Các tác nhân ức chế miễn dịch thường được sử dụng trong da liễu có làm gia tăng nguy cơ liên quan đến ung thư hay không? Các nhà khoa học đã thực hiện nghiên cứu dữ liệu và công bố – Liệu pháp Điều trị Bệnh về da (Dermatologic Therapy).
Mặc dù nhóm thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (Disease-modifying antirheumatic drug – DMARDs) và liệu pháp sinh học thường là những phương pháp điều trị đầu tiên đối với các rối loạn viêm da, nhưng vẫn còn lo ngại về vai trò tiềm ẩn của chúng trong việc tăng nguy cơ ung thư. Đánh giá tổng quan hiện nay nhằm xác định nguy cơ ung thư theo phân nhóm trong các danh mục thuốc ức chế miễn dịch.
Vào tháng 7 năm 2020, các nhà nghiên cứu đã tiến hành đánh giá có hệ thống từ cơ sở dữ liệu thử nghiệm trực tuyến đối với các nghiên cứu dùng để đánh giá nguy cơ ung thư ở những bệnh nhân được dùng thuốc ức chế miễn dịch cho các tình trạng viêm da. Những nghiên cứu báo cáo các loại thuốc, đặc điểm nghiên cứu đoàn hệ (study cohort) và kết quả bệnh ung thư được thu thập lại.
Kết quả được quan tâm là sự xuất hiện của ung thư sau khi tiếp xúc với chất ức chế miễn dịch, được biểu thị bằng tỷ lệ sự cố tiêu chuẩn (standardized incident ratio), nguy cơ tương đối (relative risk) hoặc tỷ số chênh (odds ratio).
Đến thời điểm phù hợp, kết quả nghiên cứu được chuẩn hóa thành một con số cần thiết để gây hại (Number needed to harm – NNH) vào mỗi năm, hoặc số bệnh nhân cần được điều trị bằng thuốc trong suốt 1 năm để xuất hiện 1 trường hợp bệnh lý ác tính cụ thể.
Tỷ lệ ung thư trong các nhóm nghiên cứu được so sánh với tỷ lệ trong dân số chung và được xác định dưới sự giám sát của Viện Ung thư quốc gia (National Cancer Institute) bao gồm kết quả về dịch tể học và kết quả của chương trình đánh giá thống kê về ung thư. Các kết quả được phân tầng theo loại thuốc và loại bệnh ác tính.
Thuốc ức chế miễn dịch được phân loại như sau: thiopurines; chất ức chế yếu tố hoại tử khối u (TNFis); methotrexate (MTX); thuốc ức chế calcineurin tại chỗ; và mycophenolate motefil.
Mối liên quan của thiopurine với ung thư hạch bạch huyết, ung thư da không tế bào hắc tố (Non-melanocytic skin cancer – NMSC) và ung thư đường tiết niệu đã được ghi nhận trong một số nghiên cứu về bệnh viêm khớp dạng thấp và bệnh viêm ruột. Tuy nhiên, NNH cao ở hầu hết các phân nhóm ung thư: đối với ung thư hạch, 3572 bệnh nhân cần nhận điều trị thiopurine thì xuất hiện 1 trường hợp ung thư hạch.
Trong dân số nói chung, NNH đối với ung thư hạch được ước tính là 4171. Chỉ đối với NMSC, thì số bệnh nhân cần điều trị (number needed to treat – NNT) là rất thấp, ở mức 132 trong số những người dùng thiopurine. NNH trong dân số nói chung dao động từ 80 đến hơn 3000, tùy thuộc vào các yếu tố nguy cơ. Thiopurine về cơ bản không liên quan đến nguy cơ ung thư vú nguyên phát, ung thư vú tái phát, u ác tính hoặc ung thư đại trực tràng.
TNFis có liên quan đến việc tăng nhẹ nguy cơ mắc bệnh u lympho không Hodgkin (non-Hodgkin’s lymphoma – NHL), theo dữ liệu từ một nghiên cứu năm 2017. NNH trong 1 năm là 9058: gần 10.000 bệnh nhân cần được điều trị bằng TNFis thì xuất hiện một trường hợp NHL. Còn trong dân số không được điều trị, NNH đối với u lympho không Hodgkin là 10.630.
Kết quả không thuyết phục về sự liên kết giữa TNFis với các u lympho khác, NMSC hoặc u ác tính. TNFis không liên quan đến ung thư hạch Hodgkin, ung thư vú, ung thư đại trực tràng, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư phổi hoặc tỷ lệ mắc bệnh ung thư tổng thể.
Có rất ít nghiên cứu về những rủi ro liên quan đến MTX và các chất ức chế calcineurin tại chỗ. Có 2 nghiên cứu gợi ý rằng nguy cơ ung thư hạch bạch huyết có thể tăng lên khi sử dụng MTX, tuy nhiên không có nghiên cứu nào sử dụng một nhóm đoàn hệ so sánh thích hợp. Lymphoma ở người dùng MTX có thể là kết quả của tác động kết hợp giữa MTX và các tình trạng bệnh khớp, chứ không phải do điều trị MTX đơn lẻ. Tương tự, tác động của MTX lên khối u ác tính và ung thư phổi không rõ ràng.
Và mặc dù các chất ức chế calcineurin tại chỗ đi kèm với cảnh báo về nguy cơ ung thư hạch tiềm ẩn, nhưng không có nghiên cứu nào chứng minh mối liên hệ thực sự giữa tác nhân chủ động và ung thư hạch. Các nghiên cứu khác không tìm thấy mối liên hệ giữa chất ức chế calcineurin tại chỗ và nguy cơ ung thư hắc tố hoặc NMSC. Không có nghiên cứu nào về những rủi ro liên quan đến mycophenolate motefil.
Kết quả từ đánh giá này phác thảo các mối quan tâm tiềm ẩn về sự an toàn xung quanh việc sử dụng tác nhân ức chế miễn dịch. Mặc dù thiopurine và TNFis có một số mối liên quan có ý nghĩa thống kê với nguy cơ ung thư, chỉ đối với NMSC là NNH dưới 500 bệnh nhân mỗi năm. Đối với các khối u ác tính khác, hàng nghìn bệnh nhân được lên kế hoạch chăm sóc mà không có nguy cơ ung thư phát sinh. Như vậy, lợi ích của việc điều trị phải được cân nhắc cẩn thận đối với rủi ro.
Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng những kết quả này cần được diễn giải một cách thận trọng do thiếu dữ liệu sẵn có. Các nghiên cứu dài hạn hơn nữa là cần thiết để đánh giá tốt hơn nguy cơ ung thư dài hạn ở những bệnh nhân sử dụng thuốc ức chế miễn dịch.
Các nhà nghiên cứu viết rằng: “Đối với hầu hết các khối u ác tính ngoài da, các nghiên cứu quan sát cỡ mẫu lớn không cho thấy tỷ lệ gia tăng các khối u, bao gồm vú, đại trực tràng, tuyến tiền liệt và phổi, là những nguyên nhân chiếm phần lớn các trường hợp ung thư”.
Bằng cách hiểu và truyền đạt khái niệm về NNH, các bác sĩ có thể bắt đầu xác định rõ hơn các rủi ro có thể chấp nhận được khi điều trị các bệnh da liễu gây ảnh hưởng và suy nhược cơ thể nhưng không trầm trọng đến đe dọa tính mạng.