Trẻ em có thể bị mắc vảy nến, và ở bất cứ độ tuổi nào, từ sơ sinh tới thanh thiếu niên hay bất kì độ tuổi nào trong khoảng đó. Và trẻ em cũng có thể bị mắc tất cả các thể bệnh vảy nến giống như ở người lớn.
Điểm khác biệt giữa vảy nến ở trẻ em và vảy nến ở người lớn
Ở trẻ em, một thể bệnh vảy nến thường gặp hơn chính là vảy nến thể giọt hay ngắn gọn hơn là vảy nến giọt. Thể bệnh này thường xuất hiện sau khi đứa trẻ bị nhiễm trùng, đặc biệt là viêm họng do liên cầu khuẩn (Streptococcus). Và cũng có trường hợp đứa trẻ vẫn xuất hiện vảy nến giọt mặc dù không có nhiễm trùng.
Nếu con của bạn bị nhiễm trùng, điều trị triệt để tình trạng này có thể giúp vảy nến giọt tự thoái lui trong vòng vài tháng và không bao giờ trở lại. Tất nhiên cũng có những trường hợp sau khi tình trạng vảy nến giọt của đứa trẻ thuyên giảm, đứa trẻ đó vẫn có thể xuất hiện vảy nến thể mảng ở một giai đoạn nào đó về sau trong cuộc đời.
Khi trẻ nhỏ mắc bất cứ thể bệnh nào của vảy nến, tổn thương có thể trông giống hăm tã, nhiễm nấm da hay giống tình trạng viêm da tiết bã trên da đầu (dân gian còn gọi là “cứt trâu”). Thông thường đứa trẻ cũng sẽ được điều trị các tình trạng bệnh lý này trước, tuy nhiên nếu tổn thương da không cải thiện, bạn nên đưa trẻ đến khám bác sĩ chuyên khoa da liễu.
Việc thăm khám với bác sĩ da liễu sẽ giúp con bạn được chẩn đoán chính xác hơn bệnh lí trên da. Tuy nhiên đối với trẻ ở độ tuổi rất nhỏ, ngay cả bác sĩ chuyên ngành về da liễu Nhi cũng khó chẩn đoán xác định được đứa trẻ mắc vảy nến hay chàm da (viêm da cơ địa).
May mắn thay, phần nhiều các phương pháp để điều trị vảy nến và viêm da cơ địa ở trẻ nhỏ là giống nhau. Khi đứa trẻ lớn lên, bác sĩ da liễu sẽ có thể chẩn đoán chính xác hơn đứa trẻ mắc bệnh vảy nến hay chàm da.
Điều trị vảy nến trên trẻ nhỏ cần nhiều sự cân nhắc
Trước khi điều trị bệnh vảy nến cho một đứa trẻ, bác sĩ da liễu sẽ cân nhắc kĩ càng việc:
- Điều trị có thực sự cần thiết không
- Lợi ích và nguy cơ của các phương pháp điều trị khả dụng
Một đứa trẻ mắc bệnh da có thể gặp nhiều vấn đề. Như vảy nến trên da đầu có thể làm trẻ nhỏ hay thiếu niên cảm thấy buồn phiền, đặc biệt nếu có rụng tóc kèm theo, từ đó trẻ sẽ xấu hổ và hạn chế giao tiếp với người khác. Vấn đề ngứa hay đau da dai dẳng cũng làm trẻ không tập trung được khi học tập và gây mất ngủ.
Nếu cần điều trị, bác sĩ da liễu sẽ lên phác đồ điều trị để hạn chế tối đa tác dụng phụ và mang lại lợi ích nhiều nhất có thể cho trẻ.
Nguồn: https://www.aad.org/public/diseases/psoriasis/treatment/could-have/child-have