Bệnh viêm da mủ là gì?
Bệnh viêm da mủ hay còn được gọi là hội chứng bong vẩy da do tụ cầu, một loại bệnh nhiễm trùng da cấp tính do ngoại độc tố của tụ cầu gây ra.
Cơ thể suy nhược, điều kiện vệ sinh kém, da bị xây xát, tổn thương… là những điều kiện thuận lợi để vi khuẩn trên da tăng sinh, tăng độc tố, xâm nhập vào da và dẫn đến bệnh viêm da mủ. Đáng chú ý, trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh rất dễ mắc phải bệnh lý này vì hệ miễn dịch cũng như khả năng đào thải độc tố ở trẻ nhỏ chưa hoàn chỉnh.
Biểu hiện ban đầu của viêm da mụn mủ chỉ đơn giản là xuất hiện nốt mẩn đỏ, mụn phỏng nước trên người và đỏ da kèm theo sốt, mệt mỏi. Tuy nhiên, những biểu hiện này sẽ nhanh chóng lan rộng ra toàn thân sau 1-2 ngày, gây phù nề, đau nhức cho người bệnh.
Mụn phỏng nước ban đầu trong và dần chuyển thành mủ đục trong thời gian rất ngắn. Đặc biệt, các mụn phỏng nước xuất hiện trên bề mặt da thường rất mềm, dễ bong trợt và gây đau rát, tổn thương da. Đôi khi, các mụn phỏng nước này liên kết với nhau thành từng mảng rộng ở nhiều vùng trên cơ thể, khi bóc tróc trên diện rộng lại càng khiến người bệnh đau rát và khó chịu. Trong trường hợp nặng, người mắc bệnh viêm da mủ có thể bị mất nước, rối loạn điện giải, nhiễm trùng toàn thân và thậm chí có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Cách điều trị hiệu quả bệnh viêm da mủ
Các chuyên gia y tế khẳng định, nếu người mắc bệnh viêm da mủ được chẩn đoán, điều trị sớm và đúng cách thì chỉ sau 5 – 7 ngày, những tổn thương trên da sẽ nhanh chóng khô bề mặt, bong vẩy da và bệnh nhân sẽ khỏi bệnh hoàn toàn.
Chính vì vậy, khi thấy có các biểu hiện của viêm da mủ, người bệnh nên đến các cơ sở y tế càng sớm càng tốt để được các chuyên gia y tế chẩn đoán, điều trị bệnh kịp thời và dứt điểm.
Thông thường, điều trị viêm da mủ bao gồm điều trị chứng nhiễm khuẩn tại chỗ ngoài da bằng các loại thuốc kháng sinh chống viêm, giữ gìn vệ sinh cơ thể bằng các dung dịch sát khuẩn, tắm với nước muối sinh lý hai lần mỗi ngày, dùng gạc đắp da toàn thân…; đồng thời kết hợp với các biện pháp nâng cao sức đề kháng bằng một chế độ dinh dưỡng đầy đủ và hợp lý, bổ sung các loại vitamin như A, B1, C… và thường xuyên theo dõi những thay đổi phản ứng trên cơ thể người bệnh.
Những lưu ý khi bị viêm da mủ
Việc điều trị và chăm sóc cho người bị bệnh viêm da mủ cũng có rất nhiều điều cần được lưu tâm để hạn chế nguy cơ gia tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh, chẳng hạn như:
- Tránh cào xước, chà xát mạnh làm vỡ mụn phỏng nước, mụn phỏng mủ và làm mủ chảy lan ra vùng da lân cận.
- Không được tự ý chích nặn những mụn đang viêm tấy, chưa chuyển sang mụn phỏng mủ…
- Cho người bệnh mặc quần áo rộng rãi và ở trong phòng thoáng mát.
- Uống nhiều nước, ăn các món ăn loãng, mềm như cháo, súp…
- Đặc biệt, các chuyên gia y tế khuyến cáo bệnh nhân viêm da mủ không nên tự ý tắm nước lá tại nhà mà không có chỉ định của bác sĩ điều trị, nhằm tránh tình trạng lở loét, nhiễm trùng, nhiễm độc do lá cây không đảm bảo vệ sinh hoặc có chứa chất làm ảnh hưởng sức khỏe của người bệnh.
Nếu được điều trị đúng cách, bệnh viêm da mủ sẽ nhanh chóng được đẩy lùi mà không để lại bất cứ biến chứng hoặc hậu quả nghiêm trọng trên da. Do đó, ngay khi xuất hiện các vết mẩn đỏ bất thường trên da, người bệnh nên đến bệnh viện hoặc các cơ sở chuyên khoa da liễu để khám, chẩn đoán và có được phương thức điều trị bệnh một cách chuẩn xác nhất.
Khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da