Khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đại học Y Dược, tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị sạm đen da. Không ít bệnh nhân đã gửi thắc mắc đến fanpage Thẩm mỹ Da – BV Đại học Y Dược, để hỏi các vấn đề liên quan màu sắc của làn da.
Như “Tôi nay 21 tuổi mà da đã bị sạm đen, sẫm màu toàn thân, ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ. Tôi xin hỏi có thể điều trị để da bớt sạm được không? Nếu được, tôi có thể chữa ở đâu? Có thể chữa bằng liệu pháp tự nhiên không?” Hay một than phiền phổ biến khác: “Tôi bị mụn điều trị khỏi đã lâu, sau khi hết mụn sưng đỏ, da bị để lại các vết thâm tại các vị trí từng nổi mụn, một số nốt bị cạy, thậm chí vết sậm to hơn các nốt mụn trước đó”…
Khi da bị kích ứng hoặc bị tổn thương đều có thể dẫn đến sạm da toàn thân, tăng sắc tố sau viêm (Post-inflammatory hyperpigmentation – PIH).
Tăng sắc tố ở da thường do kích thích ngoại sinh và hậu quả của một số thủ thuật thực hiện trên da như mài mòn da, lột da hoặc laser trị liệu. Thêm vào đó, ánh sáng mặt trời là tác nhân làm nặng thêm tình trạng tăng sắc tố sau viêm, đặc biệt những vùng da viêm mạn tính hoặc tái diễn nhiều lần. Vùng da bị tổn thương sẽ chuyển sang màu xám, sạm đen, nâu đậm hoặc hơi xanh.
Vì sao bị tăng sắc tố sau viêm?
Khi da bị kích ứng hoặc bị tổn thương đều có thể dẫn đến sạm da toàn thân, tăng sắc tố sau viêm (Post-inflammatory hyperpigmentation – PIH). Đây là tình trạng do tăng quá mức sự sản xuất sắc tố melanin hay do sự phân bố không đồng đều của hạt sắc tố sau quá trình viêm. Tất cả các loại (type) da đều có thể bị mắc phải tình trạng này nhưng xu hướng thường gặp hơn ở những bệnh nhân có type da đậm màu, đặc biệt khi tổn thương viêm da ở lớp sâu bên dưới chẳng hạn phát ban da do dị ứng thuốc, thương tổn da sâu qua màng đáy của lớp thượng bì, da có thể bị thâm đen kéo dài rất lâu.
Do vậy, làn da châu Á như người Việt Nam thuộc nhóm da đậm màu (type IV, type V theo Fitzpatrick), nên PIH xảy ra khá phổ biến, chiếm khoảng 50% trường hợp sau viêm, và thường nặng nề hơn so với những type da sáng màu, gây tác động đáng kể đến thẩm mỹ và chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Các vấn đề về da thường dẫn đến tăng sắc tố sau viêm được chia thành 2 nhóm bao gồm nguyên nhân nội sinh như mụn trứng cá; côn trùng cắn; viêm da cơ địa; viêm da tiếp xúc – dị ứng; nhiễm trùng da; các bệnh gây viêm da như vảy nến… Và nhóm nguyên nhân ngoại sinh như: chấn thương; bỏng; các thủ thuật thẩm mỹ laser (xâm lấn, không xâm lấn), lăn kim, peeling, điều trị tia xạ không ion hoá…
Tình trạng viêm da càng nhiều, nguy cơ và mức độ nặng của tăng sắc tố sau viêm càng cao. Sau quá trình tác động cơ học hoặc nhiệt học từ các thủ thuật thẩm mỹ, thường sẽ gây ra các phản ứng viêm tại chỗ, từ đó hình thành nên các quầng tăng sắc tố lan rộng xung quanh hơn diện tích của vùng da hoặc vết thương được điều trị. Những yếu tố nguy cơ “không từ phía cơ địa làn da” liên quan độ nặng PIH sau can thiệp thẩm mỹ gồm:
- Độ sâu của thủ thuật xâm lấn
- Các loại laser có độ rộng xung dài
- Độ nóng tác động trên vùng da điều trị
- Khoảng cách giữa các lần điều trị quá gần nhau làm cho da chưa kịp hồi phục và tái tạo da
- Do phương pháp điều trị chưa được áp dụng đúng như chưa hiểu rõ cơ chế tác động hoặc thông số của công nghệ/ kỹ thuật
Hơn thế nữa, các yếu tố “đồng phạm” gây tăng sạm da sau viêm là ánh nắng mặt trời, tiếp xúc – cọ xát – tỳ đè trên thương tổn, ngâm dầm do tiếp xúc nước sớm gây ẩm vết thương, tác động làm tróc mài sớm… đều sẽ gây cho “vết tích” của PIH trầm trọng và kéo dài hơn.
Do vây, để phòng ngừa tăng sắc tố sau viêm, các can thiệp thủ thuật và laser phải được chỉ định và thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da tại các cơ sở khám chữa bệnh uy tín.
Tăng sắc tố da sau viêm được điều trị như thế nào?
Bản chất của PIH tuy không gây ra sẹo xơ trên và có thể được cải thiện theo thời gian nhưng cần khoảng từ 3 – 24 tháng để sắc tố mờ dần đi. Thời gian này tùy thuộc vào đặc điểm của tổn thương, type da và mức độ tác động của ánh sáng mặt trời. Do vậy, chống nắng là bước đầu tiên đóng vai trò quan trọng trong điều trị của tăng sắc tố sau viêm.
