Nấm da là bệnh lý da liễu phổ biến, xuất hiện trên mọi vị trí cơ thể. Tuy nhiên, những vùng nhiều mồ hôi hoặc ẩm ướt, không thông thoáng khí được nấm “ưu ái” hơn cả.
Nấm da có biểu hiện như thế nào?
Nấm da là tình trạng nhiễm nấm trên các vùng da, niêm mạc khác nhau của cơ thể. Tác nhân gây bệnh có tới hàng triệu loài nấm, nhưng chỉ có khoảng 300 loài thực sự có thể gây nhiễm trùng ở người. Nấm ở khắp mọi nơi, trên cây, trên đất, và thậm chí cả trên da người.
Những sinh vật cực nhỏ này trên da người thường không gây ra bất kỳ vấn đề gì, trừ khi có điều kiện thuận lợi giúp sinh sôi nhanh hơn bình thường hoặc xâm nhập vào da qua vết cắt hoặc tổn thương.
Nhiễm nấm da cấp tính là những vùng da bị viêm đỏ, với bờ nổi gồ, giới hạn rõ, hình đa cung, kèm theo mụn nước ngứa. Đặc điểm của bệnh là dễ lây truyền và tái phát, xuất hiện vòng mới bên trong vòng cũ. Nếu nặng, có thể xuất hiện áp xe (kerion) bằng các ổ áp xe chứa mủ, ẩm ướt và dễ bị chẩn đoán nhầm với nhọt hay ung thư da.
Những vùng da dễ bị nấm nhất
Vì nấm phát triển mạnh trong môi trường ấm, ẩm ướt nên nhiễm trùng da thường phát triển mạnh ở những vùng nhiều mồ hôi hoặc ẩm ướt, không thông thoáng khí:
- Bàn chân và bàn tay
Nấm ở chân (Athlete’s foot hay tinea pedis), có thể ảnh hưởng 1 hoặc hai bên chân với các biểu hiện như ngứa nhiều, nóng châm chích ở lòng bàn chân và giữa các ngón; da khô, bong vảy, thường bắt đầu giữa các ngón chân và có thể lan xuống phía dưới bàn chân, hai bên hoặc cả hai; bong tróc da; xuất hiện mụn nước, da nứt nẻ gây đau, chảy máu, và các mảng dày da đỏ kèm tróc vảy; da giữa các ngón chân chuyển sang màu trắng, trở nên mềm và mủn; xuất hiện mùi hôi….
Bệnh nấm chân khá phổ biến nên có tên nước ăn, thường xuất hiện nhiều ở kẽ ngón chân nhất là hai ngón cuối. Nguyên nhân là do tiếp xúc nhiều trong nguồn nước không vệ sinh, nhất là trong mùa mưa lũ kéo dài. Thủ phạm là do hai loài nấm Epidermophyton và Candida albicans.
Nếu ở tay thường có biểu hiện da lòng bàn tay khô; vết nứt sâu trên lòng bàn tay; nhiễm trùng có thể lan đến móng tay; dễ bị nhầm với da khô hay cực kì khô, da dày do làm việc bằng tay; dát hình nhẫn trên mu bàn tay…
- Móng
Nấm móng thường do trichophyton gây ra và rất khó điều trị. Thường xuất hiện ở hai bên khóe móng hoặc ở bờ tự do của móng. Nấm móng gây ra những khó khăn nhất định trong đời sống sinh hoạt hằng ngày.
Bệnh dễ nhận biết như móng đổi màu từ trắng sang nâu, móng dày và biến dạng, kèm mùi hôi, xuất hiện các mảnh vụn dưới móng, bong tróc và nổi mụn nước ở vị trí bị tổn thương
- Da đầu
Một trong những vùng da dễ bị nhiễm nấm tiếp theo là da đầu. Nấm da đầu được xem là một bệnh da liễu phổ biến và khó điều trị. Bệnh gây mất thẩm mỹ, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống do da đầu bị bong tróc và ngứa dữ dội.
Thủ phạm là nấm có tên dermatophyte, triệu chứng ban đầu là xuất hiện các nốt sần nhỏ sau đó sẽ phát triển thành những mảng vảy gây hói tạm thời. Nấm cũng có thể lây lan qua vật nuôi như chó mèo và tồn tại rất lâu ở những vật dụng bị nhiễm. Ngoài ra còn có con đường lây bệnh khác là trực tiếp qua việc sử dụng chung đồ dùng cá nhân với người đã mắc bệnh như gối, khăn… Dấu hiệu, gồm vảy bong tróc trên da, da đầu bị tổn thương, ngứa trầm trọng, rụng tóc, viêm nhiễm, nổi mụn mủ và chảy máu.
- Râu
Thường gặp ở nam giới với nhiều râu và lông trên mặt nhất là khi tiếp xúc với vật nuôi bị nhiễm nấm. Bởi vậy nông dân và người chăn nuôi là nhóm hay bị nhiễm nấm nhất. Triệu chứng nhiễm bệnh là vùng râu trên mặt và cổ sưng đỏ, mọc mụn, rụng tóc, sưng hạch bạch huyết, da thô ráp, xuất hiện bị mụn trứng cá, viêm nang lông….
- Vùng kín ở phụ nữ
Nấm vùng kín hay còn được gọi là nấm phụ khoa do nhiễm trùng nấm men. Có nhiều loại nấm gây bệnh, nhưng chủ yếu vẫn là nấm Candida, xuất hiện ở âm đạo, âm hộ, hậu môn. Dấu hiệu ở vùng kín thường dễ bị nhầm lẫn với các bệnh phụ khoa khác. Phần lớn là ngứa dữ dội, dài ngày.
Ngoài ra, còn có biểu hiện ra nhiều huyết trắng có màu trắng đục hoặc vàng xanh, dạng đặc quánh hoặc loãng, sủi bọt và có mùi hôi khó chịu. Đau đớn khi quan hệ tình dục, xuất huyết âm đạo bất thường, tiểu rắt, tiểu buốt và có cảm giác khó chịu khi đi tiểu.
Nguyên tắc chung điều trị bệnh nấm da
- Phát hiện sớm, điều trị kịp thời để tránh lây lan trong đơn vị rồi mới điều trị.
- Điều trị phải bôi đúng phác đồ, đủ thời gian, liên tục.
- Điều trị nấm da 3-4 tuần, nấm móng 3-6 tháng.
- Tránh cạo da trước khi bôi thuốc, cạo da dễ dẫn đến tình trạng viêm nang lông và nhiễm khuẩn phụ.
- Khi nấm lây lan cho nhiều người thì phải điều trị hàng loạt
- Bôi thuốc với nồng độ thích hợp
- Kết hợp biện pháp vệ sinh phòng bệnh, giặt quần áo bằng nước nóng, phơi nắng, lộn trái khi phơi, ủi 2 mặt.
- Tránh bôi các thuốc dễ gây kích ứng da như những chất có pH acid, tránh tiếp xúc với pin đèn, kiến 3 khoang, tránh thói quen mặc quần áo lót chặt, và không nên dùng đồ sợi nhân tạo.
- Điều trị dù là bôi, điều toàn thân phải căn cứ vào hình thái lâm sàng, mức độ độc hại của thuốc để chọn phác đồ điều trị phù hợp đối với từng bệnh nhân.
- Giữ vệ sinh chung cho bản thân, gia đình và những người xung quanh, trang phục phải khô ráo, sạch sẽ, hạn chế ẩm ướt, mồ hôi…