Không chỉ có trẻ nhỏ, người trưởng thành cũng bị vàng da, đơn thuần không chỉ là da có màu vàng mà niêm mạc hoặc kết mạc mắt cũng có thể bị vàng. Mặc dù chỉ là triệu chứng của bệnh nhưng biểu hiện vàng da ở người lớn rất có thể là dấu hiệu của một bệnh khác nghiêm trọng cần phải điều trị.
Đôi nét về bệnh lý
Bệnh vàng da (Jaundice) là thuật ngữ y tế mô tả tình trạng vàng da và kết mạc mắt. Bản thân vàng da không phải là một bệnh, nhưng nó là một triệu chứng của một số bệnh tiềm ẩn có thể xảy ra.
Vàng da hình thành khi có quá nhiều bilirubin trong cơ thể. Bilirubin được tạo ra do sự phá vỡ các tế bào hồng cầu trong cơ thể được gan bài tiết.
Thông thường, gan sẽ loại bỏ bilirubin cùng với các tế bào hồng cầu cũ bằng cách men gan sẽ làm biến đổi cấu trúc của bilirubin để tạo nên dạng hòa tan trong nước, làm cho bilirubin trở thành một phần của dịch mật.
Vàng da có thể là một vấn đề nghiêm trọng với chức năng của các tế bào hồng cầu, gan, túi mật hoặc tuyến tụy. Nói cách khác, vàng da là sự chuyển màu vàng da và niêm mạc do tăng bilirubin trong máu. Có thể nhìn thấy khi nồng độ bilirubin từ 2 đến 3 mg / dL (34 đến 51 μmol / L).
Hầu hết bilirubin được sản sinh khi Hb bị phân hủy thành bilirubin không liên hợp và các chất khác. Bilirubin không liên hợp khi phối hợp với albumin trong máu để vận chuyển đến gan, và kết hợp với axit glucuronic trở thành dạng tan trong nước gọi là bilirubin liên hợp. Bilirubin liên hợp còn được bài tiết trong mật để vào tá tràng.
Trong ruột, vi khuẩn chuyển hóa bilirubin thành urobilinogen. Một số urobilinogen được loại bỏ trong phân, một số được hấp thu lại sau đó được phân giải bởi các tế bào gan, tái chế và bài tiết lại trong mật.
Tiên lượng bệnh được xác định chủ yếu bởi nguyên nhân của vàng da và sự hiện diện và mức độ nghiêm trọng của rối loạn chức năng gan. Rối loạn chức năng gan có thể gây ra rối loạn đông máu, bệnh não gan và tăng áp lực tĩnh mạch cửa.
Nguyên nhân gây da vàng rất đa dạng như tắc nghẽn đường dẫn mật, ung thư đầu tụy, ung thư đường mật trong gan, sỏi đường mật, tổn thương tế bào gan, chứng tan máu….
Bệnh vàng da liên quan đến bệnh gì?
Bệnh liên quan đến tế bào gan: Đây là nhóm bệnh lí chính gây nên vàng da ở người trưởng thành do tế bào gan bị ảnh hưởng và không thu nhận được bilirubin, bị đào thải và cuối cùng là ứ đọng trong máu.
Ngoài ra, nồng độ bilirubin trong máu tăng còn do các tế bào gan bị hủy hoại hoặc giảm số lượng. Thường liên quan một số bênh lí: viêm gan cấp, xơ gan, ung thư di căn tại gan, một số hội chứng di truyền hiếm gặp…
Ngoài ra, bệnh vàng da còn liên quan đến bệnh lí của ống mật chủ sẽ gây hẹp tắc đường dẫn mật trong gan về ống mật chủ làm dịch mật sẽ tràn vào máu dẫn tới vàng da như trong bệnh: sỏi mật, viêm tụy cấp, ung thư túi mật……
Các bệnh lý xơ gan tiên phát gây viêm đường mật và một số thuốc làm giảm dòng chảy của dịch mật, đào thải bilirubin cũng gây vàng da.