Chúng ta có thể lựa chọn sử dụng thoa kem chống nắng hoặc uống viên chống nắng hoặc phối hợp cả 2 để cho hiệu quả bảo vệ da chống nắng cao nhất. Ngoài ra, việc tránh ra ngoài vào những giờ có nắng cao điểm, mang áo quần dài tay, nón rộng vành, khẩu trang tối màu cũng sẽ giúp tăng cường sự bảo vệ da khỏi tác động của tia cực tím.
Trong một số trường hợp, nếu tiếp tục can thiệp cơ học và nhiệt học liên tục sau đó, tình trạng PIH có thể tổn tại vĩnh viễn. PIH có thể ở lớp thượng bì (lớp trên cùng của da), lớp trung bì (lớp sâu hơn của da) hoặc hỗn hợp. Thể thượng bì có kết quả điều trị thường khả quan với các chỉ định bôi thuốc điều trị tại chỗ. Hỗn hợp nám da và tăng sắc tố da rất khó điều trị do sự hiện diện của tăng sắc tố sâu hơn trong da và cần phối hợp nhiều phương pháp khác nhau.
Về cơ bản, PIH có thể được cải thiện bởi các thuốc bôi tại chỗ có tác dụng làm ức chế sự hình thành sắc tố kết hợp với phương pháp chống nắng hiệu quả. Có nhiều nhóm thuốc bôi làm mờ nám hiện nay có thể kể đến như hydroquinone, retinoid, corticosteroid, axit azelaic, axit glycolic, axit kojic,… Các thuốc này giúp cải thiện tốt đối với PIH thể thượng bì.
Việc lựa chọn cũng như phối hợp các phương pháp điều trị cho PIH nông/ sâu hay kháng trị là khác nhau. Các phương pháp xâm lấn như lột da, công nghệ laser xâm lấn, bào mòn da, lăn kim… có tác dụng điều trị tăng sắc tố sau viêm nông lẫn sâu. Cơ chế là kích thích tái tạo lớp thượng bì, giúp làn da trở nên tươi trẻ và căng mịn, tác động tạo đường thoát cho các hạt sắc tố nằm sâu bên dưới da.
Các phương pháp không xâm lấn như laser xung ngắn, laser xung dài, ánh sáng trị liệu… xuyên sâu xuống tận lớp trung bì, loại bỏ các sắc tố sâu mà không làm tổn hại bề mặt của da. Cơ chế là phá nát hạt sắc tố và kích thích “đội quân dọn dẹp của cơ thể” tăng cường đào thải các phế phẩm sắc tố này. Bên cạnh đó các phương pháp không xâm lấn còn góp phần kích thích tăng sinh collagen, tái tạo làn da từ bên trong, giúp làn da đàn hồi tốt và căng bóng.
Điều trị các bệnh lý da, giúp hạn chế phản ứng viêm da
Các phương pháp điều trị này sẽ giúp các bệnh nhân bị tình trạng PIH có thể cải thiện và rút ngắn thời gian phục hồi. Để việc điều trị đạt hiệu quả cao và lâu dài, điều cần thiết là phải điều trị các vấn đề về da tiềm ẩn dẫn đến sự biến đổi màu sắc.
Bên cạnh đó, khi có bệnh lý về da, chúng ta cần được thăm khám bởi các bác sĩ chuyên khoa Da Liễu để được chẩn đoán và điều trị sớm, hạn chế phản ứng viêm. Điều trị PIH là một quá trình phức tạp cần được thực hiện càng sớm càng tốt do vậy các bác sĩ chuyên khoa Thẩm mỹ da sẽ giúp bạn nhanh chóng cải thiện tình trạng tăng sắc tố sau viêm một cách an toàn và hiệu quả nhất.
Phòng ngừa PIH bằng cách thực hiện các việc sau:
- Khám kiểm tra sức khỏe tổng quát để có thể phát hiện sớm và loại bỏ các nguyên nhân do bệnh lý từ bên trong cơ thể
- Bảo vệ da chống nắng thật tốt: bôi kem chống nắng đạt tiêu chuẩn chống nắng 30 phút trước khi ra nắng; mặc áo quần dài tay, nón rộng vành sậm màu
- Hạn chế tối đa việc lạm dụng sử dụng mỹ phẩm, đặc biệt là các mỹ phẩm không rõ nguồn gốc vì thường có chứa kim loại nặng hoặc corticoid. Đây là những tác nhân gây ngộ độc da nặng nề, khiến da đổi màu, thậm chí khó hồi phục da hoàn toàn
- Dùng kem bôi tẩy trắng da có chứa vitamin C, vitamin E, hydroquinone 2%… trước thủ thuật
- Bảo tồn môi trường da tại vết thương/ thương tổn da sao cho tối ưu cho việc lành thương như giữ ẩm độ vừa đủ, không ngâm dầm vết thương, không gỡ mài, tránh cọ xát trên da, tránh căng kéo da…
- Hoạt động thể lực, nhịp sống điều độ, dinh dưỡng cân bằng cho cơ thể
- Nên đến khám và tư vấn chuyên khoa tiêu hóa để giải quyết triệt để các vấn đề như táo bón, viêm đại tràng mạn tính… nếu có.
TS. BS. Lê Thái Vân Thanh, Trưởng khoa Da liễu – Thẩm mỹ Da, Bệnh viện Đại học Y Dược