Khi bị mắc mưa, da có thể tiếp xúc với nguồn nước bẩn sẽ làm tăng nguy cơ mắc những bệnh lý như: viêm da tiếp xúc, viêm da dị ứng, viêm nang lông, nhiễm nấm trên da, ghẻ lở…
ThS.BS Nguyễn Phương Thảo – Khoa Da liễu – Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM trả lời:
Vào mùa mưa, thời tiết đang nắng nóng, mưa xuống làm cho nhiệt độ, độ ẩm không khí tăng cao. Đây là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn, vi nấm hoặc ký sinh trùng xuất hiện và phát triển trên da.
Khi chị bị mắc mưa, đặc biệt ở khu vực thường xuyên ngập úng, da có thể tiếp xúc với nguồn nước bẩn sẽ làm tăng nguy cơ mắc những bệnh lý như: viêm da tiếp xúc, viêm da dị ứng, viêm nang lông, nhiễm nấm trên da, ghẻ lở… Nếu bệnh diễn tiến nặng, những sang thương có thể lan rộng gây ra nhiều vết xước da, lở loét…
Trường hợp của chị và con gái như mô tả, có thể chẩn đoán sơ bộ khả năng nhiễm nấm, viêm da tiếp xúc hoặc ghẻ. Những bệnh này có chung biểu hiện như xuất hiện hồng ban, mụn nước li ti, gây đau, ngứa. Bên cạnh đó, chị và bé cũng có thể bị sang thương tiếp xúc bởi vùng da tiếp xúc nước mưa, nước bẩn của chị có các triệu chứng điển hình.
Trường hợp của bé, cũng có thể bị nấm chân vì mụn nước chỉ xuất hiện ở vùng kẽ chân hoặc vùng bàn chân với biểu hiện da mỏng, ẩm ướt, ngứa… Nếu bé bị sang thương với mụn nước sâu, ở vùng kẽ chân, ngón tay, vùng da non quanh rốn thì khả năng bị ghẻ.
Chị và bé nên đến cơ sở y tế có chuyên khoa da liễu để được thăm khám. Nếu chị chưa thể đi khám, cần ngưng tiếp xúc với nguồn nước bẩn, giữ vùng da bị tổn thương luôn khô ráo, vệ sinh sạch sẽ…