Bệnh vàng da còn do các yếu tố khách quan như dùng một số loại thuốc chữa bệnh. Thuốc gây trở ngại trong quá trình chuyển hóa trong tế bào gan và đường mật của quá trình tạo, bài tiết mật qua đường ruột cũng gây nên triệu chứng vàng da do các thành phần của mật có bilirubin bị ứ lại trong cơ thể.
Chẩn đoán và điều trị
Bệnh sử của các bệnh hiện mắc bao gồm khởi phát và thời gian vàng da. Tăng bilirubin máu có thể làm cho nước tiểu sẫm màu trước khi vàng da có thể biểu hiện. Do đó, nếu nước tiểu sẫm màu phản ánh sự xuất hiện của tăng bilirubin máu
Những triệu chứng quan trọng khác gồm sốt, các tiền triệu (như sốt, mệt mỏi, đau mỏi cơ) trước vàng da, thay đổi màu sắc phân, ngứa, tiêu phân mỡ, đau bụng (vị trí, mức độ, thời gian, hướng lan truyền).
Các triệu chứng quan trọng gợi ý bệnh nặng bao gồm buồn nôn và nôn, giảm cân và các triệu chứng rối loạn đông máu có thể xảy ra (bầm tím hoặc xuất huyết, phân đen hoặc phân máu).
Bác sĩ dựa vào tiền sử của bệnh nhân có thể chẩn đoán ban đầu nguyên nhân gây vàng da. Ví dụ như bệnh nhân uống nhiều rượu thì nghi ngờbệnh gan do rượu.
Bệnh nhân dùng thuốc thì nghi ngờ vàng da do thuốc, bị đau bụng từng cơn có thể do tắc đường sỏi mật… Nếu có bất kì dấu hiệu nào, người bệnh nên đi khám để biết bệnh và can thiệp kịp thời.
Các xét nghiệm chẩn đoán bệnh vàng da gồm: Xét nghiệm định lượng bilirubin xác định nguyên nhân vàng da, bilirubin tăng đáng kể sẽ gợi ý bệnh gây ra tan máu, men gan tăng sẽ gây viêm gan
Xét nghiệm alkaline phosphate chẩn đoán bệnh lý tắc đường mật; siêu âm ổ bụng để thăm dò các cơ quan trong ổ bụng, phát hiện khối u trong gan hoặc sỏi mật. Ngoài ra có thể CT Scanner phát hiện u gan, tụy và giãn ống mật.
Khi xác định được nguyên nhân của vàng da sẽ có phương pháp điều trị đặc hiệu theo phương pháp nội khoa hoặc ngoại khoa.
· Vàng da do viêm gan: Dùng thuốc kháng virus hoặc các thuốc chống viêm nhóm steroid.
· Vàng da do thiếu máu tan huyết: Dùng uống bổ sung sắt hoặc tăng cường các thực phẩm giàu sắt.
· Vàng da do thuốc: Hầu hết các trường hợp da sẽ trở lại bình thường trong vòng một vài tuần, một số ít trường hợp có thể mất vài tháng. Điều trị có thể thay đổi một số loại thuốc thay thế
· Vàng da do tắc nghẽn đường mật: Điều trị tập trung loại bỏ nguyên nhân gây tắc nghẽn như loại bỏ sỏi mật, chữa viêm đường mật như tán sỏi, sử dụng kháng sinh…
· Nếu vàng da do sỏi mật, chức năng gan kém hay các bệnh lý đường mật thì bạn nên duy trì chế độ ăn hạn chế thực phẩm giàu cholesterol (da, mỡ và nội tạng động vật, thịt bò…), bổ sung đầy đủ chất xơ, ăn nhiều rau quả, uống nhiều nước.
Một số thực phẩm được nhiều chuyên gia khuyên dùng cho người bị vàng da bạn có thể tham khảo như gạo lứt, yến mạch, quả dâu tây, quả dứa, cam quýt, nước ép củ cải, nước ép cà chua, nước mía, nước chanh…