Bỏng hay phỏng là một loại chấn thương đối với da hoặc các mô khác do nhiệt, điện, hóa chất, ma sát, hay bức xạ. Bỏng không đơn thuần chỉ là cảm giác nóng rát, bỏng có thể là tổn thương da nghiêm trọng làm cho các tế bào xung quanh bị ảnh hưởng hoặc chết đi.
BS.CKI Lê Vi Anh, Khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, sẽ chia sẻ với chúng ta trong chương trình “Bác sĩ của bạn: Bỏng”.
Hậu quả của bỏng: da là lớp đầu tiên bảo vệ cơ thể và bỏng có thể phá hủy sự bảo vệ đó. Tất cả các loại bỏng nếu không được điều trị đúng cách có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng. Các biến chứng hay gặp nhất của bỏng thường liên quan đến nhiễm trùng.
Phân loại độ nặng của bệnh bỏng:
Bỏng nông: Bỏng độ I: Viêm da cấp vô khuẩn.
Bỏng độ II: Bỏng biểu bì.
Bỏng độ III: Bỏng trung bì. Bỏng sâu:
Bỏng độ IV: Bỏng toàn bộ lớp da.
Bỏng độ V: Bỏng các lớp sâu dưới lớp cân nông.
Bỏng sâu tức bỏng từ độ IV trở lên cần phẫu thuật ghép da.
Theo BS.CKI Lê Vi Anh, một số nguyên nhân có thể gây ra bỏng bao gồm:
- Bỏng nhiệt: do lửa, hơi nước, các vật nóng hoặc các chất lỏng nóng gây ra
- Bỏng lạnh: do tiếp xúc với những điều kiện ướt, gió hoặc lạnh
- Bỏng điện: do tiếp xúc với nguồn điện hoặc sét đánh
- Bỏng hóa chất: do tiếp xúc với các hóa chất như axit, bazơ ở nhà hoặc hóa chất công nghiệp. Hóa chất này có thể ở dạng rắn, lỏng hoặc khí. Thực phẩm tự nhiên như ớt chứa chất gây kích ứng cho da, có thể gây ra cảm giác bỏng
- Bỏng bức xạ: gây ra bởi ánh nắng mặt trời, máy nhuộm da, tia cực tím, tia X hoặc xạ trị trong điều trị ung thư
- Bỏng ma sát: do tiếp xúc với bất kỳ bề mặt cứng như đường, thảm hoặc các sàn phòng tập thể dục.
Phân tích tác nhân gây bỏng theo lứa tuổi:
- Trẻ em thường gặp bỏng do nhiệt ướt (nước sôi, dầu mỡ đang nấu sôi)
- Người lớn gặp bỏng do nhiệt khô (lửa, điện, kim loại nóng) hơn trẻ em. Bỏng do hóa chất: chủ yếu gặp ở người lớn.
- Còn bỏng do điện, tỷ lệ giữa trẻ em và người lớn tương đương nhau.
Điều trị sai cách như kem đánh răng có thể còn làm bỏng chồng bỏng. Vì theo BS. CKI Lê Vi Anh, kem đánh răng có tính kiềm nhẹ. Kiềm (bazơ) cũng là nguyên nhân gây bỏng.
Ngoài ra, nước mắm có khá nhiều protein là môi trường thuận lợi để vi khuẩn sinh sôi, nảy nở, nên có thể làm nhiễm khuẩn vết bỏng.
BSCKI Lê Vi Anh khuyến cáo, nếu chúng ta xử trí vết bỏng một cách không phù hợp như vậy có thể trì hoãn thời gian vàng để điều trị, thậm chí có thể khiến nhiệt độ hay tác nhân gây bỏng đi sâu xuống hơn là tình trạng từ nhẹ chuyển sang nghiêm trọng.