Viêm da tiếp xúc dùng thuốc gì, ăn gì, kiêng gì, sinh hoạt như thế nào… đều ảnh hưởng đến quá trình điều trị bệnh.
Viêm da tiếp xúc là tình trạng phát ban khiến người bệnh bị đỏ da (in hình vật gây dị ứng), nổi sần, ngứa hoặc đau khi tiếp xúc với các chất kích ứng hoặc dị ứng. Việc điều trị viêm da tiếp xúc dùng thuốc gì sẽ tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Theo đó:
Giai đoạn nặng, cấp tính và lan rộng
Lúc này, thuốc chống viêm và giảm phù nề được nhắc đến đầu tiên. Dùng corticosteroid đường tiêm tĩnh mạch hoặc uống, liều trung bình và giảm dần trong thời gian ngắn (2 – 3 tuần) và dùng corticosteroid dạng gel tại chỗ hoặc bôi hồ nước cho đến khi thương tổn khô, giai đoạn sau khi thương tổn khô dịch rồi mới bôi dạng corticosteroide kem.
Thuốc chống ngứa: có thể dùng 1 hay 2 loại kháng histamin đường uống, thường kết hợp thế hệ 1 với thế hệ 2.
Các thuốc kháng histamin thế hệ 1 (chlorpheniramine, hydroxyzine…) gây buồn ngủ nên uống vào ban đêm và tránh dùng cho người lái xe, lái tàu, vận hành máy móc… Chlorpheniramine dùng được ở phụ nữ có thai. Thuốc thế hệ 2 (cetirizin, loratadin…) ít gây buồn ngủ nên dùng được cả ban ngày và ban đêm.
Nếu có nhiễm khuẩn hay nguy cơ nhiễm khuẩn cao có thể dùng kháng sinh tại chỗ (lưu ý không dùng thuốc bôi có kháng sinh neomycin), uống hay tiêm trong trường hợp nhiễm trùng nặng.
Nếu tổn thương tiết dịch nhiều và nhiễm khuẩn, nên đắp/tắm bằng dung dịch thuốc tím 1/10.000 để làm khô tổn thương và sát khuẩn da.
Kết hợp uống các loại vitamin A, E, C, kẽm nếu không có chống chỉ định.
Giai đoạn vừa và nhẹ không cấp tính
Bệnh nhân ở thể thương tổn vừa và nhẹ không cấp tính có thể dùng corticosteroid đường uống hoặc không tùy vào lâm sàng, kết hợp với corticosteroid dạng kem hoặc gel bôi tại chỗ. Ngoài ra, có thể chống ngứa bằng kháng histamin đường uống như trên và kết hợp uống các loại vitamin A, E, C, kẽm nếu không có chống chỉ định.
Giai đoạn mạn tính
Với bệnh nhân bị thương tổn mạn tính, có thể chống ngứa bằng kháng histamin uống. Dùng mỡ corticosteroid tác dụng trung bình hay loại kết hợp với salicylic acid 5% bôi tại chỗ.
Khi thương tổn khô, nên dùng xen kẽ mỡ corticosteroid với một số sản phẩm không chứa corticosteroid có tác dụng làm mềm da để tránh tái phát như: ure, E, AHA… Kết hợp uống các loại vitamin A, E, C, kẽm nếu không có chống chỉ định.
Thay đổi lối sống, hỗ trợ điều trị viêm da tiếp xúc
Bên cạnh mối quan tâm viêm da tiếp xúc dùng thuốc gì, để kiểm soát bệnh hiệu quả, người bệnh còn cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Nên ăn: Các loại rau xanh đậm như rau cải bó xôi, súp lơ xanh… Các loại củ, quả chứa nhiều vitamin C, E, A… như cam, bưởi, cà rốt, xoài… Các loại ngũ cốc nguyên hạt, bột yến mạch… Bổ sung nhiều nước cho cơ thể, uống thêm các loại nước ép hoa quả…
- Kiêng ăn: Các loại thực phẩm lạ, đối với các loại dễ gây dị ứng như tôm, cua, ghẹ nên ăn lượng vừa phải. Tránh ăn các loại đồ ăn cay nóng, đồ ăn nhanh, nhiều dầu mỡ, rượu, bia, thuốc lá, đồ ngọt, thịt béo… làm kích hoạt cơ địa dị ứng, tăng cảm giác ngứa, các triệu chứng nghiêm trọng hơn.
- Không nên tiếp xúc với các loại hóa chất tẩy rửa, các chất khử mạnh. Khi tiếp xúc phải đeo đồ bảo hộ.
- Không nên đắp các lá “ngoại khoa” hay được truyền miệng trong cộng đồng
- Hạn chế sử dụng các loại sữa tắm, xà phòng, mỹ phẩm (có mùi thơm).
- Tránh tiếp xúc với các các dị nguyên bệnh như lông động vật, phấn hoa, côn trùng…
- Giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ.
- Dưỡng ẩm da bằng kem dưỡng da phù hợp.
- Bảo vệ cơ thể trước sự thay đổi của thời tiết.
- Hạn chế tiếp xúc với nắng, tránh căng thẳng, stress.
- Tích cực vận động cơ thể
Khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da