Vùng bị viêm da tiếp xúc do côn trùng thường là những vùng da hở như cổ, mặt, tay, chân, đôi khi cả ở thân mình.
Biểu hiện của viêm da tiếp xúc côn trùng
- Ngứa rát, nổi hồng ban, có thể kèm theo sốt nhẹ, nổi hạch. Sau 6 – 12 giờ, vùng da tiếp xúc với côn trùng bắt đầu sưng phù, có thể kéo thành vệt dài với nhiều mụn nước, bóng nước kích thước không đồng đều, và chuyển thành mụn mủ sau 2 – 3 ngày.
- Lúc này thấy cảm giác đau, rát càng tăng. Có thể kèm theo ngây ngấy sốt, khó chịu, nổi hạch, đau vùng cổ, nách, bẹn tương ứng với tổn thương. Nếu tổn thương ở gần mắt có thể sưng húp cả 2 mắt, 2 – 3 ngày mới đỡ, ở bẹn có thể nổi hạch bẹn sưng đau đi lại khó.
Ở những trường hợp nhẹ, việc điều trị viêm da tiếp xúc do côn trùng có thể sử dụng các thuốc bôi làm dịu da, sát khuẩn nhẹ chống viêm như oxit kẽm, mỡ kháng sinh.
Nếu mủ nhiều, đau có thể dùng kháng sinh chung, kháng Histamin tổng hợp, thuốc giảm đau có thể dùng corticoid bôi hoặc đường toàn thân.
Viêm da tiếp xúc ánh sáng
Viêm da tiếp xúc ánh sáng bản chất là tình trạng viêm da do phản ứng với chất nhạy cảm ánh sáng, xảy ra sau khi da tiếp xúc với những chất khiến cho da nhạy cảm với ánh nắng (có tia tử ngoại UV).
Cũng giống như viêm da do tiếp xúc côn trùng, vị trí viêm da tiếp xúc ánh sáng thường gặp nhất là ở các vùng da hở, dễ tiếp xúc với các loại hóa chất cũng như ánh nắng mặt trời như mặt, cổ, tay và chân, nhưng cũng có thể xuất hiện cả ở những vùng được quần áo che kín
Sau 5 – 20 giờ từ khi bắt đầu tiếp xúc với ánh nắng sẽ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng giống bỏng nắng, như ban đỏ, phù, xuất hiện bọng nước. Bệnh nhân có cảm giác rát tại thương tổn.
Những triệu chứng ban đầu của viêm da tiếp xúc ánh sáng thường rất nhẹ, chỉ là da đỏ tấy và ngứa, khiến người bệnh khó nhận biết. Tuy nhiên, sau khoảng 2 – 3 ngày đến 2 tuần, các biểu hiện có thể tăng nặng như thay đổi sắc tố da khiến sạm đen, phồng rộp, nổi mụn nước, cảm giác bỏng rát, đau nhức…
Nếu chỉ ở mức độ nhẹ, viêm da tiếp xúc ánh sáng có thể tự khỏi, vết sạm nám giảm dần và mất đi sau 1-2 tháng mà không cần điều trị. Với các trường hợp viêm da tiếp xúc ánh sáng nặng, người bệnh cần được xác định và loại bỏ các tác nhân gây bệnh. Ngoài ra, các bác sĩ sẽ chỉ định một số loại thuốc bôi chống viêm, thuốc kháng histamine chống ngứa và kháng sinh (nếu có nhiễm trùng).
Bệnh viêm da tiếp xúc nghề nghiệp do crôm
Bệnh viêm da tiếp xúc nghề nghiệp do crôm là tình trạng viêm da do tiếp xúc trực tiếp với crôm trong quá trình lao động. Đối tượng dễ mắc phải bệnh lý này là những người làm công việc có tiếp xúc trực tiếp với crôm VI như sản xuất xi măng, đồ gốm, mạ điện, chế tạo ắc quy, luyện kim, thuốc nhuộm, chất tẩy rửa, thuốc nổ, pháo hoa, diêm, hợp kim nhôm, mạ crôm…
Vị trí thương tổn của tình trạng này chủ yếu là ở những vùng hở như mặt, cổ, bàn tay và chân, có giới hạn rõ rệt vùng tiếp xúc với các vùng da khác.
Biểu hiện lâm sàng của viêm da tiếp xúc nghề nghiệp do crôm là mảng dát đỏ, ngứa, nóng rát, phù nề, có thể tiến triển thành mụn nước, trợt da, rỉ dịch.
Triệu chứng có thể xuất hiện vài tuần sau khi tiếp xúc lần đầu với dị nguyên và những lần tiếp xúc sau đó, dù chỉ là một lượng nhỏ thì có thể làm các triệu chứng xuất hiện trở lại. Ngoài ra, còn có biểuhiện của viêm da tiếp xúc kích ứng: Dát đỏ, vảy da, vết nứt và cảm giác nóng rát tại vùng da tiếp xúc.
Vị trí hay gặp nhất là bàn tay, bàn chân. Trong một vài trường hợp nặng còn có biểu hiện loét do crôm: loét sâu, bờ rõ và tròn, thường xuất hiện nên của móng, các khớp ngón tay, vùng da giữa kẽ ngón tay, lưng bàn tay (hiếm khi ở lòng bàn tay), các tổn thương này ít đau, loét khô nhưng rất khó liền để lại sẹo sau đó.
Việc điều trị bệnh viêm da tiếp xúc nghề nghiệp do crôm cũng giống như điều trị viêm da tiếp xúc ánh sáng, người bệnh cần dùng thuốc bôi, thuốc kem, mỡ corticoid và giảm đau kháng viêm tuỳ theo giai đoạn tiến triển của bệnh.
Trong tất cả các trường hợp, người bệnh bị viêm da tiếp xúc côn trùng, viêm da tiếp xúc ánh sáng hay viêm da tiếp xúc nghề nghiệp do crôm đều cần phải thăm khám và tuân thủ điều trị từ các bác sĩ chuyên khoa da liễu, nhằm kiểm soát triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm của bệnh.
BS. CKI Lê Vi Anh (Khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đại học Y Dược)