Bài viết dựa trên đánh giá hệ thống và phân tích tổng hợp trên 8776 bệnh nhân, 52,69% số này đạt được hiệu quả phục hồi sắc tố trên 90%.
Các bằng chứng mới cho thấy trên bệnh nhân bạch biến ổn định kháng trị, can thiệp phẫu thuật có thể là lựa chọn hiệu quả trong điều trị.
Nhóm nghiên cứu của bác sĩ Huyn Jeong Ju, Bệnh viện thánh Vincent, Seoul thực hiện phân tích tổng hợp và tổng quan y văn để nghiên cứu về đáp ứng điều trị ở từng phương thức phẫu thuật khác nhau trên bệnh nhân bạch biến.
Phác đồ điều trị hiện tại bao gồm liệu pháp ánh sáng (phototherapy), thuốc bôi chứa corticosteroid, chất ức chế calcineurin dạng thoa và các liệu pháp kết hợp. Mặc dù vậy, các đánh giá hệ thống đều cho thấy những phương pháp này chỉ tái lập được phần nào sắc tố.
Can thiệp phẫu thuật bao gồm kĩ thuật chuyển và cấy ghép da là lựa chọn điều trị thay thế cho những bệnh nhân bạch biến ổn định và trước đây chưa có khảo sát hệ thống nào nghiên cứu về tính hiệu quả cũng như an toàn của nó.
Đánh giá hệ thống (Systemic review)
Khảo sát đánh giá dựa trên kết quả từ 117 nghiên cứu.
Trong các nghiên cứu này, các phương thức can thiệp được sử dụng là ghép da bằng punch (19 ca), ghép da mỏng (10 ca), cấy ghép da theo phương thức tạo bóng nước bằng lực hút _ suction blister grafting (29 ca)
Sử dụng dung dịch huyền phù của tế bào biểu mô không qua nuôi cấy _ noncultured epidermal cell suspension(45 ca), sử dụng dung dịch huyền phù của tế bào nang lông _ follicular cell suspension (9 ca) và sử dụng dung dịch huyền phù của tế bào biểu mô được nuôi cấy _ cultured epidermal cell suspension (17 ca).
Kết quả chính khảo sát thu thập là tỉ lệ tái lập sắc tố. Kết quả này được chia thành 3 nhóm: nhóm trên 90%, nhóm 75% và nhóm 50.%.
Nhóm nghiên cứu cho biết tỉ lệ này được tính bằng cách chia toàn bộ số bệnh nhân tham gia các nghiên cứu trong khảo sát cho số bệnh nhân có dấu hiệu tái lập sắc tố của từng nghiên cứu.
Kết quả thứ hai thu thập là các yếu tố có liên quan đến việc đáp ứng điều trị (như tác dụng phụ).
Trong 8776 bệnh nhân tham gia khảo sát, có 52,69% bệnh nhân sau khi can thiệp phẫu thuật có tỉ lệ tái lập sắc tố trên 90% (với khoảng tin cậy 95%, dao động từ 46,87 đến 58,50)
Cụ thể, tỉ lệ bệnh nhân đạt được hiệu quả tái lập sắc tố trên 90% của từng phương thức như sau:
Phương thức | Tỉ lệ |
Ghép da bằng punch | 45,76% (với khoảng tin cậy 95%, dao động từ 30,67 đến 60,85) |
Ghép da mỏng | 72,08% (với khoảng tin cậy 95%, dao động từ 54,26 đến 89,89) |
Cấy ghép da theo phương thức tạo bóng nước bằng lực hút | 61,68% (với khoảng tin cậy 95%, dao động từ 47,44 đến 75,92) |
Sử dụng dung dịch huyền phù của tế bào biểu mô không qua nuôi cấy | 47,51% (với khoảng tin cậy 95%, dao động từ 37,00 đến 58,03) |
Sử dụng dung dịch huyền phù của tế bào nang lông | 36,24% (với khoảng tin cậy 95%, dao động từ 18,92 đến 53,57) |
Sử dụng dung dịch huyền phù của tế bào biểu mô được nuôi cấy | 56,82% (với khoảng tin cậy 95%, dao động từ 48,93 đến 64,71) |
Sau can thiệp phẫu thuật, tỉ lệ bệnh nhân tái lập trên 75% sắc tố là 64,72% (với khoảng tin cậy 95%, dao động từ 59,52 đến 69,92) và tỉ lệ bệnh nhân có đáp ứng tái lập sắc tố trên 50% là 81,01% (với khoảng tin cậy 95%, dao động từ 78,18 đến 83,84).
Theo phân tích tổng hợp hồi qui, việc đáp ứng điều trị có liên quan đến độ tuổi bệnh nhân (độ dốc tương đối là -1.1418), loại bạch biến mắc (0,3047) và vị trí sang thương (-0,4050).
Có 56 nghiên cứu báo cáo về tác dụng phụ của phương pháp này. Tác dụng phụ thường gặp là đau, tăng sắc tố ở vùng da được ghép, giảm sắc tố ở vùng lấy da để ghép.
Theo các nhà nghiên cứu, đốm sắc tố, viền sáng (marginal halo) và sẹo cũng là tác dụng phụ gặp ở tất cả phương thức can thiệp phẫu thuật được khảo sát.
Hiện tượng Koebner ở vùng lấy da để ghép hay bệnh tiến triển cũng được báo cáo ở một vài nghiên cứu, cho thấy việc cẩn trọng đánh giá tình trạng ổn định của bệnh trước khi can thiệp phẫu thuật là rất cần thiết.
Tuy nhiên, các nhà khảo sát cũng ghi nhận rằng có sự không đồng nhất rõ rệt trong thiết kế nghiên cứu của các nghiên cứu trong khảo sát, bao gồm dữ liệu về dịch tễ cũng như các qui trình trước và sau thủ thuật.
Họ cho rằng cần thực hiện thêm các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên và đánh giá hệ thống nữa. Đánh giá và phân tích hệ thống này khẳng định rằng việc can thiệp phẫu thuật là cần thiết trong việc quản lí và điều trị bạch biến ổn định kháng trị.
Phương pháp này có tối ưu được hiệu quả hay không phụ thuộc rất lớn vào việc đánh giá chính xác tình trạng ổn định của bệnh cũng như lựa chọn phương thức phẫu thuật phù hợp.